Tìm trên trang
Nghệ nhân ẩm thực Hoàng Thị Như Huy
Ngày cập nhật 10/12/2014

Vùng đất Huế với vẻ đẹp huyền bí và lịch sử thăng trầm đã sản sinh bao nghệ nhân cho đất nước và thế giới. Trong số những nghệ nhân ấy có cô giáo Hoàng Thị Như Huy, người phụ nữ nhân hậu, bản lĩnh, một bàn tay tài hoa và nụ cười hiền dịu, êm đềm như dòng Hương giang.

Nghệ nhân Hoàng Thị Như Huy và cây trái vườn Huế

Sinh năm 1953 trong một gia đình nhà giáo truyền thống Huế, là con gái của nhà giáo - nhà thơ Hoàng Văn Ngũ. Gia đình và quê hương là chiếc nôi nuôi dưỡng, hình thành trong cô một đức tính cần cù, chăm chỉ và một bàn tay khéo léo của người phụ nữ Việt Nam. Chính nét tài hoa ấy đã giúp cô thăng hoa những giá trị về văn hoá, giáo dục, du lịch Việt Nam khắp nơi trên thế giới.

Từng là học sinh xuất sắc của các Trường Đoàn Thị Điểm, Nữ sinh Đồng Khánh Huế, Đại học Sư phạm Huế, cho đến khi là giáo viên của: Trung tâm xúc tiến việc làm Hội phụ nữ Thừa Thiên Huế, Trường Trung học Du lịch & Khách sạn Hồ chí Minh, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế, Đại học Nông lâm Huế, Đại học Du lịch mở Hà Nội, Đại học Phú Xuân Huế, Đại học Phan Châu Trinh (Hội An), các doanh nghiệp khách sạn miền Trung, Tây Nguyên, TP.HCM và Hà Nội với các chuyên đề liên quan đến văn hoá ẩm thực, du lịch Việt Nam, cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, để lại nhiều  mỹ cảm trong lòng mọi người. Chặng đường dài ấy cô không ngừng phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ mà xã hội đã giao phó trên đôi vai gầy của  một phụ nữ trí thức gặp nhiều bất hạnh. Cuộc đời cô như những thước phim quay chậm, gồm cả những thành tích trong cống hiến cũng như bản lĩnh phi thường vượt khó đã làm cho bao thế hệ học trò Việt Nam noi gương và ngưỡng mộ.

Trước khi trở về Huế vào năm 1981, cô có thời gian sống và dạy học tại Quế Sơn (Quảng Nam). Thời gian ở đây, cô đã giúp bao học sinh nghèo tiếp cận với con chữ, có thêm kiến thức để làm hành trang vào đời. Vào năm 1981 mẹ chồng bị tai nạn, cô đành bỏ lại những đứa học trò thương yêu của mình để trở lại quê hương, bằng đôi bàn tay và nghị lực phi thường cô đã kinh qua rất nhiều nghề để mưu sinh và nuôi mẹ già. Tình cờ từ những món ăn cô nấu, tổ chức Schzmith Foundation đã tài trợ, và mở lớp dạy Nữ công gia chánh cho nhiều tầng lớp phụ nữ Huế.  Cũng từ đây cô có điều kiện thể hiện tình yêu và nét tài hoa của người nghệ sĩ đối với văn hoá ẩm thực dân tộc. Có thể nói đây là bước ngoặc lớn trong cuộc đời cô - một môi trường để phát triển và bồi dưỡng một tài năng cho đất nước.

Năm 1996 là một năm đáng nhớ của cô, khi cô quyết tâm lập lại cuộc đời bằng nghề bếp với tấm bằng tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc của lớp bếp Công nghiệp Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh trong sự ngỡ ngàng, ái ngại xen lẫn khâm phục của người thân và bạn bè. Chính nền tảng kiến thức và bàn tay khéo léo của mình, vào năm 1998 cô được trao bằng Thành viên danh dự Viện Hàn lâm ẩm thực Pháp trong hội thi Đầu bếp chuyên nghiệp quốc tế tại thành phố Le Touquet Pháp. Từ đây cô đã trở thành sứ giả kết nối đôi bờ văn hoá Đông - Tây và đưa ẩm thực Việt Nam vươn tầm thế giới.

