Tìm trên trang
Thuý “cụt” và câu chuyện người dệt nón xứ Huế
Ngày cập nhật 10/12/2014

Chiếc nón bài thơ có hình ảnh cầu Trường Tiền đã làm nên thương hiệu danh tiếng của của xứ Huế, được khách du lịch nước ngoài ưa chuộng. Hình ảnh người con gái xứ Huế mặc áo dài thướt tha, tay cầm nón lá đã đi sâu vào thơ ca, tâm khảm của người Việt. Thế nhưng không mấy ai biết rằng, thương hiệu nón lá ấy đã được làm nên bởi một người phụ nữ không lành lặn

Bằng cánh tay cụt của mình, chị vẫn miệt mài từng đường kim sợi chỉ cho ra đời hàng nghìn chiếc nón lá. Làm nón lá đẹp đã khó, nón lá làm từ bàn tay tật nguyền càng khó khăn gấp ngàn lần.

Nghề của chữ “Nhẫn”

Ngôi nhà của chị Trần Thị Thuý (43 tuổi) nằm sâu trong con hẻm ngoằn nghèo trên đường Trần Phú, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế. Đã mấy chục năm qua ngôi nhà ấy vắng hẳn tiếng con trẻ và tiếng của đàn ông. Bởi hai mẹ con chị Thuý sống côi cút, nương tựa vào nhau.

Mùi hương dầu nón phảng phất trong gió, nón lá, cuộn chỉ ngổn ngang cả một góc phòng. Một người phụ nữ đang cần mẫn ngồi ở góc nhà khéo léo đưa từng đường kim mũi chỉ, chuẩn xác không lệch lạc một ly. Đó là công việc hàng ngày của chị Thuý hơn 30 năm qua. Thật kỳ lạ, với cánh tay trái cụt ngang tận khuỷu, chị Thuý vẫn cầm chiếc kim nhọn hoắt liếng thoắng đưa lên xuống. Từng đường chỉ thẳng hàng trên vành lá, từng động tác nhanh nhẹn hơn hẳn một người chuyên nghề làm nón.

Nhiều du khách nước ngoài đến thăm chị Thuý chằm nón, họ hết sức ngỡ ngàng trước nghị lực phi thường của người phụ nữ Việt Nam.

Bà mẹ chị Thuý bảo, khách trong nước đến tham quan nón Thuý, nhìn vậy thì trầm trồ khen ngợi. Còn du khách nước ngoài thấy thì: “Há hốc mồm miệng đầy ngạc nhiên, chụp ảnh lia xia”!.

Nón Huế đẹp là bởi nó gắn liền với thương hiệu nón Thuý. Du khách nước ngoài tới Huế du lịch chỉ chọn mua nón Thuý mà thôi. Chị Thuý kể, cách đây 5 năm, một người đàn ông người Pháp vượt đường sá xa xôi tìm về đất Huế. Tận mắt thấy chị Thuý ngồi hàng giờ làm nón, ông quá khâm phục và mến mộ bản lĩnh cùng nghị lực của người phụ nữ Việt Nam. Chị Thuý tặng ông một chiếc nón làm quà, ông đặt điều kiện chị phải ký tên Thuý vào nón mới chịu. Chữ “nón Thuý” in lên vành nón, Trần Thị Thuý cũng không hay biết rằng thương hiệu của mình nổi tiếng bắt đầu từ đó.

“Nón rất Huế nhưng đời không phải thế/ Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng” – câu thơ tự bao đời chẳng may lại vận vào cuộc đời đen bạc của cô gái Thuý. Mẹ Thuý kể, Thuý từ khi sinh ra đã không may mắn bị dị tật bẩm sinh. Gương mặt lành lặn, kháu khỉnh, duy nhất chỉ cánh tay bị cụt ngang tận khỉu. “May mà có cái xương dôi ra để em cầm kim, chứ không cũng chẳng đến được với nghề làm nón” – chị Thuý nói.

Ngày đó gia đình chị Thuý rất đau khổ, cả nhà như có tang khi bồng trên tay sinh linh bé nhỏ tật nguyền. Chị Thuý tâm sự: “Đến khi lớn lên, mình xinh đẹp như bao cô gái làng, có người tới tận nhà tán tỉnh hẳn hoi. Nhưng cứ mặc cảm thân phận, thương mẹ già sống neo đơn nên đành từ chối bao lời yêu đương. Vẫn là cô gái Phủ Cam hơn 30 năm rồi”. 43 tuổi, khoảng thời gian chưa quá dài của đời người nhưng 30 năm làm nghề nón thì quả thực rất dài. Chị Thuý bước chân vào nghề nón từ năm lên 10 tuổi. Chị Thuý bảo chẳng hiểu sao công việc ngồi còng lưng cả buổi này lại lôi cuốn chị đến lạ kỳ. Chị muốn học làm nón, mẹ chị ngớ người vì bà chưa từng thấy ai bị…cụt tay mà làm nón được cả. Thương con gái, bà tranh thủ thời gian rảnh rỗi chỉ bảo con gái làm từng công đoạn để thành nón lá.

