Là người Việt Nam ai cũng có ý thức về gia đình, về cộng đồng, quốc gia nơi mà họ từng gắn bó suốt cuộc đời. Ắt hẳn ai cũng thuộc lòng câu hát “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người”. Ở đây chúng ta hiểu quê hương trước hết là gia đình, là nơi mỗi người sinh ra đều qua tiếng ầu ơ của mẹ, tình thương thầm lặng của người cha. Vì vậy mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục, hình thành nhân cách của mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Chính vì muốn xây dựng XHCN mà phải chú ý đến hạt nhân cho tốt”. Lời dạy của Bác thật sâu sắc. Có gia đình mới có xã hội. Gia đình là cầu nối giữa cá nhân và xã hội. Mỗi con người từ lúc lọt lòng đến khi trưởng thành đều sống trong một gia đình nhất định. Gia đình chính là trường học đầu tiên in dấu ấn không thể phai mờ trong suốt cả cuộc đời mỗi người trong đó vai trò của người phụ nữ cực kỳ vẻ vang. Người phụ nữ mà chúng ta muốn nói đến ở đây là người mẹ-là hạt nhân, linh hồn, là người thầy đầu tiên của con người!
Trong sự phát triển của lịch sử, dù ở lĩnh vực nào, người phụ nữ cũng có những đóng góp đáng kể cho sự tồn tại, phát triển, tiến bộ của dân tộc vì thế họ đã có một vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm thức của người Việt Nam. Có những bà mẹ vất vả, lam lũ cả đời nhưng không hề than thân trách phận, được người đời ca tụng, được tôn vinh là người mẹ Việt Nam anh hùng qua hai cuộc kháng chiến gian khổ và thần thánh. Thật vậy, ngay cả trong xã hội phong kiến vốn “Trọng nam khinh nữ” nhưng vai trò của người vợ, người mẹ không hề suy giảm, vậy mới có câu ca dao lưu truyền cho đến ngày nay :
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
“Nghĩa mẹ” thường đặt cao hơn, “cha sinh không bằng mẹ dưỡng”. Ngay từ trong bào thai của mẹ, đến khi ra đời, các thế hệ ngưòi Việt Nam đã nhận lấy bầu sữa mẹ cùng với tình thương yêu, chăm sóc và dạy dỗ của người mẹ. Qua những lời hát ru, mẹ dạy con tình yêu quê hương, đất nước, học cách làm người:
“Uống nước phải nhớ đến nguồn
Được ăn quả chín nhớ ơn người trồng”
Hay: “Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài
Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi”
Xã hội hiện tại “Nam nữ bình đẳng” thì càng tôn vinh vai trò của phụ nữ, người mẹ nói chung. Người phụ nữ tượng trưng cho cái đẹp, vừa là vẻ đẹp hình thể vừa là cái đẹp tinh thần. Khi nói đến vẻ đẹp của người phụ nữ, đại thi hào Nguyễn Du đã từng ca ngợi:
“Rõ ràng trong ngọc, trắng ngà
Mày dày sẵn đúc một toà thiên thiên”
Trong gia đình nếu như người cha giáo dục con về chí hướng, sự nghiệp, nghị lực, tạo sự vững vàng cho tổ ấm thì người mẹ là người thầy bồi dưỡng con về tâm hồn, tình cảm. Con cái trong gia đình thường gần mẹ hơn cha vì thế vai trò của người mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Hơn nữa, con cái luôn quan sát và bắt chước cha mẹ từ cách ăn nói, đi đứng, làm việc đến việc cư xử với mọi người chung quanh...Chính vì thế mới có câu “Mẹ nào con nấy”, “Phúc đức tại mẫu” ý nói cái phúc đức của người con là kết quả từ việc giáo dục đạo đức của người mẹ hoặc cũng có thể hiểu người con nào đó sẽ thấy mình thật có phúc vì có một người mẹ gương mẫu, đạo hạnh và biết cách giáo dục con cái. Nhờ công lao sinh thành dưỡng dục của các bà mẹ hiền mà nhiều người con đã thành đạt. Đại thi hào văn học Nga M.Goocki đã nói: “Không có các bà mẹ thi không có các anh hùng và nhà thơ”. Ở phương Tây, có câu châm ngôn nổi tiếng: “Đằng sau các bậc vĩ nhân là các bậc mẹ hiền”! Những câu nói ấy cực kỳ đúng đắn và có giá trị vĩnh cửu!
Con cái là tấm gương phản ảnh thực trạng đạo đức của gia đình. Những người con ngoan, trò giỏi, những người thành đạt làm rạng danh đất nước nhất định phái xuất thân từ các gia đình có nề nếp, gia phong, cha mẹ phải là những người có đạo đức và làm tấm gương mẫu mực cho con cái noi theo. Ngược lại những kẻ dữ dằn, độc ác, những tên trộm cưóp, giết người, tù tội thường là sản phẩm của những người làm cha, làm mẹ bất lương.
Ngày nay trong cơ chế thị trường nghiệt ngã, sự du nhập của lối sống phương Tây đã ít nhiều ảnh hưởng đến văn hoá truyền thống đạo đức; nhiều gia đình mất dần tính đề kháng, đây đó có sự sa sút trong vấn đề giáo dục đạo đức con cái. Tuy vậy, với một người phụ nữ có đạo đức và học vấn bao giờ cũng chăm lo, giáo dục con mình hướng đến “Chân, Thiện, Mỹ” và “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”. Đó là những phẩm chất đạo đức tốt đẹp mà mỗi người chúng ta nên giữ gìn và phát huy, tạo nên cách sống cao đẹp, một cuộc sống “vì con người”./.