Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nhắc lại tinh thần Nghị quyết XI của Bộ Chính trị về vấn đề công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã quy định các cơ quan, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, của Nhà nước, của Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình giới, phấn đấu đến 2015 đạt 80%, 2020 đạt 95% ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Đại biểu Bùi Thị An cho biết: “Hiện nay, các đồng chí nữ Thứ trưởng, Bộ trưởng ở Việt Nam ta xếp thứ 124/129, đây là mức thấp. Tôi thấy trong việc bổ nhiệm, đề bạt và bố trí các đồng chí nữ ở các vị trí cao, hoặc ở các vị trí ra quyết định vẫn chưa xứng với tiềm năng của chị em, bởi lẽ rất nhiều các đồng chí nữ có tài, có tầm, có tâm, có đủ phẩm cách để đảm nhiệm những vị trí này. Nhưng tỷ lệ đó rất ít”. Chính vì vậy, bà An đề nghị bổ sung phải quy định ngay là tỷ lệ nữ tham gia Chính phủ ít nhất phải từ 20% trở lên.
“Nếu không quy định tỷ lệ, tôi thấy sẽ rất khó đạt được chuyện bình đẳng giới. Bởi vì cũng không ai hiểu chị em bằng chị em và không ở những vị trí ra quyết định thì rất khó ra được những quyết định có liên quan đến quyền của nữ” – đại biểu An kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) cũng đồng ý với dự thảo đã bổ sung một nguyên tắc là bảo đảm bình đẳng giới. Bởi vì đây là một nguyên tắc để đảm bảo có tiếng nói của các giới. Tuy nhiên, để nguyên tắc này được thực hiện, phải được cụ thể hóa tại một số các điều luật, để từng bước tăng dần một cách hợp lý số lượng nữ lãnh đạo hiện nay còn rất thấp.
“Tôi đồng tình quy định số lượng Thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan, cần có trường hợp đặc biệt. Vì nếu không quy định, e rằng số lượng nữ Thứ trưởng sẽ bị giảm. Cho đến nay, chúng ta cũng rất tự hào báo cáo với thế giới là đã có 50% số Bộ có nữ Thứ trưởng. Mặc dù tỷ lệ còn thấp, nhưng tỷ lệ Bộ có nữ Thứ trưởng tăng lên rất cao” – bà Thanh Hòa đề xuất.
Đại biểu Thanh Hòa chia sẻ thêm: Kỳ này Quốc hội cũng thảo luận về Luật bầu cử đại biểu Quốc hội. Có nhiều ý kiến cho rằng không quy định được tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trong luật vì đây là do dân bầu. Nhưng ở đây chỉ do Thủ tướng trình, Quốc hội quyết định thì chắc chúng ta có thể chủ động để đạt được mục tiêu bình đẳng giới. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định này, làm được như thế để chúng ta quán triệt được nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng khẳng định: Chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành, đều quy định phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong hoạt động quản lý Nhà nước. Thực tiễn, Chính phủ trong những năm qua đã và đang làm rất tốt công tác thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, đã có xem xét, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo nữ ở cấp thứ trưởng và tương đương.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) bày tỏ sự phân vân quy định về nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới, vì đây là nhiệm vụ của Chính phủ trong điều hành. Nếu quy định bình đẳng giới thì các vấn đề khác như: Dân tộc, tôn giáo, các đối tượng khác như người cao tuổi, người khuyết tật, thế hệ trẻ... điều chỉnh như thế nào?./.