Nhưng trên một khía cạnh khác tôi nghĩ, điều đó chẳng hề hạ thấp vai trò của người phụ nữ đi chút nào, mà qua đó chứng tỏ xã hội vẫn luôn thừa nhận, đánh giá cao vai trò và tầm ảnh hưởng của phụ nữ đối với việc xây dựng nền tảng văn hóa gia đình, mà văn hóa gia đình cũng là một yếu tố góp phần xây dựng nên nền tảng văn hóa xã hội. Đặc biệt, đó còn là sự ảnh hưởng của phụ nữ đối với quá trình hình thành nhân cách của các thế hệ tương lai. Nhất là trong tình hình hiện nay, khi đất nước chúng ta đang trên đà phát triển và hội nhập, nhiều chuẩn mực, giá trị về đạo đức của xã hội nói chung, trong đó có phụ nữ đã và đang có những thay đổi mạnh mẽ, tác động cả về khía cạnh tích cực và không tích cực, mà gần đây báo chí thường hay đề cập đến đó là tình trạng “ lệch chuẩn”.
Như một triết gia đã nói: “Giáo dục một người đàn ông thì được một gia đình nhưng giáo dục người phụ nữ thì được cả một thế hệ”. Là phụ nữ, chúng ta phải thấy được trách nhiệm và tự hào về điều đó!
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cuộc sống và với ý nghĩa xã hội sâu sắc, năm 2010 Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã khởi xướng xây dựng Đề án “Giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH - HĐH đất nước “ đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua.
Khi đề xuất Đề án này, chúng tôi được biết lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng rất trăn trở trong việc lựa chọn nội dung phẩm chất, đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH - HĐH đất nước như thế nào để vừa kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp; nhưng phải bổ sung những giá trị mới mang tính thời đại, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện nay và nội dung phải cô đọng, có tính khái quát cao, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Đó quả là một thách thức!
Để đi đến thống nhất nội dung về “ Tứ đức” của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH - HĐH đất nước, đó là :“ TỰ TIN - TỰ TRỌNG- TRUNG HẬU- ĐẢM ĐANG” Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng đã tổ chức hàng chục cuộc Hội thảo, Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học; nhà nghiên cứu văn hóa xã hội; cán bộ lãnh đạo, quản lý; nam giới; cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước v.v...
Cho đến nay, tuy còn nhiều tranh cãi khác nhau về vấn đề này, nhưng tôi nghĩ “Tứ đức” của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH - HĐH đất nước như trên là khá đầy đủ, phù hợp. Tuy chỉ gói gọn trong 8 chữ (bao gồm 4 phẩm chất chính) nhưng đó là kết tinh nhiều đức tính quí báu của phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta phải nhìn nó trong mối quan hệ tổng thể, biện chứng thì mới thấy hết giá trị, ý nghĩa sâu xa.
Trước khi tìm hiểu về vấn đề này, chúng ta ngược dòng lịch sử để thấy, dưới chế độ phong kiến, tư tưởng triết học nho giáo, trong đó học thuyết “ Tam tòng”, “ tứ đức” đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội Việt Nam lúc đó. Tư tưởng này đã chi phối cách nhìn nhận, ứng xử của xã hội đối với nam giới và phụ nữ hoàn toàn khác nhau và vẫn còn ảnh hưởng cho đến tận ngày nay. Theo quan niệm của tư tưởng nho giáo, người phụ nữ chỉ là “ phu xướng, phụ tùy” họ không có tiếng nói trong gia đình; và càng không có vai trò, vị trí ngoài xã hội; họ phải sống “ khuôn phép” phục tùng, lệ thuộc vào đàn ông.
“Tại gia tòng phụ
Xuất giá tòng phu
Phu tử tòng tử ...
Người con gái khi sinh ra, ở trong gia đình phải tuyệt đối phục tùng người cha; “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” không có quyền lựa chọn, quyết định việc hôn nhân hạnh phúc của mình. Khi lớn lên, lấy chồng thì phải theo chồng - chồng đi hang rắn, hang rồng phải theo” hay “thuyền theo lái, gái theo chồng” “ quê cha thì bỏ, quê chồng thì theo”.
