Tìm trên trang
Thuyền lương vượt phá
Ngày cập nhật 10/03/2015

Cầu Ca Cút được xây dựng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho cả một vùng đất đôi bờ phá Tam Giang. Đường sá không còn xa ngái, cách trở. Ấy thế mà, ở miệt biển Hải Dương (TX Hương Trà), vẫn còn hàng chục hộ gia đình vẫn theo nghề truyền thống, thu gom lúa gạo, dùng thuyền vượt phá Tam Giang qua vùng Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải để bán.

"Toàn xã chỉ có 61 ha lúa, sản lượng hàng năm đạt 350-400 tấn. Nghề buôn bán gạo của chị em phụ nữ chủ yếu lấy nguồn cung lúa gạo từ các địa phương khác mang về, theo thuyền lên bán ở các xã ven biển của huyện Phú Vang. Trước đây, nhiều hộ gia đình theo nghề này, từ ngày có cầu Ca Cút, giao thông đi lại thuận tiện nên chỉ một bộ phận hộ dân còn theo nghề mà thôi", ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết.

Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Lược (59 tuổi, thôn Thai Dương Thượng Tây, xã Hải Dương), thuyền lương vượt phá không chỉ có ở thời bình mà xuất hiện từ thời chiến tranh, thuyền là phương tiện “nhanh gọn” để vận chuyển lương thực, nuôi giấu cán bộ vượt phá qua vùng Rú Chá, xã Hương Phong, Hương Trà. Những phụ nữ làm nghề buôn bán gạo đường thủy, vẫn không quên được hình ảnh bà Nguyễn Thị Vá (80 tuổi), vốn là người xã Hải Dương, thời chiến tranh hằng đêm vẫn chở những chiến sĩ cách mạng nằm vùng, vượt phá Tam Giang qua vùng Rú Chá trú ẩn, để tránh sự truy lùng. Vùng Hải Dương xưa kia vốn là “vùng trắng” cách mạng, hình ảnh bà Vá đã trở thành một biểu tượng kiên cường, anh dũng trong ký ức của người dân nơi đây…

“Lạy ngài láng”

Trong cái nắng ngọt đầu xuân, bà Lược chuẩn bị một chuyến “ra khơi” bằng đôi quang gánh và mấy bao lúa được bỏ lên xe rùa chở từ nhà ra bờ phá. Ngồi nghỉ lấy sức, bà kể: “Tui theo nghề “chạy” gạo trên sông đã ngót bốn chục năm. Hồi trước mần chi có cầu mà đi, mua bán cái chi cũng bỏ lên thuyền chèo đến các chợ bán. Đàn ông ở đây không làm lúa thì theo nghề biển, nên việc buôn bán gạo chỉ dành cho chị em phụ nữ mà thôi.” Với chiếc thuyền nan nhỏ, mỗi chuyến chở chừng 2-3 tạ gạo, bà Lược đi từ sáng sớm tinh sương, chưa tỏ mặt người.

Những năm 90, thế kỷ trước, để gom đủ gạo bán qua những vùng không có đất nông nghiệp, bà Lược phải chèo thuyền từ Hải Dương qua chợ Hương Phong, thẳng lên Kim Đôi đến chợ Tây Ba (Quảng Thành, Quảng Điền) hay đi xa hơn đến bến đò Vĩnh Tu, lên chợ Sịa mua gạo, mắm muối về “bỏ mối” cho những tư thương hay bà con có nhu cầu bên Thuận An, Phú Thuận (Phú Vang). Đoàn đi mỗi chuyến từ 5-6 thuyền, chủ yếu là chị em phụ nữ xã Hải Dương. Đường thủy dài cả chục cây số, nên phải chèo từ sáng sớm tinh sương, thu mua xong ở chợ Sịa tối mịt, ngửa bán tay không thấy gì mới trở về nhà. Sáng ra, số gạo thu mua được lại được chở qua Xóm Dá, thị trấn Thuận An, đi đến từng nhà để bán.

