Dòng Hương thơ mộng nơi thành Huế cổ mộng xinh, bao năm tháng trôi xuôi về cửa Thuận…luôn soi bóng những tà áo dịu dàng của cô gái Huế, ngày ngày đi qua cầu Trường Tiền uốn mình duyên dáng nối hai bờ dòng sông. Nghiêng nghiêng trong vành nón bài thơ, thấp thoáng đó đây những khuôn mặt dịu hiền với làn da mịn màng tươi tắn. Nét đẹp dung dị ấy đã đi vào hồn thơ bao tao nhân mặc khách để họ sáng tác lưu đời những tuyệt tác nơi chốn trần gian.
Vâng quả không ngoa vì đã có biết bao áng văn thơ ngợi ca cô gái Huế. Trời sinh ra, không phải lúc nào cũng ưu ái ban cho cô thiếu nữ dung nhan sắc nước hương trời như Tây Thi, Điêu Thuyền một thuở….Nhưng chính nơi mảnh đất thần kinh này các cô con gái đã được diễm phúc có những bà mẹ tuyệt vời. Mẹ đã sinh ra những bông hoa cho cuộc sống. Mẹ lại dạy cho những bông hoa biết tô đẹp thêm bằng những bí quyết gia truyền từ nơi dân dã đến chốn hoàng cung. Nụ phấn Nhất Chi Mai là quà mẹ dạy đã điểm thêm nét Huế dịu dàng cho cô gái Huế xưa –nay.
Ngược thời gian, từ một thuở ông cha đi mở cõi, Huế đã là thủ phủ của các chúa Nguyễn xưa, rồi một thời là kinh đô các triều Tây Sơn, Nguyễn Gia Long....Nơi mảnh đất này liên tục hội tụ những tinh hoa, tinh xảo của những nghệ nhân cả nước. Trong đó, nghề làm phấn nụ được coi như một bí quyết độc chiêu làm đẹp dành riêng cho Hoàng Hậu và các Cung Tần mỹ nữ vốn là những bông hoa đẹp chốn Hậu Cung một thời.
Mặc dù đã có bề dày kinh nghiệm, nhưng người làm nên nụ phấn cũng đã kinh qua bao dâu bể, khi thăng khi trầm khiến nghề tưởng chừng như bị mai một theo thời gian. Song … vẫn còn một người mẹ Huế âm thầm truyền nghề cho cô cháu nhỏ, để giữ đến hôm nay nụ phấn Nhất Chi Mai này.
Hội thi đánh giá chất lượng và tôn vinh thương hiệu các sản phẩm lưu niệm ngành Tiểu thủ công Nghiệp Thừa Thiên Huế nhân chào mừng Festival Huế 2010, tôi được mời làm Giám khảo hội thi. Trên bàn bày sản phẩm, những nụ phấn Nhất Chi Mai do bàn tay chủ nhân tinh tế đặt nằm e ấp trong chiếc túi lụa voan mang màu trắng tím tao nhã, đã gợi lên nét dịu dàng, nền nã truyền thống bao đời của người phụ nữ Huế. Nụ phấn Nhất Chi Mai đã lên ngôi. Các thành viên Ban Giám khảo, kể cả bản thân người viết đều rất ấn tượng trước một sản phẩm mang hồn Huế từ hình thức mẫu mã đến nội dung chất lượng phấn nụ.
|
|
Bà Như nhận giải thưởng |
Phát biểu |
Bà Phan Thị Tố Như, chủ nhân cơ sở 101 Thái Phiên, Tây Lộc Huế, người kế thừa công thức lưu truyền nguyên vẹn của Gia phả là cháu đời thứ của 3 của cụ Phan Văn Khoa, người làng Khuông Phò, Quảng Phước, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Ông vốn giữ chức Quan Tri Phủ -Thành Thủ Úy cửa Thị Nại của triều đình nhà Nguyễn. Khi Pháp chiếm cửa biển này, ông cáo quan về quê qui ẩn.