Nếu chẳng may “đứt gánh giữa đường”, dù ở tuổi xuân xanh, người phụ nữ cũng không được quyền tái hôn, đi bước nữa, vì chồng chết phải ở vậy thờ chồng nuôi con thì mới được xem là người phụ nữ có tiết hạnh, đạo đức. Xã hội phong kiến cũng đặt ra “ khuôn phép” về phẩm chất đạo đức của người phụ nữ đó là: Công - Dung - Ngôn - Hạnh. Tôi thiết nghĩ, đây cũng là 4 phẩm chất phản ánh khá toàn diện về cả giá trị bên trong và hình thức bên ngoài của người phụ nữ, mà cho đến nay, nếu biết “gạn đục khơi trong” thì vẫn có giá trị và cần thiết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến “ trọng nam khinh nữ “ nên quan niệm “Công - Dung - Ngôn - Hạnh” dưới chế độ phong kiến còn lạc hậu, lỗi thời, và mục đích vẫn muốn “ trói buộc” người phụ nữ trong công việc nội trợ, làm tròn bổn phận trong gia đình với sự nhẫn nhục, phục tùng và cam chịu.
Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phụ nữ Việt Nam mới được giải phóng hoàn toàn. Trong cương lĩnh đầu tiên, Đảng đã đề ra mục tiêu “ Giải phóng phụ nữ” - “Nam nữ bình quyền”. Trong 2 cuộc trường kỳ kháng chiến vĩ đại của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã cống hiến công sức, xương máu giành độc lập dân tộc và xây dựng CNXH. Với những đóng góp to lớn đó, phụ nữ Việt Nam chúng ta vinh dự, tự hào được Bác Hồ khen tặng tặng 8 chữ vàng nổi tiếng: “ ANH HÙNG - BẤT KHUẤT - TRUNG HẬU - ĐẢM ĐANG” mà mãi cho đến bây giờ, nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam vẫn luôn tự hào về điều đó! Chính vì vậy, mà “Tứ đức” của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH - HĐH đất nước do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khởi xướng đã kế thừa 4 trong 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng, ngoài ra bổ sung thêm 2 phẩm chất mới cho phù hợp với xã hội hiện nay.
Trước hết, chúng ta tìm hiểu về phẩm chất “TỰ TRỌNG ". Tôi nghĩ, đây là phẩm chất cốt lõi của con người. Nhất là trong tình hình hiện nay, khi chúng ta đang phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ; một xã hội mà ở đó mọi người phải biết tôn trọng pháp luật, ứng xử có văn hóa thì lòng tự trọng phải được đề cao hơn bao giờ hết. Tôi chỉ nghĩ một cách giản đơn, sẽ đáng sợ biết bao khi con người ta không còn biết xấu hổ khi làm một điều xấu có ảnh hưởng đến người khác, ảnh hưởng đến xã hội, cộng đồng; hoặc thậm chí ảnh hưởng đến ngay chính bản thân, gia đình họ. Đó là lúc mà người ta đã đánh mất đi lòng tự trọng!
Tôi đã đọc nhiều bài báo và rất cảm kích, khâm phục về “ đạo đức công dân” hay nói một cách khác là “ lòng tự trọng “ của người dân Nhật Bản trước thảm họa sóng thần vào tháng 3 năm 2011. Vì có lòng tự trọng, người dân Nhật bản không chen lấn, giành giật nhau khi xếp hàng chờ phân phát lương thực, thực phẩm hay lên xe buýt. Vì có lòng tự trọng, người dân Nhật Bản không tham lam nhặt những đồng tiền bay tứ tung trên những ngôi nhà đổ nát mà có thể chủ nhân của nó đã bị cuốn ra biển v.v... và v.v...
Lòng tự trọng không ở đâu xa, mà trước hết đó là ý thức tự tôn trọng ngay chính nhân cách của bản thân mình. Từ đó, mới có sự tôn trọng xã hội, tôn trọng người khác; và cao hơn nữa là sự tôn trọng, chấp hành pháp luật. Và khi điều đó được thẩm thấu, ăn sâu vào trong suy nghĩ, cách ứng xử của mọi người thì nó sẽ trở thành nền tảng văn hóa, đạo đức của xã hội.
Để xây dựng cho mình phẩm chất TỰ TRỌNG. Trước hết, người phụ nữ phải Tôn trọng pháp luật của Nhà nước, quy tắc ứng xử của tập thể, cộng đồng. Tự giác chấp hành mọi quy định của pháp luật; nghiêm túc thực hiện các quy chế, nội quy, hương ước của tập thể, cộng đồng; tuân thủ các quy tắc ứng xử được xã hội thừa nhận. Nói thì có vẻ to tát, nhưng chỉ thông qua những việc làm bình thường hàng ngày, phụ nữ cũng có thể rèn luyện phẩm chất “ Tự trọng” như tạo cho mình thói quen ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông; có ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường; thực hiện tốt nếp sống văn minh nơi công cộng...
