Nghề… dậm!
Sở dĩ nói đây là “nghề dậm”, bởi vì người bắt những con ngao, hầu, vẹm ở dưới đáy bùn của phá Tam Giang đều dung đôi chân của mình để “rà”. Hết thảy những người làm cái nghề cực nhọc này trên phá Tam Giang đều là những nông dân nghèo khổ. Con cái đông đúc, ruộng đất ít ỏi lại bạc màu đã xô đẩy họ đến sông nước mưu sinh. Ở cái tuổi 75 với dáng người gầy gò và nước da đen sạm, bà Lê Thị Thâm là một trong những người có thâm niên lâu nhất với nghề dậm trìa trên phá này. “Khi mới mười tuổi, tui đã phải theo cha mẹ đi dậm trìa để kiếm sống, đến khi về nhà chồng trong cảnh túng quẫn tui lại tiếp tục bám lấy nghề” - bà Thâm kể, trước khi ngụp người xuống nước để cầm lấy con trìa nhỏ vừa dậm được.
“Cần câu cơm” của những người dậm trìa là một bao tải, một chiếc ghe nan dùng chung cho một nhóm khoảng 5 người. Giữa cái lạnh cóng họ ngâm mình dưới nước sâu đến ngực, dùng đôi chân để dò tìm những con trìa lẫn trong bùn đất rồi ngụp người xuống nước để bắt trìa lên. Để nhận biết được trìa, những đôi chân trần của người làm nghề phải liên tục di chuyển qua lại trên lớp bùn đất. “Chỉ cần một cái chạm chân nhẹ là tui có thể biết được đó là con trìa hay là vật gì khác” - chị Hà, một người dậm trìa tâm sự. Để có thêm thu nhập, những người làm nghề dậm trìa còn “tận thu” cả lưới rách, những mẩu sắt, nhựa nằm sâu dưới bùn.
Mừng tủi khi mò bắt được trìa
Quanh năm làm bạn với sông nước nhưng cảnh túng quẫn luôn bám riết những người làm nghề này. Thời điểm có thu nhập cao nhất đối với người dậm trìa là mùa nắng, vì mùa này nước không sâu lắm, lại không lạnh. Những ngày nắng, mỗi người làm nghề có thể dậm được 20-30kg trìa/ngày, thu được 50.000 - 80.000 đồng/ngày. Còn mùa mưa, nhất là vào đông, việc bắt trìa không đơn giản chút nào, bởi nước vừa lạnh mà trìa lại rất ít.
Vì thu nhập ít ỏi, nhiều gia đình có tới hai đến ba thế hệ cùng dắt díu nhau làm nghề này, như gia đình chị Thu, chị Hoa, chị Tuyền. “Chỉ với ba sào ruộng bạc màu mà trong nhà có tới 8 miệng ăn thì lấy chi mà sống, con cái lại học hành nữa chứ. Mấy tuần ni ngụp dưới nước mà chưa đủ tiền mua mấy quyển vở cho con” - chị Hoa than thở. Thương nhất là các cháu nhỏ, cũng phải theo mẹ dầm mình dưới nước tìm trìa để có tiền đi học. Tuy số tiền kiếm được không thấm tháp gì nhưng cũng giúp các em được phần nào chi phí trang trải tiền sách bút, đỡ đần cho cha mẹ.
Kiếp… dậm!
Phải ngâm mình cả ngày dưới nước nên chuyện ốm đau với những người làm nghề này đã trở thành chuyện thường. Người làm nghề dậm trìa thường mắc nhiều bệnh ngoài da do nguồn nước ngày càng ô nhiễm nặng. Còn chuyện chân đạp vào những vật nhọn, mảnh thuỷ tinh chìm lấp dưới bùn là chuyện diễn ra hàng ngày, trong khi những người làm nghề này lại chủ quan không chữa trị nên đã rất nhiều người bị nhiễm trùng. “Nhiều lần chân vướng phải vật nhọn bị tứa máu nhưng vẫn không thể nghỉ làm, vì thế mà không ít lần tui bị nhiễm trùng, phải nằm ở nhà cả tháng trời mới khỏi” - bà Thâm vừa nói, vừa giơ bàn chân phải ngang dọc những vết sẹo lên trên mặt nước để chứng minh.
Những cảnh đời khốn khó quanh năm dầm mình dưới nước để mưu sinh vẫn nở nụ cười lạc quan
Trên phá Tam Giang này, có nhiều chỗ nước sâu đến năm, sáu mét, vì thế không ít người dậm trìa đã phải bỏ xác cho hà bá do không biết bơi, hay biết bơi nhưng tuổi cao sức yếu như trường hợp của bà Uyên, bà Thanh. Nhưng không phải vì thế mà những cụ bà tuổi cao chịu dậm ở gần bờ, bởi như thế thu nhập sẽ không đủ trang trải cho cuộc sống. Cũng vì cơm áo mà ngày càng có nhiều người già phải bỏ mạng trên đoạn phá này…
Khi hoàng hôn buông xuống, những người dậm trìa chuyển những bao tải nặng trịch lên bờ bán. Trong sự mệt mỏi nhọc nhằn của một ngày dài chôn mình dưới nước, người bán cũng không buồn kèo nài quá lâu. Họ nhận lấy những đồng tiền ít ỏi từ tay người đia đường tạt qua mua và trở về nhà. Và cứ thế, ngày mai, họ lại tiếp tục “lên đường” dầm mình dưới nước để mưu sinh...