Tiếp đời con trai là ông Phan văn Xứng, đã từng giữ chức quan Thương Chánh triều Nguyễn tại thành phố Tuy Hòa, Phú yên. Ông cũng cáo quan về quê làm nghề dạy học. Tại quê hương, bên giòng sông Bồ êm ả phẳng lặng của miền quê bình dị gạo trắng nước trong, ông gặp gỡ và kết duyên thêm với một phụ nữ tài hoa, xinh đẹp tên Lê Thị Hải, quê ở Tây Thành, Quảng Thành, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, khi đã có một đời vợ và nhiều con cái. Rất tiếc đến hốm nay bà hai không còn và không lưu lại bút tích gì về người thầy đã dạy bà nghề làm phấn nụ. Chỉ biết khi đi lấy chồng vào những năm đầu thế kỷ 20, bà đã mang theo kinh nghiệm làm phấn. Bà không sinh con nhưng đã hết lòng truyền nghề phấn nụ cho con cháu của chồng. Trong đám con cháu ấy, cô cháu nội Phan Thị Tố Như, do tính chịu thương chịu khó đã được học tất cả những bí quyết tinh xảo nhất để nay tiếp tục lưu giữ nghề và vinh danh thương thiệu một sản phẩm truyền thống gia đình.
Nghề làm phấn nụ được Mụ hai, tức vợ thứ hai của ông nội bà Phan Thị Tố Như truyền lại năm bà mới 17 tuổi.
Tác giả và bà Phan Thị Tố Như
Lúc đó, nơi bếp lửa gia đình, chỉ thỉnh thoảng hai bà cháu, một tóc bạc phơ, một còn xanh rì trên mái đầu thiếu nữ, miệt mài bên nhau chăm chút tạo nên nụ phấn giúp làm đẹp thêm cho mấy phụ nữ trong gia đình hoặc làm quà tặng bà con, xóm làng.
Năm 1979, do cuộc sống phải chăm bầy con nhỏ học hành, bà Tố Như tập tành kinh doanh, sản xuất số lượng ít, đem bán dần. Lúc này, phần lớn khách hàng dùng phấn nụ chỉ là những người phụ nữ Huế lớn tuổi, vốn rất kín đáo chuyện trang điểm và rất kén chọn mỹ phẩm. Còn giới trẻ rất ít người biết đến sự tồn tại của loại sản phẩm truyền thống này, đang chuộng chạ theo mỹ phẩm hàng ngoại nhập.
Năm 1983, bà Tố Như đặt tên cho sản phẩm là HOA MAI, đem bán rộng rãi ở chợ Đông Ba cùng một số thành phố lớn như Hà Nội, Vinh, TP Hồ Chí Minh… Mãi đến năm 2009 phấn nụ HOA MAI chính thức đổi tên thành Phấn Nụ Truyền Thống NHẤT CHI MAI.
Trải qua 30 năm dâu bể, ngày nay thương hiệu NHẤT CHI MAI đã trở thành cái tên quen thuộc đọng lại trong lòng người phụ nữ Huế và du khách thập phương. Loại mỹ phẩm đặc biệt này đã chiếm lĩnh được lòng tín nhiệm khiến rất nhiều nữ du khách đến Huế rất yêu thích, khi ra về, ít nhất cũng mua vài chục nụ để làm đẹp cho bản thân hoặc làm quà cho bạn gái.
Cùng với thời gian, phấn nụ NHẤT CHI MAI đã tạo được niềm tin vững chắc cho những ai đã dùng qua sản phẩm. Niềm tin đó cũng là sự tri ân của người lưu truyền sản phẩm truyền thống đến tất cả những ai là khách quý mến và trung thành với loại sản phẩm đặc biệt này.
