Buổi sáng giữa tháng 10, căn phòng nhỏ ở phường Phú Hội (TP Huế, Thừa Thiên - Huế) đều đều vang lên tiếng học trò phát âm ngọng nghịu. Ngồi trên xe lăn, cô Trần Phương Liên (56 tuổi) cầm phấn viết lên bảng những từ mới vừa đọc mẫu. Chốc chốc, cô lại cầm thước gõ trên bàn, bắt nhịp cho học sinh đánh vần.
Lớp học tiếng Nhật của cô giáo khuyết tật Trần Phương Liên. Ảnh: Trần Văn.
Học sinh của lớp chủ yếu là các em cấp 2, cấp 3, sinh viên đại học, người sắp sang Nhật du học, nhân viên công ty liên doanh với Nhật... Sau khi hướng dẫn mọi người nội dung bài học, cô Liên lại đi xe lăn đến từng bàn để chỉ bảo cho từng học trò. Cô luôn nở nụ cười dù từng vòng xe lăn thấm đẫm những giọt mồ hôi.
Ca học kết thúc, cả lớp đứng lên vòng tay chào cô Liên bằng tiếng Nhật rồi vội vã ra về. Cô lại lăn những vòng xe sắp xếp bàn ghế, thu dọn những miếng giấy vụn để chuẩn bị cho ca học tiếp theo. "Lớp học và các học trò là tài sản quý giá nhất mà tôi có", cô Liên tâm sự.
Để có được niềm vui như bây giờ, cô Liên đã phải trải qua nhiều thử thách. Là người gốc Huế, nhưng cô Liên sinh ra ở Hải Phòng và lớn lên ở Hà Nội. Năm lên 4 tuổi, đôi chân cô bị liệt sau trận ốm dài ngày.
Đất nước thống nhất, cô khăn gói theo ba mẹ về Huế học và tốt nghiệp trường Đồng Khánh (nay là THPT Hai Bà Trưng, TP Huế). Đi lại khó khăn nhưng nữ sinh này vẫn đi xe lăn thi đại học và trở thành sinh viên khóa 1 của khoa Văn - Sử ĐH Tổng hợp Huế. Năm 1981, Phương Liên tốt nghiệp ngành Sử học.
Tận tụy với nghề, cô Liên luôn kèm cặp từng học sinh. Ảnh: Trần Văn
Lục giở lại những tấm ảnh thời sinh viên, cô Liên kể: "Bước ngoặt cuộc đời tôi có lẽ là năm 1993, khi tôi hay tin một lớp Nhật ngữ do chính người Nhật dạy tại Huế tuyển 20 học viên. Tôi bắt đầu tìm tòi sách vở ôn luyện, cộng với vốn ngoại ngữ từ thời học phổ thông và đại học tôi quyết tâm nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Thế nhưng, chỉ vì đôi chân liệt mà tôi không thể tới lớp học, tôi buồn bã trở về với công việc buôn bán bên vệ đường".
Một thời gian sau, 2 người Nhật tìm đến nhà thắc mắc vì sao cô không tới lớp học. Biết việc cô đi lại khó khăn, các thầy giáo người Nhật đã tự nguyện thay nhau đến nhà dạy học. Sau hai năm, khóa học kết thúc, cô chủ động liên lạc với các giáo viên của mình tại Nhật để tiếp tục tích lũy và hoàn thiện vốn ngoại ngữ.
Năm 1996, cô Liên vừa học vừa nhận dịch sách, thư... từ tiếng Nhật sang tiếng Việt. Ngoài ra, cô còn nhận dạy kèm một vài học sinh có nhu cầu học tiếng Nhật. Do chất lượng dạy tốt nên lớp của cô ngày một đông.
Sau mỗi buổi học, cô Liên lại đẩy chiếc xe lăn lo công việc nội trợ và chăm sóc bố mẹ già. Ảnh: Trần Văn
Nghị lực phi thường và vốn kiến thức rộng của cô Liên đã được người Nhật biết đến. Nhiều người Nhật khi tới Việt Nam làm ăn, sinh sống đã tìm đến lớp của cô Liên để học tiếng Việt cũng như văn hóa Huế và Việt.
Em Đinh Thị Phương Hoài theo học ở lớp tiếng Nhật của cô Trần Phương Liên hơn 2 năm nay. Hoài cho biết, tiếng Nhật rất khó học nhưng vì cô Liên rất am hiểu ngoại ngữ này cũng như cách dạy tận tình nên các bạn tiếp thu rất nhanh. "Từ khi đến lớp của cô Liên, ngoài việc học được vốn tiếng Nhật, em cũng như các bạn còn học được ở cô sự kiên trì, chịu khó, biết bỏ qua mọi mặc cảm trong cuộc sống để phấn đấu vươn lên", Hoài chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lê, Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phú Hội, cho biết, cô Trần Phương Liên là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó. Mặc dù không được lành lặn, đi lại rất khó khăn nhưng cô đã vươn lên, dùng hết khả năng dạy dỗ học sinh. "Lớp học tiếng Nhật của cô đã trở thành thương hiệu đối với học sinh trong cũng như ngoài tỉnh. Cô cũng đã góp phần rất lớn trong việc mang văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam đến với người Nhật", bà Lê nhấn mạnh.
Sau giờ dạy học, cô Liên lại tự mình lo chuyện chợ búa, bếp núc, chăm sóc cha mẹ già.