Năm 1999 cô đạt giải cao nhất trong cuộc thi viết về Văn hoá ẩm thực Việt Nam do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật ăn uống đứng ra tổ chức. Đồng thời, cô làm cố vấn ẩm thực ba miền cho khách sạn Majestic Saigontourist TP.HCM và hợp tác đài truyền hình London mời thực hiện bộ phim Hue Royal food & beverage.

Hành trình nghiên cứu và học hỏi không ngừng nghỉ ấy của cô đã cho ra đời đứa con tinh thần. Đó là những tập sách về ẩm thực và văn học: Món ngon ba miền, Nxb Phụ nữ, 2000; Nghệ thuật ẩm thực Huế, Nxb Thuận Hoá, 2006; những bài thơ, bài viết về ẩm thực đăng tải trên nhiều tờ báo và tạp chí trong và ngoài nước. Năm 2010 và 2011 cô cùng một số tác giả góp mặt trong cuốn Độc đáo ẩm thực Thăng Long - Hà Nội và Độc đáo ẩm thực Huế (TS. Nguyễn Nhã chủ biên). Đồng thời cô còn tham gia nhiều hội thảo quốc gia và quốc tế về văn hoá - du lịch.

Cô Như Huy tại toạ đàm Phong vị ẩm thực Việt (1/5/2011)

Bước chân cô đi khắp nơi để trình diễn ẩm thực Việt Nam. Vào những năm 1998, 2002 cô làm sứ giả đi trình diễn ẩm thực Việt Nam tại các trường du lịch Pháp, năm 2004  dạy ẩm thực Việt Nam tại Học viện Nôtre Dame Heusy Vương quốc Bỉ. Năm 2005 - 2007 cô làm cố vấn chương trình Hành trình ẩm thực Việt ra thế giới tại khách sạn 5 sao Hilton Ha Noi opera, Hà Nội, khu nghỉ dưỡng Anna Mandara Nha Trang… Năm 2006 những người “săn lùng ẩm thực thế giới” đã nghe danh và tìm đến nhờ cô hợp tác hoàn thành 2 phim ẩm thực Việt Nam cho Hãng phim The food Hunter: “Madame Huy’s perfume wine, Hue Traditional food.”

Từ 1996 - nay cô thực hiện nhiều CD phim về  giảng dạy chuyên môn và trao đổi giao lưu văn hóa cho Đài truyền hình Huế, Đài truyền hình Việt Nam như: văn hoá ẩm thực trong lễ hội Vu Lan, văn hoá ẩm thực trong lễ hội Trung thu, phong cách ăn uống của người Huế, nét đặc trưng trong ẩm thực Huế, văn hoá ẩm thực ngày tết ở Huế… Ngoài ra, cô còn hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế: UNIDO, NAV, JICA... trong những chương trình giúp phụ nữ nghèo cải thiện ngành nghề chế  biến món ăn: chế biến mắm tôm theo công nghệ sạch, chế biến bánh mỳ bánh ngọt trong sản xuất hộ cá thể, hướng dẫn chế độ ăn uống dinh dưỡng cho bệnh nhân HIV...

Năm 2002 số phận lại cho cô thêm điều nghiệt ngã. Chồng cô đã bị tai biến mạch máu não, trở thành kẻ tàn phế. Trên đôi vai gầy của cô giáo lại chất thêm nỗi đau và gánh nặng. Nhưng cô vẫn kiên trì vượt qua tất cả để đạt danh hiệu “Người Phụ nữ Việt nam vượt khó” vào năm 2007.