“ tự trọng” còn biểu hiện ở sự tôn trọng các chuẩn mực đạo đức xã hội. Người phụ nữ không làm những việc trái với thuần phong, mỹ tục Việt Nam; biết gìn giữ phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; không chạy theo lối sống buông thả, thực dụng đánh mất nhân phẩm của mình. “ tự trọng” còn là biểu hiện của đạo đức nghề nghiệp, dù làm bất cứ ngành nghề gì phụ nữ cũng phải luôn đề cao “đạo đức nghề nghiệp”: “ Lương y như từ mẫu”; “ Cô giáo như mẹ hiền”... hoặc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh không chạy theo lợi nhuận bất chính mà phải biết quan tâm đến lợi ích, sức khỏe của xã hội và cộng đồng.
Trong 4 phẩm chất của phụ nữ Việt Nam ngày nay thì “ TỰ TIN” được đặt vào vị trí thứ nhất, bởi lâu nay, phụ nữ chúng ta thường vẫn bị đánh giá có một bộ phận không nhỏ, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn vẫn còn mang nặng tư tưởng mặc cảm, tự ti, không tin vào chính khả năng của bản thân mình. Chính điều đó đã làm hạn chế sự phấn đấu vươn lên của chị em; là một trong những yếu tố cản trở phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội; tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo, nhất là trong lĩnh vực chính trị. Nhiều nam giới cũng đã phàn nàn “ Chính phụ nữ cũng góp phần tạo ra bất bình đẳng giới”.
Theo tôi, một phụ nữ “tự tin” là người biết phát huy các giá trị của bản thân, biết được điểm mạnh của mình để phát huy và biết được điểm yếu để khắc phục. Thật tiếc, khi có không ít phụ nữ, có khi chỉ vì thiếu tự tin về dáng vẻ bên ngoài của mình (dù rằng trình độ, khả năng họ không thua kém người khác) thế mà họ ngại ngần trong giao tiếp, ngại tham gia các hoạt động xã hội. Vì vậy, người phụ nữ tự tin, trước hết phải có đủ bản lĩnh để chiến thắng “nỗi sợ hãi” có khi do chính mình tưởng tượng ra, phải biết vượt lên chính mình. Trong cuộc sống, cũng có không ít phụ nữ đã rất thông minh, bản lĩnh khi biến những khiếm khuyết, điểm yếu của mình thành điểm mạnh nên họ đã rất thành công trong công việc.
Năng động, tự tin là phẩm chất cần có của người phụ nữ hiện đại. Tự tin giúp phụ nữ có tính quyết đoán, tự chủ trong công việc; tự quyết định những vấn đề có liên quan đến bản thân và gia đình mình; không dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác. Đây cũng là yếu tố để phụ nữ vươn lên thực hiện quyền bình đẳng trong quá trình ra quyết định. Nếu thiếu tự tin, phụ nữ dễ rơi vào thụ động, thiếu chí tiến thủ; an phận, không có chính kiến. Tuy nhiên, “tự tin” không có nghĩa là “ tự cao” mà phải “biết mình, biết ta”; phải khiêm nhường, đề cao giá trị bản thân nhưng vẫn luôn tôn trọng giá trị của người khác.
“ ĐẢM ĐANG - TRUNG HẬU” là hai phẩm chất truyền thống và khá nỗi trội của phụ nữ Việt Nam. Nói đến sự “Đảm đang” của phụ nữ Việt Nam ngày xưa, chúng ta thường hay liên tường đến hình ảnh “ thân cò” trong Bài thơ “ Thương vợ” của nhà thơ Tú Xương:
“ Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi lấy năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông...”
Ngày nay, trước yêu cầu phát triển của xã hội khi mà vai trò, vị trí của người phụ nữ đã có nhiều thay đổi, phụ nữ “đảm đang” không có nghĩa chỉ giỏi trong việc quán xuyến, thu vén công việc gia đình, giỏi tề gia bếp núc, nội trợ. Mà “đảm đang” còn thể hiện người phụ nữ với vai trò là người Lao động giỏi; biết nắm bắt khoa học kỹ thuật; làm việc có năng suất chất lượng, hiệu quả để tạo ra thu nhập chân chính, làm giàu cho gia đình và cho xã hội. Ngoài ra, còn phải biết sử dụng một cách hợp lý các nguồn lực của gia đình, nhất là trong tình hình kinh tế thị trường, lạm phát tăng cao như hiện nay.
