Bên cạnh các ca khúc viết về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân ta anh hùng, trong đó phải kể đến những ca khúc khắc họa vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam với 8 chữ vàng Bác Hồ trao tặng “Anh hùng - bất khuất- trung hậu- đảm đang”. Các ca khúc viết về phụ nữ được các nhạc sĩ sáng tác từ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã thể hiện sự phong phú về số lượng, sâu sắc về chất lượng, với nhiều tìm tòi về thể loại, cách tìm tòi về thể loại, cách khai thác đề tài và hình tượng âm nhạc mang tính thẩm mỹ. Mỗi ca khúc đều có cách xây dựng, tiếp cận và thể hiện khác nhau, song hình tượng người phụ nữ Việt Nam đều được thể hiện trong niềm cảm phục, trân trọng của đất nước, nhân dân. Đó là vẻ đẹp tiềm ẩn vốn có trong sự kết hợp giữa tính truyền thống và hiện đại. Công - dung - ngôn - hạnh truyền thống đã hài hòa mang tính xã hội khi mà trọng trách lớn lao lịch sử đã đặt trên vai họ.
Khi đất nước có chiến tranh thì “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Con cháu Bà Trưng, Bà triệu lại viết tiếp bài ca chiến đấu. Phần lớn những sáng tác đều tập trung ngợi ca người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng- bất khuất- trung hậu- đảm đang” với chất sử thi hoành tráng, như cuốn biên niên sử của đất nước trong những giai đoạn hào hùng của lịch sử dân tộc. Có thể khẳng định Tuyển tập ca khúc “Bài ca phụ nữ Việt Nam” được coi như một giá trị văn hóa phi vật thể cần được sưu tầm, bảo tồn lưu giữ và phát huy tác dụng.
Qua nghiên cứu, các ca khúc dành phần lớn để ngợi ca người mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là những bà mẹ nghèo yêu con, yêu nước, cống hiến cho đất nước bằng những chiến công thầm lặng. Các ca khúc này được viết sau khi đã có độ lùi nhất định vềthời gian để nhìn nhận, chiêm nghiệm về sự hy sinh cao quý của các bà mẹ. Ca khúc “Mẹ Việt Nam anh hùng” của nhạc sĩ (An Thuyên) được thể hiện với nốt nhạc trầm hùng, tha thiết, tái hiện được vẻ đẹp cao quý của người mẹ trong nỗi đau như hóa đá trước việc “Biết mấy chờ mong từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại”. Ca khúc “Người mẹ của tôi” (Xuân Hồng) mang giai điệu ngân vang, thấm thía chất bi hùng. Với ca khúc “Đất nước”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn khắc họa sự hy sinh thầm lặng trong tiết tấu hùng ca tha thiết, trầm lắng. “Đất quê ta mênh mông” của Phan Huỳnh Điểu là một ca khúc ra đời trong những năm tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc đã phác họa chân dung bà Mẹ Việt Nam yêu Đảng, yêu nước bằng một việc làm thật giản dị. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với ca khúc “Tấm áo mẹ vá năm xưa” đã đưa công chúng đến với bà mẹ nghèo Hà Bắc chứa chan tình nghĩa, ấm áp thân thương.
Trong những năm tháng hào hùng của đất nước cùng ra trận, khi “Tiền tuyến ra sức tiến công” thì “Hậu phương hết lòng chi viện”, người phụ nữ Việt nam gánh trên vai sứ mệnh nặng nề. Thanh niên với phong trào “Ba sẵn sàng” đã có “phụ nữ ba đảm đang” đáp vọng. Một loạt các ca khúc ra đời thời kỳ này để kịp thể hiện tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam “Vốn hay lam, hay làm” thay chồng đảm đương trọng trách lớn lao, có sức mạnh cổ vũ động viên người chiến sĩ cầm chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc “Đường cày đảm đang” (An Chung), “Bài ca năm tấn”(Nguyễn Văn Tý), “Bạch Long vĩ đảo quê hương” (Huy Du)…
Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, người phụ nữ lao vào cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc, bỏ lại đằng sau tất cả sự bộn bề của gia đình. Hàng loạt khúc ca hùng tráng ra đời, sôi nổi mê say có sức động viên, cổ vũ kịp thời như “Cô gái mở đường” (Xuân Giao), “Vui mở đường” (Đỗ Nhuận”, “Chào em cô gái Lam Hồng” (Ánh Dương), “Cô gái Sài gòn đi tải đạn” (Lư Nhất Vũ, “Đường Trường Sơn xe anh qua” (Văn Dung), “Nổi lửa lên em”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” ( Hoàng Hiệp).
Cuộc kháng chiến thần thánh huy động sức mạnh của toàn dân tộc. Thi đua cùng chị em miền xuôi, chị em phụ nữ miền núi một lòng tin yêu theo Đảng, vừa gánh gạo nuôi quân, vừa địu con lên rẫy, vừa đào hào vót chông, tự nguyện lên vùng núi cao, chấp nhận khó khăn dựng trường lớp dạy trẻ em dân tộc học chữ. Một loạt các ca khúc đã thể hiện vẻ đẹp ấy như: “Rừng xanh vang tiếng Ta lư” (Phương Nam), “Cô gái vót chông” của Hoàng Hiệp, “Tiếng chày trên sócBom Bo (Xuân Hồng), “Em là hoa PơLang” (Đức Minh), “Bóng cây Kơ nia” của Phan Huỳnh Điểu, “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” của nhạc sĩ Văn Ký….