Mấy chục năm trong nghề đưa thuyền lương vượt phá, không biết bao nhiêu lần bà gặp vận rủi trên sông nước. Trong câu chuyện của bà Lược, có những phụ nữ sau lần đối diện với thủy thần đành bỏ nghề không theo nữa. “Vì kế sinh nhai mà mình phải đi thôi”, bà Lược đi tặc lưỡi bảo.

Bà nhớ mãi năm 1996, đoàn thuyền của bà gồm 6 chị em phụ nữ trong thôn đi từ Hải Dương ra bến đò Vĩnh Tu thì đến giờ trưa, gió nam thổi mạnh, đánh ngang thuyền. Trên thuyền chở cả gạo, mắm muối (hồi đó là cả một “gia sản” của người đi buôn). Sóng to cả mét, thuyền chồng chành, suýt lật. Bà Lược đứng phắt dậy nói lớn: “Lạy ngài láng” (nghĩa là lạy ngài thủy thần cho sóng láng, êm để thuyền lướt qua). Vốn con nhà ngư nghiệp, bà nhanh tay lách mái chèo cho thuyền xuôi theo hướng gió, cứ trôi dạt.

Mấy chục năm đưa thuyền trên sóng nước, đã cho bà Lược những kinh nghiệm xương máu: cứ canh chừng từ 3-5 giờ sáng nước rặc thì đi. Khi thủy triều hạ, nước từ các con sông đổ về phá mạnh hơn, chỉ cần lách nhẹ mái chèo là có thể xuôi theo con nước. Buổi sáng đi bán thì thuận nhưng khi về gặp gió nam to, thổi mạnh, khoảng lúc 11 giờ trưa đến 13 giờ chiều, nếu cố chèo sẽ rất huy hiểm, dễ lật thuyền. Tuyến đường quen thuộc của bà là cho thuyền qua cầu Thanh Hà sau đó xuôi về đập Thảo Long “nấp” tránh gió thì sẽ an toàn.

Sau bao năm buôn bán, những chị em phụ nữ như các bà Lược, Phạm Thị Toàn, Phạm Thị Mãng, Nguyễn Thị Phúc, Phạm Thị Kiệu, Huỳnh Thị Lối…, đã tạo được một “đội thuyền” liên kết làm ăn, chuyên chở gạo từ vùng Hải Dương đi về dọc các xã ven biển, phá của huyện Phú Vang để bán. Giờ gạo được thu mua sẵn ở các chợ Hương Phong, Điền Lộc, Điền Hải, dùng xe tải chở về Hải Dương. Tuyến đường thủy chỉ còn “vượt phá” từ Hải Dương qua Thuận An để bán gạo mà thôi…

Góp nhặt niềm vui

Mỗi chuyến vượt phá, bà Lược, bà Toàn chở chừng 2-3 tạ gạo, buôn thúng bán nia cũng lãi từ 150-200 nghìn đồng/ngày. Không chỉ tìm những loại gạo truyền thống như gạo hẻo rằn, gạo đỏ mà các bà còn tìm lên chợ Điền Lộc mua các loại gạo mới như HT1, Hồng Ngọc vốn được ưa chuộng để bán. Vốn trục trặc trong chuyện tình duyên, hai bà một nách với nghề chạy gạo trên sông, nuôi các con khôn lớn.

Cuối giờ chiều, kéo chiếc thuyền lên cột trên bờ phá chắc chắn, bà Lược ngồi phệt xuống bờ cát, bối lại mái tóc điểm sương. Bà lôi từ trong túi những tờ giấy bạc nhàu nát, đượm vị mặn của mồ hôi, hơi gió biển, ngồi đếm. Rồi ánh mắt chân chim sau những ngày lao động mệt nhọc như tươi hơn, phấn chấn hơn khi đong đếm lại lời lãi. “Mình chắt cóp mới có được chú à. Buôn gạo lãi không nhiều, nhưng có việc làm đều đặn đủ lo cho con cái”, bà bộc bạch.