Cũng do cơ duyên, nhân festival 2010, người viết gặp gỡ một phụ nữ Huế thật đáng yêu. Chị là nhà giáo, nhà văn Bùi Thị Kim Chi đang sinh hoạt tại Hội Nhà văn Tỉnh Đồng Nai. Nhân nhìn thấy làn da mịn màng tươi tắn không nếp nhăn dù chị đã ở tuổi 62, hỏi ra mới biết chị chỉ duy nhất dùng nụ phấn Nhất Chi Mai này để dưỡng da và trang điểm hơn 40 năm qua.
Tác giả và bà Bùi Thị Kim Chi ( áo xanh) - Người hơn 40 năm dùng phấn nụ Nhất Chi Mai
Theo chân chủ nhân Nhất Chi Mai về cơ sở, tôi tìm hiểu thêm qui trình chế biến và thành phần nguyên liệu để tự tin hơn mà viết lời quảng bá cho thương hiệu này.
Thỏi Phấn Nụ, với bề ngoài đơn giản như một nụ hoa, nhưng để kết tinh thành nụ hoa đó, phải trải qua những công đoạn hết sức công kỷ và phức tạp. Nguyên liệu chính là Caolin. Người sản xuất phải có kinh nghiệm chọn đầu vào ngay từ khâu nguyên liệu. Loại Caolin đặc biệt không chứa bụi bẩn, có màu phớt hồng và trong suốt như pha lê thường được gọi tên là caolin kính mới được dùng chế biến. Phần lớn được khai thác từ A Lưới, Nam Đông hoặc Quảng Ninh. Các phụ gia có dược tính để hỗ trợ mùi thơm, màu sắc cũng được chọn công kỷ .
Hạt trái Giành giành, cánh hoa Nhất Chi Mai... tách lấy màu đỏ của hoa, màu vàng của trái để chiết phẩm màu tự nhiên. Chính vì cánh hoa Nhất Chi Mai mỏng manh, xinh xắn và màu hồng phơn phớt khi chiết xuất được, tạo nên màu nụ phấn đã gợi Bà Phan Thị Tố Như ý tưởng dùng tên NHẤT CHI MAI cho thương hiệu này.
Lò nung và cối nghiền
Cỏ mực giúp sát trùng da khi sử dụng. Hoa Mộc Lan dùng ướp mùi hương ở đoạn đóng gói…
Tất cả nguyên liệu đều khai thác từ các địa phương trong nước và trong qui trình sản xuất, cơ sở không sử dụng bất cứ hóa chất nào để đảm bảo tuyệt đối độ an toàn cho làn da phái đẹp.
Rửa viên cao lin cho sạch bụi bẩn, cho vào lò kín nung từ 22 đến 24 giờ, dưới nhiệt than không khói, đến lúc Caolin tơi xốp và vỡ vụn thì đem nung tiếp dưới nhiệt độ thấp hơn, rồi khử thổ 8 giờ. Nếu thiếu thao tác này, sản phẩm không có độ mịn cao.
Sau đó cao lin sẽ được cho vào cối giã cho thật mịn. Cứ sau mỗi lần giã, lại rây sàng phần bột thô giã lại.Cái cối giã bà hai dùng bao năm qua vẫn còn sử dùng tốt trong qui trình sản xuất nụ phấn Nhất chi Mai hôm nay
Dùng nước mưa sạch ( nước hứng từ giữa không trung chứ không qua mái nhà). Trong qui trình truyền thống do mụ hai dạy, phải hứng nước mưa để pha chế nhưng về sau này do không khí ô nhiễm và bụi bẩn nên chủ cơ sở đã thay đổi bằng cách sử dụng nước Cất (nước đun sôi và giữ lấy hơi nuớc). Dùng thau inox hoặc vại sành cho bột vào quấy với nước, lọc bỏ tạp chất, chỉ lấy phần lắng bên dưới. Nấu ở nhiệt độ 60 độ C cho hổn hợp đến độ sền sệt, sẽ đem ủ trong vòng 3 ngày. Khi mẻ bột quay trở lại nhiệt độ bình thường tiếp tục pha chế cùng các thảo dược được chiết xuất của 1 số hoa như hoa Đại, hoa Cúc, cỏ mực...phơi khô, sắc lọc lấy nước pha vào làm nụ phấn trắng hoặc thêm hoa Nhất Chi Mai và hạt trái Giành Giành tạo màu cho nụ phấn hồng. Khoảng 12 đến 24 giờ sau, bột phấn sẽ lắng xuống, nước trong sẽ nổi lên trên. Gạn bỏ phần nước bẩn rồi để lắng, sau đó lại gạn bỏ cho đến khi ráo nước. Dùng thìa múc giọt vào khuôn thành từng nụ phấn.