Trước đây, xã hội quan niệm phụ nữ đảm đang là phải lo toan, gánh vác hết công việc nội trợ gia đình; chỉ lo chăm sóc chồng con mà hy sinh, quên hết quyền lợi có khi rất chính đáng của bản thân ( như quyền được nghĩ ngơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe, quyền làm đẹp...) Ngày nay, quan niệm đó đã dần thay đổi. Người phụ nữ đảm đang là người biết sắp xếp hài hòa, hợp lý công việc xã hội và gia đình; khéo léo động viên chồng con cùng chia sẻ và tham gia vào công việc gia đình; quan tâm hỗ trợ cho họ trên mọi phương diện của cuộc sống. Xã hội, mà trước hết là ngay chính phụ nữ chúng ta cũng cần thay đổi quan niệm và nên ủng hộ, khi trong cuộc sống có không ít những “ Ông chồng đảm đang” quán xuyến việc nhà, hỗ trợ cho vợ, con tham gia học tập hoặc hoàn thành chức trách nhiệm vụ mà tổ chức phân công. Bởi trên thực tế, vẫn còn tình trạng khi thấy “ông chồng đảm đang” người ta thường hay phê phán hoặc gán cho phụ nữ là “người vợ đoảng” ...
Về phẩm chất “ TRUNG HẬU” là thể hiện sự thủy chung, son sắt; sống có nghĩa, có tình; đức tính nhân ái vị tha, bao dung của người phụ nữ. Thủy chung ở đây còn hiểu theo nghĩa rộng đó là lòng yêu nước, yêu tổ quốc, nhân dân; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước. Thủy chung trong các mối quan hệ gia đình và xã hội; thủy chung trong tình bạn, tình yêu, tình đồng chí, đồng nghiệp... không chấp nhận lối sống ích kỷ, tráo trở lọc lừa, “ tham vàng, bỏ ngãi”. Người phụ nữ nhân hậu, thủy chung luôn sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ người khác lúc gặp khó khăn, hoạn nạn; có sự cảm thông, chia sẻ và có lòng vị tha. Xã hội chúng ta hiện nay, thường hay nói nhiều đến hiện tượng “ vô cảm” , tức sự thờ ơ đến nhẫn tâm của con người khi thấy cái đúng không bảo vệ; thấy cái sai không dám lên án, đấu tranh vì sợ liên lụy đến bản thân mình. Vì vậy, xây dựng cho phụ nữ tính cương trực, thẳng thắn là rất cần thiết.
Để phấn đấu hoàn thiện bản thân theo 4 phẩm chất nói trên không phải là điều quá dễ dàng, ngày một, ngày hai đối với mỗi người phụ nữ mà đó phải là ý thức tự rèn luyện, phấn đấu thường xuyên, liên tục. Phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, ngay trong gia đình và sau đó là những việc lớn hơn ra phạm vi xã hội. Và tôi nghĩ, bản thân một mình phụ nữ cũng không thể làm được nếu không tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh; có sự hỗ trợ của những người thân trong gia đình, nhất là nam giới; sự đồng thuận ủng hộ của xã hội, cộng đồng; các ban ngành, đoàn thể.
Và Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp phải là tổ chức đi tiên phong trong việc cung cấp, trang bị cho chị em những kiến thức, kỹ năng cần thiết; tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ có thể rèn luyện, phấn đấu hoàn thiện mình theo 4 phẩm chất nói trên. Giáo dục có tính thuyết phục nhất vẫn là việc “Nêu gương”. Vì vậy, Hội phụ nữ các cấp cần phát hiện, nêu gương kịp thời những tấm gương phụ nữ có những phẩm chất, đức tính tốt đẹp để chị em học tập. noi theo.
Nội hàm " tứ đức" cũng không "rập khuôn, đóng khung" mà luôn bổ sung những giá trị mới tùy theo văn hóa vùng miền và hoàn cảnh xã hội. Vì vây, các cấp Hội nên tạo ra những diễn đàn trao đổi rộng rãi, cởi mở xung quanh vấn đề này.