Nón lá Phủ Cam ở Huế là một trong số nhiều làng nón nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Chuyện một người con gái dị tật cầm kim khâu nón khiến người làng nón bàn tán xôn xao.

Chị Thuý kể: “Ban đầu công việc rất khó khăn khiến mình đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Mình thường đi nhặt những chiếc nón lá đã rách nát, những cây kim đã bị gãy ngọn, sau đó đưa về tập khâu. Đôi tay run rẩy cầm kim không chặt, kim nhọn đâm vào da thịt tứa máu là chuyện bình thường”.

Với cánh tay cụt ngang khuỷu, chị Trần Thị Thuý miệt mài chằm nón lá để tạo nên thương hiệu nón Thuý như ngày hôm nay.

Làm nón với một người phụ nữ mới tập tọng học nghề đã khó, với chị Thuý càng khó gấp ngàn lần. Chẳng một ai, ngay đến mẹ chị Thuý cũng không tin có ngày chị ra mắt sản phẩm đầu tay.

“Việc gì làm nhiều, cố gắng làm sẽ thành thói quen và kỹ năng. Nghề chằm nón là nghề của chữ “Nhẫn” – chị Thuý đúc rúc kinh nghiệm như vậy. Sau nhiều đêm lần mò, tỉ mẩn từng nét chỉ, đường kim, Trần Thị Thuý cho ra lò chiếc nón lá mang đặc trưng của người Huế. Chị mừng rơi nước mắt, suốt ngày nhìn chiếc nón lá, hết đội lên đầu lại để xuống. Mẹ chị càng mừng hơn, động viên con gái đừng từ bỏ đam mê của nghề đã từng nuôi sống biết bao gia đình.

Thương hiệu nón Thuý

Câu chuyện bị ngắt quãng khi tiếng chuông điện thoại reo vang, vẻ mặt chị Thuý và bà mẹ hồ hởi hẳn lên, họ chạy lại đầu đường “xổ” từng tràng dài tiếng Anh ra đón chào du khách. Từng cái bắt tay, ánh mắt thân thiện cứ ngỡ như họ quen nhau từ lâu lắm rồi.

Chị Thuý khoe: “Thỉnh thoảng có đoàn khách ghé thăm, đây là dịp mình trình diễn nghề nón và bán được nón lá tận tay cho du khách. Tiếng lành về nón Thuý đồn xa kèm theo sự hiếu kỳ của khách thập phương nên hàng tuần, nhà mình luôn đón 4-5 đoàn khách đến từ các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Cannada, Trung Quốc, Pháp, Bỉ…”. Khoảng hơn chục du khách nước ngoài ngồi gần quá trưa để tận mắt thấy Thuý chằm nón bằng tay cụt như thế nào. Người thán phục bằng cách vỗ tay, người tận dụng cơ hội chụp ảnh ghi lại khoảng khắc đáng nhớ.

Được cơ hội diễn nghề, chị Thuý tự tay cắt lá nón, khâu nón, lấy khỉu tay ngắn cũn cỡn cầm dao vót tre điêu luyện. Có những vị du khách tò mò, đòi học cách chằm nón. Chị Thuý vui vẻ cầm tay chỉ việc, bày cách đưa kim chỉ như thế nào cho chuẩn xác. Các ông Tây thích thú lạ kỳ, nhưng họ chẳng khâu được đường chỉ nón lá nào ra trò. Các vị khách nước ngoài chia tay Thuý chằm nón không quên mua những sản phẩm của chị đem về nước làm kỷ niệm. Nhưng thứ quý giá nhất có lẽ phải kể đến những bức hình sống động lưu trong máy ảnh. Điều duy nhất chỉ có phụ nữ Việt Nam kiên trì và bản lĩnh mới làm được.

Chị Thuý tâm sự rằng, nghề nón lá nhiều khi cũng bạc bẽo lắm. Thời vua chúa, nón lá phát triển, các làng nón đua nhau sản xuất ra nhiều. Bây giờ thời đại mô tô, đội mũ bảo hiểm, nón lá hết thời, hết đất dụng võ. Có chăng là những lần Festival Huế, lễ hội trưng bày nón lá, nón bài thơ, trình diễn áo dài…

Gia đình chị Thuý là một trong số ít gia đình còn lại ở Phủ Cam cố gắng bám trụ với nghề làm nón. “Nghề làm lâu năm rồi, từng nuôi sống gia đình, đem lại cuộc sống no ấm, bây giờ bỏ đi không đành. Với người phụ nữ Huế đan nón lá lại là một niềm đam mê đã thấm sâu vào máu, bỏ chẳng đành. Nhiều người bỏ một thời gian, buồn tay, lại cầm kim chỉ khâu chằm” – chị Thuý nói.
Dịp Festival huế, chị Thuý cùng mẹ làm theo đơn đặt hàng nhiều không kịp. Họ phải thuê các tay đan trong phường về làm thuê. Cách làm này của chị cũng giúp bao người có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

30 năm gắn bó với nghề, chị Thuý nói có những thời điểm rất khốn khó. Nón lá bán ra chỉ được 2 ngàn đến 3 ngàn đồng/cái; trong khi nguyên liệu phải mua từ rừng sâu nước độc về, tre phải đặt hàng từ các vùng quê. Vì không muốn nghành nghề truyền thống, thương hiệu nón Thuý rơi vào quên lãng, chị Thuý quyết tâm bám trụ. Làm nhiều bán nhiều, dù rẻ cũng chấp nhận để vượt qua giai đoạn khó khăn. Chị cùng mẹ ra chợ Đông Ba bỏ cho các mối hàng quen. Có khi đạp xe đi bán rong dọc đường. Huế với những cơn mưa bất thường đổ xuống, hàng nón ướt, người bán cũng khóc ròng theo mưa.