Hình ảnh người phụ nữ hy sinh vì dân, vì nước đã bước vào các ca khúc và được tôn vinh: “Nhớ ơn chị Minh Khai” (Văn Thắng), “Bài ca Hồng Gấm” (Phạm Tuyên), “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” (Nguyễn Đức Toàn)… Mỗi tác phẩm là một bức tranh âm thanh có bản sắc riêng, có tiết tấu riêng. Ngoài bút pháp âm nhạc thì hình tượng người phụ nữ được gợi lên trong các ca từ đã tạo nên xúc cảm thẩm mỹ đối với công chúng yêu âm nhạc, lay động tâm hồn quần chúng.
Nhiều ca khúc khai thác từ chất liệu hát ru vốn đã trở thành truyền thống của dân tộc, được bảo tồn phát huy qua nhiều thế hệ. Các nhạc sĩ khai thác từ vốn ca dao dân ca, từ các âm tiết tiếng việt vốn mang đặc trưng khá đặc biệt, thanh điệu phân chia hài hòa trong hai nhóm bằng trắc, tạo nên tiết tấu nhịp nhàng uyển chuyển phù hợp với lối hát ru đã đi sâu vào lòng người như: “Địu con đi nhà trẻ” (Đào Ngọc Dung), “Đất nước lời ru” (Phan Thành Nho), “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” (Trần Hoàn), “Ru con Nam Bộ)…
Trong tuyển tập ca khúc “Bài ca phụ nữ Việt Nam”, mỗi ca khúc là một câu chuyện kể về một nhân vật hay một tập thể, một bà mẹ hay một thiếu nữ. Các nhạc sĩ thường lấy một điển hình để nói mọi người, lấy một địa danh, một phong trào để nói lên cái toàn thể mà nhạc sĩ trước khi sáng tác đã được gặp gỡ, tiếp xúc. Bởi người nhạc sĩ- chiến sĩ hầu hết đã trải qua dọc dài Tổ quốc, lúc chiến tranh-hòa bình, khi hậu phương- mặt trận hòa lẫn với hình ảnh cha-con, vợ- chồng, tình mẫu tử, trước vinh quang- mất mát, ở quá khứ-hiện tại, họ đều có cảm xúc mạnh mẽ và sáng tác các ca khúc giàu tính biểu cảm. Nhạc sĩ Văn Thành Nho một lần khi về thăm và an ủi gia đình của một đồng đội đã hy sinh ở chiến trường nước bạn, người mẹ liệt sĩ nói với nhạc sĩ: “Con ráng đề nghị với đơn vị, làm sao đưa được hài cốt nó về an táng tại đất nước mình. Được như thế dẫu ở đâu mẹ cũng có thể đến thăm và hương khói cho nó”. Thì ra lá rụng về cội bao giờ cũng là nỗi niềm của các bà mẹ. Chính vì vậy mà hình tượng Mẹ Âu Cơ – Lạc Long Quân hòa quyện với hình tượng “Đất nước lời ru”của nhạc sĩ được nảy sinh ra cũng từ những tình tiết sâu xa ấy.
Chúng ta hãy nghe tâm sự của các nhạc sĩ phát biểu tại buổi lễ phát động cuộc thi sưu tầm các ca khúc về PNVN, về cảm xúc của họ khi xây dựng hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua ca khúc của họ. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phát biểu “Theo tôi trong kho tàng ca khúc Việt Nam, đặc biệt ở thời kỳ kháng chiến, các nhạc sĩ đã khắc họa được hình ảnh “ Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang” của phụ nữ Việt Nam một cách chân thành. Chính nhờ có cảm xúc mạnh mẽ nên các ca khúc đã thành công có sức lôi cuốn sự tham gia mạnh mẽ của phụ nữ vào công cuộc kháng chiến của dân tộc. Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tâm sự: “Tôi nghĩ người phụ nữ là người sinh ra nhân loại và cho tình yêu. Qua người mẹ của chính mình, tôi nghĩ đến đức tính cao quý của người phụ nữ Việt Nam là tận tụy hy sinh cả đời cho con cái, không hề nghĩ đến bản thân mình. Tôi đã viết: Lời mẹ ru, Ca dao mẹ, Ngủ đi con, Huyền thoại mẹ, Bà mẹ ô lý…và nhiều ca khúc về phụ nữ. Nhạc sĩ Từ Huy thì thổ lộ “phụ nữ đem lại tình yêu, hòa bình cho nhân loại. Chính vì trân trọng và quý mến hình ảnh người PNVN mà tôi đã viết: Một thoáng quê hương, Bài ca đất nước, Em là cánh hoa đẹp, Người em yêu..và tôi sẽ còn chung thủy với đề tài này trong ca khúc sắp tới. Nhạc sĩ Trần Hữu Bích chia sẻ nỗi niềm “Phụ nữ chính là nhan sắc chúng ta đã yêu, xuất phát từ tình cảm trân trọng tôi viết về phụ nữ như Màu hoa tím, Nụ hồng… khắc họa người phụ nữ trông chờ người yêu ra trận, hoặc tình yêu đầu đời, tôi vừa viết xong Tình mẹ. Đây là ca khúc tôi đã từng ấp ủ nhiều năm để trả món nợ về mẹ về người phụ nữ mà tôi luôn ngưỡng mộ…”