Còn với bà Nguyễn Thị Phúc, dù đã tuổi xấp xỉ 70, nhưng những chuyến vượt phá với bà là những trải nghiệm không ngưng nghỉ. Bởi, từ chiếc thuyền lương nhỏ nhoi gắn với người phụ nữ mấy chục năm trường ấy, bà đã đưa con cái đến bến bờ hạnh phúc. Con bà Phúc giờ đã thành đạt, có người hiện đang làm phó chủ tịch UBND xã Hải Dương. Giờ tuổi đã lớn, nhưng thỉnh thoảng “nhớ biển” bà lại gọi bạn hàng dong thuyền một chuyến qua Thuận An, bỏ mối gạo cho thương lái kiếm lời.

Chị Trần Thị Tâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Dương cho biết: “Nghề chở gạo trên đầm phá đi bán trước đây rất đông chị em tham gia, qua thời gian giờ toàn xã chỉ còn chừng 20 hộ, chủ yếu tập trung ở Xóm Cát là những gia đình sống ven bờ phá. Đây là nghề lâu năm của chị em phụ nữ, khi đàn ông ở đây chủ yếu ở nhà làm nông hay đi biển. Nhiều người chịu khó, tích cóp làm ăn nên từ nghề bán gạo trên phá, họ có kinh tế ổn định, làm ăn khấm khá”.

baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới,...
 
Trong các ngày từ 7-8/5/2016, Hội nghị Istanbul 2016 với chủ đề “Xem xét lại vấn đề bình đẳng giới và các xã hội hoà bình” đã diễn ra tại Băng Cốc, Thái Lan do Quỹ Nhà báo và Nhà văn...
Theo quy định của pháp luật về bầu cử, thời gian vận động bầu cử của người ứng cử được bắt đầu sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân...
 
Đó là ý kiến trao đổi của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với phóng viên Báo Quân đội nhân dân và được Báo Quân đội nhân dân online đăng tải sáng nay...
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh là một trong những đại biểu hiếm hoi đề xuất dự án luật tại Quốc hội khóa XIII và được Chính phủ ủng hộ. Bà đã dành cho PV báo Đời sống & Pháp luật cuộc trao đổi về công...
 
Không hiếm nữ doanh nhân ở Thừa Thiên Huế đã thành công trên lĩnh vực kinh doanh, khẳng định được vị thế trong thời kỳ hội nhập.
Tại Việt Nam, một trong những danh sách của Forbes được chú ý nhất là Danh sách phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2016.Người đầu tiên trong danh sách này là bà Nguyễn Thị Kim Ngân - ủy viên Bộ Chính trị, Phó...
 
Trở về với cuộc sống đời thường, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Lài vẫn không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực cống hiến xây dựng quê hương. Và ít ai ngờ rằng, nữ biệt động thành xứ Huế từng bị quân giặc chôn sống năm xưa giờ là...
Hình ảnh cô thợ dệt trong ca sản xuất có lẽ đã trở thành hình ảnh biểu trưng quen thuộc. Điều thú vị nhất có lẽ là một khẩu súng trường. Trong những năm chiến tranh, hủy diệt các nhà máy dệt là mục tiêu...
 
Đại đội nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy thành lập ngày 21-11-1967 dưới sự chỉ đạo của Tỉnh đội Quảng Bình. Đại đội lúc mới thành lập có 37 đồng chí, được phiên thành 3 trung đội: 1 trung đội chỉ huy (có một đài...
 
Cụ thể hóa chỉ tiêu thi đua phù hợp với từng đối tượng, sát thực tế, hướng vào thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức hội và của địa phương... là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền thực...
Lượt truy cập - chuyên trang phụ nữ
Truy cập tổng 225.546
Truy cập hiện tại 749