Nơi bếp lửa, người thiếu phụ Huế duyên dáng này đang ngồi miệt mài giọt từng nụ phấn. Nhìn chị, tôi những tưởng chị đang ngồi nặn những chiếc bánh cổ truyền Huế. Công việc đòi hỏi tính nhẫn nại và chăm chút từng thao tác, phải gửi gắm hết tâm hồn mới có nên những sản phẩm bé bé xinh xinh, đem lại sắc đẹp và sự quyến rũ cho biết bao cô gái trong cuộc sống hôm nay.
Chỉ hong khô nụ phấn dưới ánh nắng ban mai. Canh khi mặt trời lên cao, phải đem vào nhà ủ kĩ. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, cho đến khi nụ phấn thật khô mới đem gia công, ướp hoa Mộc Lan và đóng gói.
Đã có rất nhiều phụ nữ kinh thành Huế xưa dùng phấn nụ vì loại mỹ phẩm này do nguyên liệu là cao lin có tính mát, giúp mát da, ngăn ngừa mụn nhọt, rôm sảy.
Cùng với các phụ gia gồm các loại thảo dược, đem đến cho nguời dùng một làn da trắng hồng tự nhiên thông qua tác dụng dưỡng da chống nắng lâu dài chứ không qua cơ chế tẩy trắng da ngắn hạn như các loại mỹ phẩm chứa hóa chất thông thường.
Dùng Phấn nụ Nhất Chi Mai, lúc trang điểm đi ra bên ngoài hay ngay cả lúc trước khi ngủ, sẽ thúc đẩy, tái tạo tế bào mới, loại bỏ tế bào chết và vết nám sạm trên da, ngăn ngừa lão hóa, làm mờ vết thâm, vết sẹo do mụn gây ra.
Đặc biệt nụ phấn cao lin hoàn toàn không gây kích ứng cho da. Ngăn bụi bám vào da mặt khi phải đi lại trên đường. Trong nụ phấn không chứa chất vazơlin nên không bám dính da, làm lỗ chân lông thông thoáng. Ta có thể dùng phấn Nhất Chi Mai nhiều lần trong ngày. Trước và sau khi dùng chỉ rửa mặt với nước sạch. Nhiều gia đình nắm được công dụng của phấn nụ, đã mua dùng cho cả em bé để tránh rôm sảy hoặc bị hâm lở do cơ nhiệt gây ra.
Lễ trao giải thưởng diễn ra long trọng tại hội trường khách sạn Cen tury. Bà Phan Thị Tố Như đại diện các cơ sở được giải lên phát biểu cảm tưởng khi thành quả lao động của họ đã được tôn vinh, tạo niềm tin để tiếp tục lưu truyền nghề truyền thống của người xưa.
Cầm nụ phấn trên tay, tôi chợt nhớ câu: “ Không có người phụ nữ xấu. Chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”. Làn da trắng hồng mịn màng của những người phụ nữ Huế cao tuổi đã suốt đời mình chỉ dùng nụ phấn Nhất Chi Mai tô thêm nhan sắc lại hiện ra như trước mắt, làm tôi thêm ước mong khao khát. Tôi mua nhanh mấy hộp vì đã quyết từ nay sẽ tự làm đẹp cho mình bằng nụ phấn Nhất Chi Mai./.