Trên bục giảng, trong từng bài giảng ẩm thực cô giáo Hoàng Thị Như Huy đã thổi hồn vào từng món nấu, để sản phẩm vừa mang giá trị vật thể, vừa phi vật thể, mang sâu đậm nét nhân văn, giáo dục cho bao thế hệ học trò niềm tự hào về bản sắc ăn uống của quê hương mình. Nhà giáo, nhà nghiên cứu ẩm thực Hoàng Thị Như Huy đã được thế giới biết đến với tâm hồn thuần Việt, với tà áo dài Việt Nam hiền dịu, bước chân cô đã đi đến nhiều vùng miền trong và ngoài đất nước để trình diễn và giới thiệu nền văn hoá ẩm thực rất đặc sắc và đáng tự hào của đất nước Việt Nam. Bao thế hệ học trò mà cô dạy dỗ cũng đã đóng góp cho lĩnh vực văn hoá, ẩm thực dân tộc.

Cô Như Huy hướng dẫn sinh viên Mỹ nấu món Huế

Trong khoảng lặng tâm hồn sau những giờ lao động mệt nhọc, nhiều bài văn, áng thơ trữ tình ra đời đã làm bâng khuâng xao xuyến trái tim bao độc giả khi chính họ tìm thấy đó đây trong từng trang viết hơi thở và cuộc sống của chính mình.

Trong những thước phim ẩm thực Việt, qua bàn tay trình diễn và lời diễn đạt, nghệ nhân Hoàng Thị Như Huy đã để lại mỹ cảm cho nhiều khán giả trên khắp mọi nẻo đường Việt Nam và thế giới, về một phụ nữ Huế suốt cuộc đời cống hiến và vinh danh ẩm thực Việt Nam. Đặc biệt trong chương trình festival Huế năm 2011 Tuyệt chiêu Tiệc cơm muối Huế – công trình nghiên cứu mà cô ấp ủ từ năm 1999 với những hạt muối bảo quản trên 10 năm, đã khôi phục giá trị văn hoá ẩm thực Huế xưa, đã làm bao du khách ngỡ ngàng, khiến một khách sạn 5 sao lừng danh ở Hà Nội là Crown plaze West đã mời ngay cô ra hướng dẫn kỹ thuật chế biến để được tự hào giới thiệu ra thế giới một nét đẹp độc đáo trong ẩm thực Việt Nam.

 Cuộc đời của cô như một cuộc hành trình dài không biết mệt mõi, hành trình ấy đã được bù đắp một cách xứng đáng:

1. Thủ khoa xuất sắc lớp bếp công nghiệp Việt Nam (1996)

2. Huy chương ẩm thực quốc tế và bằng công nhận thành viên danh dự Viện Hàn lâm ẩm thực Pháp (1998)

3. Bài viết của báo Vietnam news, dưới tiêu đề: “Cooking is not a feudal preoccupation says Huy - Hue Chefs blazes New path for the gastronomic delights of Viet Nam” năm 1999

4. Bằng khen của Bộ Thông tin Văn hoá về những đóng góp cho sự thành công của “Tuần văn hoá Huế” tại Hà Nội (1999)

5. Giải thưởng viết về văn hoá ẩm thực - Hội văn nghệ dân gian (1999)

6. Danh hiệu Giáo viên dạy giỏi Thừa Thiên Huế (2003)

7. Danh hiệu Giáo viên xuất sắc và giải thưởng Giáo viên tiêu biểu toàn quốc - giải thưởng Nguyễn Văn Trổi (2004)

8. Danh hiệu Giáo viên chiến sĩ thi đua cấp ngành và Người phụ nữ Việt Nam hai giỏi (2000 - nay)

 9. Giám khảo các hội thi Chuyên nghiệp ngành bếp cho hội đồng VTCB (Vietnam tourism certification Boards) và VTOS (Vietnam tourism occupation standards) của các Dự án LUX và EU từ năm 2000 - nay)

10. Danh hiệu Người phụ nữ tài hoa Việt Nam -Viện Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam (2005)

11. Danh hiệu Người Phụ nữ Việt Nam vượt khó do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bình chọn và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trao bằng (2007) do chồng tật nguyền nhưng đã dũng cảm vượt qua tất cả, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ với gia đình và đất nước.

12. Danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam (2008)

13. Giải thưởng Văn hoá nghệ thuật Cố đô lần IV

14. Vinh danh Nghệ nhân ẩm thực Huế (2011)

Quả là một phụ nữ tài hoa, những cống hiến của cô về văn hoá - giáo dục - du lịch Việt Nam không chỉ dừng lại ở đó, bàn tay ấy, con người với nụ cười hiền dịu ấy sẽ còn tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của thế hệ trẻ, cho nước nhà đến tận phút cuối. Nếu ai đã một lần gặp cô giáo Hoàng Thị Như Huy mới thấy hết nét tài hoa nhưng rất đỗi bình dị này.

Hôm nay khi viết về cô, tôi được biết cô vẫn chưa ngừng những cống hiến cho ẩm thực quê hương Huế. Nếu du khách đến Huế, hãy tìm đến để được giới thiệu ẩm thực Huế qua các chương trình Cookingclass, Food sreeet, Food presentation… hoặc có thể cùng cô chế biến và thưởng thức những bữa Tiệc muối độc chiêu hay những bữa ăn truyền thống đậm đà hương vị  cây nhà  lá vườn xứ  Huế… để qua mỗi lần tiếp xúc ấy bạn sẽ tự thốt lên: Hoá ra ẩm thực Huế là thế! Con người Huế là thế! Mà bấy lâu nay sao ta mãi đi tìm!

Theo http://amthuc.net.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới,...
 
Trong các ngày từ 7-8/5/2016, Hội nghị Istanbul 2016 với chủ đề “Xem xét lại vấn đề bình đẳng giới và các xã hội hoà bình” đã diễn ra tại Băng Cốc, Thái Lan do Quỹ Nhà báo và Nhà văn...
Theo quy định của pháp luật về bầu cử, thời gian vận động bầu cử của người ứng cử được bắt đầu sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân...
 
Đó là ý kiến trao đổi của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với phóng viên Báo Quân đội nhân dân và được Báo Quân đội nhân dân online đăng tải sáng nay...
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh là một trong những đại biểu hiếm hoi đề xuất dự án luật tại Quốc hội khóa XIII và được Chính phủ ủng hộ. Bà đã dành cho PV báo Đời sống & Pháp luật cuộc trao đổi về công...
 
Không hiếm nữ doanh nhân ở Thừa Thiên Huế đã thành công trên lĩnh vực kinh doanh, khẳng định được vị thế trong thời kỳ hội nhập.
Tại Việt Nam, một trong những danh sách của Forbes được chú ý nhất là Danh sách phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2016.Người đầu tiên trong danh sách này là bà Nguyễn Thị Kim Ngân - ủy viên Bộ Chính trị, Phó...
 
Trở về với cuộc sống đời thường, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Lài vẫn không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực cống hiến xây dựng quê hương. Và ít ai ngờ rằng, nữ biệt động thành xứ Huế từng bị quân giặc chôn sống năm xưa giờ là...
Hình ảnh cô thợ dệt trong ca sản xuất có lẽ đã trở thành hình ảnh biểu trưng quen thuộc. Điều thú vị nhất có lẽ là một khẩu súng trường. Trong những năm chiến tranh, hủy diệt các nhà máy dệt là mục tiêu...
 
Đại đội nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy thành lập ngày 21-11-1967 dưới sự chỉ đạo của Tỉnh đội Quảng Bình. Đại đội lúc mới thành lập có 37 đồng chí, được phiên thành 3 trung đội: 1 trung đội chỉ huy (có một đài...
 
Cụ thể hóa chỉ tiêu thi đua phù hợp với từng đối tượng, sát thực tế, hướng vào thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức hội và của địa phương... là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền thực...
Lượt truy cập - chuyên trang phụ nữ
Truy cập tổng 225.546
Truy cập hiện tại 2.412