Không để lò dầu tắt lửa
Bà kể, sau giải phóng, dân làng lại đỏ lửa nấu dầu. Nhưng, nấu không được bao lâu thì ai nấy tìm kế sinh nhai khác. Mấy mươi năm nay, dù có khi chỉ còn vài ba lò còn nấu nhưng lò bà chưa bao giờ tắt lửa. Từ sau thời bao cấp đến năm 2000, cả làng chỉ còn 4-5 lò, thậm chí nhiều khi chỉ còn nấu 2 lò. Dân làng không sống nổi với nghề tổ tiên, nên nhiều người phải bỏ dù rất yêu nghề. Thời gian đó, bà phải đem dầu vào Đà Nẵng để bán. Việc bà chuyển lò ra cạnh đường vừa bán vừa nấu hơn 20 năm nay cũng chỉ là tình cờ. “Nhà gần đường quốc lộ nên tui thấy cần làm một cái tủ bỏ dầu ra ngoài đường bán cho khách vãng lai. Nhưng vậy thì phải đem lò ra luôn, một mình tui không thể vừa nấu vừa bán. Cách đây chừng mười năm, khách du lịch đến Huế nhiều, xe du lịch dừng lại lò dầu của tui vừa xem vừa mua. Thế là dân làng cùng nhau đem lò ra cạnh đường vừa bán vừa để khách tham quan!”, bà thổ lộ.
Bà Quyên bên lò dầu Tràm
Bà Quyên là người người theo nghề tinh dầu tràm từ đời ông nội để lại cho hay, dầu tràm Lộc Thủy đã gắn bó bao đời nay với người dân địa phương. Dù ai xa quê đều nhớ đến dầu tràm Lộc Thủy. Nó như một thứ “thần dược” thôn quê đã gắn vào mỗi con người khi lọt lòng. Nghề tinh luyện dầu tràm của gia đình bà dù có thăng, trầm nhưng bà vẫn cố giữ lấy nghề xem như sự tri ân của con cháu đối với lớp tiên hiền khi khai phá vùng đất bán sơn địa này. Bà Quyên trăn trở trước thực trạng ngày càng nhiều dầu tràm không rõ nguồn gốc bán tại địa bàn Lộc Thủy, giá từ 200-300 nghìn đồng/ lít. Trong khi đó, dầu tràm Lộc Thủy chính hiệu giá từ 1,3 -1,5 triệu đồng/lít.
Bà Quyên nói, nghề tinh luyện dầu tràm giờ nan giải lắm. Làm ra một mẻ dầu đã khó mà bán dầu ra thị trường cũng khó hơn. Hiện bà biết những địa chỉ bán dầu dỏm nhưng không dám nói. Mà theo bà, nói ra chưa chắc đã hay vì họ cho rằng mình ghen ăn tức ở. Đã có nhiều người bị cơ quan chức năng điểm mặt nhưng rồi vẫn như đá ném ao bèo. “Lo cho khách ham giá rẻ vớ phải dầu dỏm, không phải dầu tràm do chính tay người dân Lộc Thủy tinh chế”, bà Quyên trăn trở.
Bảo tồn dược liệu làng quê
Ngày trước ở nông thôn mỗi khi trong nhà có người nhọc mệt, trẻ con trở chứng đau bụng… thì chai dầu tràm là cứu cánh của người nghèo. Dùng không cũng tốt, có người còn cầu kỳ ngâm thêm một ít củ ném (một loại hành nhỏ màu trắng, trồng nhiều ở vùng cát miền Trung, có nơi gọi là hành tăm) rồi đậy kín cất ở đầu giường, góc tủ. Loại dầu ấy có cái lạ, để lâu không cạn, mà càng để càng nồng đượm, dược tính tăng thêm.
Thứ tinh chất lâu năm ấy mỗi đêm lấy ra bôi lên gan bàn chân một ít, giấc ngủ vừa tròn lại chẳng lo nhiễm bệnh phong hàn, nhức mỏi cũng tiêu tan. Vì thế, những “Mệ Huế” xưa bao giờ trong người cũng thủ sẵn lọ dầu tràm, như các bà già Bắc bộ luôn có hộp cao con hổ, hay các vị lão niên miền Nam sẵn chai dầu gió. Cất để dùng cho mình và phòng khi có đứa cháu nào sơ sinh đem thoa lên bụng, lên chân tay cho nó được cứng cáp, sau này còn bươn chải trước sương gió cuộc đời.
Dầu tràm Lộc Thủy đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cả nước
Cái tình, cái ân người Huế xưa là vậy, và cho đến bây giờ dù có bao nhiêu loại tân dược đắt tiền, thì với người phụ nữ Huế có con, cháu nhỏ, lọ dầu tràm vẫn là sự lựa chọn số một. Có người đã tính vui rằng: riêng ở Huế, 80% số người lớn lên đã bén hương dầu tràm từ lúc mới lọt lòng. Nói thế để thấy cái nghề nấu tinh dầu tràm ở Phú Lộc có đất dụng võ như thế nào. Thập kỷ 80 của thế kỷ trước, làng nghề dầu tràm ở Lộc Thủy, Lộc Tiến đã cực kỳ phát đạt. Dầu nấu ra bao nhiêu cũng không đủ cho nhu cầu của người dân và cả một số cơ sở quốc doanh cũng về đây thu mua dầu tràm bán khắp Trung bộ. Hàng chục lò chưng cất tinh dầu cứ sôi sùng sục suốt ngày đêm, kéo theo rất nhiều lao động lúc nông nhàn đi bứt “bổi” tràm. Cây tràm ở Phú Lộc đâu có thiếu. Trên những trảng cát trắng dưới chân núi Bạch Mã, hay xuôi về phía cảng Chân Mây, tràm mọc thành rừng, tầng tầng, lớp lớp lấy lá mấy cũng không xuể. Hôm nay bứt lá vùng này, mai lại chuyển sang vùng khác, thế mà chẳng mấy lúc cây lại xanh um.
Vì vậy, ở Lộc Thủy, Lộc Tiến có nhiều nhà chuyên nghề thu hái lá tràm về bán cho các lò nấu tinh dầu. Ai giỏi thì kiếm 70.000-100.000đ/ngày. Đối với quê nghèo, nguồn thu nhập như thế là quý lắm, nó trả bớt lo toan cho hạt lúa. Còn đối với những nhà chuyên nghề chưng cất tinh dầu tràm lâu đời như nhà bà Quyên, bà Hương, ông Nho, ông Cầu... cái sự giàu sang chưa dám nói, nhưng cuộc sống cũng đủ dư dả để xây nhà, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.