Trần Thị Thuý mãi không quên hình ảnh nữ du khách làm sống lại ý chị, nghị lực với nghề trong chị. Giai đoạn nón lá bế tắc đầu ra, một người phụ nữ Pháp sang Huế xem cảnh chị Thuý chằm nón. Cánh tay cụt đưa lên đưa xuống liếng thoắng, thoăn thoắt như lập trình sẵn. Bất ngờ người phụ nữ ấy oà khóc nức nở khiến chị Thuý hoảng hốt không hiểu nguyên nhân. Hoá ra, người phụ nữ Pháp ấy cũng đồng cảnh ngộ bị khuyết tật, cánh tay phải không lành lặn, teo tóp dần. Họ khâm phục nghị lực của chị, ái ngại khi mình là người khuyết tật nhưng chưa làm được gì cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Có lẽ hình ảnh chị Thuý là bài học về cuộc sống cho du khách phương xa đến thăm. Từng được mời ra nước ngoài tham dự ngày hội giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản, chị Thuý vô cùng khát khao có ngày được mở rộng thị trường. Chị nói: “Nghề nón lá truyền thống đang sống trong cảnh chật hẹp, thiếu nguyên liệu, tay nghề giỏi. Mở rộng thị trường mua bán nón lá vừa là cách giới thiệu hình ảnh một Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, vừa vực dậy ngành nón lá vốn rất èo uột”.

Chiếc nón lá bài thơ đã đi vào thơ ca, âm nhạc, lịch sử. Nó điểm tô cho người con gái Việt Nam, đặc biệt là con gái xứ Huế một vẻ thơ mộng, duyên dáng hiếm có. Thương hiệu nón Thuý là thương hiệu của nón nghị lực, niềm tin và bản lĩnh cùng nhiệt huyết đam mê của Trần Thị Thuý.

Điều khiến người viết ngạc nhiên là khi được biết căn nguyên sâu xa vì sao chị Thuý…vẫn ở một mình, giường không gối chiếc. Đó là bởi vì chị đã kết mối lương duyên với… nón Thuý mất rồi.


 

Theo huecity.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới,...
 
Trong các ngày từ 7-8/5/2016, Hội nghị Istanbul 2016 với chủ đề “Xem xét lại vấn đề bình đẳng giới và các xã hội hoà bình” đã diễn ra tại Băng Cốc, Thái Lan do Quỹ Nhà báo và Nhà văn...
Theo quy định của pháp luật về bầu cử, thời gian vận động bầu cử của người ứng cử được bắt đầu sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân...
 
Đó là ý kiến trao đổi của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với phóng viên Báo Quân đội nhân dân và được Báo Quân đội nhân dân online đăng tải sáng nay...
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh là một trong những đại biểu hiếm hoi đề xuất dự án luật tại Quốc hội khóa XIII và được Chính phủ ủng hộ. Bà đã dành cho PV báo Đời sống & Pháp luật cuộc trao đổi về công...
 
Không hiếm nữ doanh nhân ở Thừa Thiên Huế đã thành công trên lĩnh vực kinh doanh, khẳng định được vị thế trong thời kỳ hội nhập.
Tại Việt Nam, một trong những danh sách của Forbes được chú ý nhất là Danh sách phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2016.Người đầu tiên trong danh sách này là bà Nguyễn Thị Kim Ngân - ủy viên Bộ Chính trị, Phó...
 
Trở về với cuộc sống đời thường, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Lài vẫn không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực cống hiến xây dựng quê hương. Và ít ai ngờ rằng, nữ biệt động thành xứ Huế từng bị quân giặc chôn sống năm xưa giờ là...
Hình ảnh cô thợ dệt trong ca sản xuất có lẽ đã trở thành hình ảnh biểu trưng quen thuộc. Điều thú vị nhất có lẽ là một khẩu súng trường. Trong những năm chiến tranh, hủy diệt các nhà máy dệt là mục tiêu...
 
Đại đội nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy thành lập ngày 21-11-1967 dưới sự chỉ đạo của Tỉnh đội Quảng Bình. Đại đội lúc mới thành lập có 37 đồng chí, được phiên thành 3 trung đội: 1 trung đội chỉ huy (có một đài...
 
Cụ thể hóa chỉ tiêu thi đua phù hợp với từng đối tượng, sát thực tế, hướng vào thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức hội và của địa phương... là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền thực...
Lượt truy cập - chuyên trang phụ nữ
Truy cập tổng 225.546
Truy cập hiện tại 2.408