Kiên trung bất khuất, nhạy bén sáng tạo
Năm 16 tuổi, cô Út Định đã tham gia hoạt động cách mạng, 18 tuổi đã là đảng viên. Lấy chồng (là một tỉnh ủy viên Bến Tre) sinh con, rồi chồng bị bắt, bị tù và hy sinh ở Côn Đảo, Nguyễn Thị Định cũng bị bắt, bị tù nhưng người mẹ trẻ ấy vẫn một lòng trung kiên với đồng bào, đồng chí. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, người góa phụ trẻ ấy đã cầm cờ dẫn đầu hàng ngàn quần chúng rầm rộ tiến vào giành chính quyền ở thị xã Bến Tre.
Tháng 3/1946, Nguyễn Thị Định (là phụ nữ duy nhất) cùng với đoàn cán bộ miền Nam đi một chiếc tàu đánh cá, theo đường biển từ Bến Tre đến Phú Yên rồi ra Bắc xin Trung ương chi viện. Nếu nói Nguyễn Thị Định là một trong những người đầu tiên có công khai thông “Đường Hồ Chí Minh trên biển” có lẽ cũng không sai. Từ Hà Nội, chị Ba Định vào Quảng Ngãi rồi lại cùng các đồng chí vượt biển đưa 12 tấn vũ khí về Nam bộ bằng lòng quả cảm, trí thông minh vô song của mình.
Sau Hiệp định Geneva, ở miền Nam những người cách mạng bị khủng bố, “Cộng sản bị đặt ngoài vòng pháp luật”. Nguyễn Thị Định cải trang thành người tu hành, người chăn vịt, người đi buôn, người đi ở... lặn lội khắp vùng Nam bộ để chắp mối gây dựng lại phong trào Địch treo thưởng cho ai bắt hoặc giết được Nguyễn Thị Định nhưng nhờ các đồng chí, nhờ nhân dân che chở, chị vẫn vượt qua nhiều hiểm nguy.
Cuối năm 1959, trước tình thế “nước sôi lửa bỏng”, từ tinh thần của Nghị quyết 15, các đồng chí trong Tỉnh ủy Bến Tre quyết định: “Dứt khoát phải làm ngay mới kịp”. Lực lượng trung kiên của cả tỉnh chỉ còn không đầy 20 chi bộ và 200 đảng viên. Vũ khí chỉ còn 4 cây súng hư, cũ, mỗi khẩu chưa đầy 10 viên đạn. Với lực lượng và vũ khí như vậy nếu nổi dậy lẻ tẻ, không đồng loạt, không áp đảo được địch sẽ nhanh chóng bị đàn áp, khủng bố. Không hẹn mà ai cũng nói từ “Đồng khởi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ngợi ca: “Phó tổng Tư lệnh Quân giải phóng là
cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy.
Ngày 17/1/1960, trận đánh diệt Tổng đoàn dân vệ ở xã Định Thủy, Mỏ Cày đã mở đầu phong trào Đồng khởi của Bến Tre. Nguyễn Thị Định vừa chỉ đạo lực lượng vũ trang đánh địch, chống càn vừa huy động lực lượng quần chúng đấu tranh binh vận, đấu tranh chính trị. Ngày 27/2/1960, mấy trăm chiếc xuồng giăng kín mặt sông chở đồng bào các ấp, xã nối đuôi nhau kéo ra thị trấn Mỏ Cày. Cuộc đấu tranh của các chị, các mẹ đã thắng lợi rực rỡ. Từ đây, địch bắt đầu phải kiêng dè “đội quân tóc dài”. Tên tuổi Nguyễn Thị Định cũng gắn liền với “đội quân tóc dài” từ đó. Năm 1965, bà là Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng miền Nam.
Cũng trong năm 1965, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (lúc đó đang giữ cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam) mời bà sang gặp Bộ Tư lệnh Miền, giao nhiệm vụ: “Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định rút chị lên làm Phó Tư lệnh Các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Ngoài công tác chung, Bộ Tư lệnh phân công chị theo dõi chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích, đấu tranh chính trị”. Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền đón chị với cương vị người chỉ huy và như người chị cả thân thương. Họ thường thân mật gọi: “Chị Ba”.
Thân thương và giản dị sẻ chia
Người ta quen thuộc với hình ảnh nữ tướng Nguyễn Thị Định với bộ bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, đội nón lá, đi dép dâu (dép cao su), vai đeo túi sẵn sàng lấy ra viên thuốc, miếng đường khi giữa chuyến công tác gặp chiến sĩ nào đó lên cơn sốt. Bà đồng cam cộng khổ với chiến sĩ. Bà tập đi xe đạp để băng qua đường rừng hun hút ra mặt trận. Bà cũng phân tích và đưa ra lời khuyên chí tình: “Nữ không nên đánh công đồn, bởi công đồn không hợp với sức khỏe phụ nữ, do mỗi lần vô đồn phải vác mìn DH 10 nặng 15 ký, chưa kể khẩu AK và đạn, lựu đạn đi cùng... Chị em chỉ nên đánh gọn, đánh nhỏ và nắm tình hình, làm trinh sát, báo tin cho lực lượng ta tấn công địch. Chỉ nên xây dựng lực lượng nữ du kích ở xã, huyện, không nên tổ chức ở cấp tỉnh. Cũng cần tổ chức các đơn vị nữ xen kẽ với các đơn vị nam để hiệp đồng chiến đấu, hỗ trợ nhau”.
Rất nhiều chiến sĩ gần gũi “chị Ba” sau này nhớ lại: Giữa bộn bề công việc nhưng bà vẫn hiểu thấu đáo những nét đời sống tưởng như bé nhỏ, giản đơn nhất của các chiến sĩ. Không ít lần bà tạo điều kiện cho những cán bộ, chiến sĩ do mải mê chiến đấu chưa lập được gia đình có cơ hội tìm hiểu bạn đời và làm lễ cưới. Lòng tin của Nguyễn Thị Định vào con người, vào đồng đội, đồng chí đã cho bà cái nhìn nhân văn. Cái nhìn đó đã cứu nhiều đồng chí khỏi những âm mưu ly gián của kẻ địch hay bom đạn khốc liệt trên chiến trường. Cả về sau này trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, bà vẫn nổi tiếng là một “Bao công cách mạng” phân minh, cương trực.
Vào 22 giờ 50 phút ngày 26/8/1992, vị nữ tướng huyền thoại Nguyễn Thị Định đã vĩnh viễn ra đi. Bà đã sống một cuộc đời trọn vẹn với non sông đất nước. Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhân dân xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) đã lập bàn thờ bà Nguyễn Thị Định trong đền thờ Hai Bà Trưng như một vị nhân thần mới, để những người anh hùng lại gặp anh hùng. Tên Nguyễn Thị Định được đặt cho một làng ở Cu Ba và nhiều đường phố, trường học ở Việt Nam. Nhiều phụ nữ trên thế giới cũng hâm mộ mà đặt tên bà cho con của mình. Trước và cả sau Nguyễn Thị Định, đến nay chưa có người phụ nữ nào tham gia cách mạng được phong cấp tướng. Sinh thời, năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về bà: “Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.