Người phụ nữ Huế cuối cùng làm trống Ngày cập nhật 02/12/2014
Tôi đang kể về bà Hồ Thị Thương ở Huế nhân mùa Trung thu. Bà là phụ nữ thứ hai và cũng là người cuối cùng ở cố đô làm cái nghề nặng nhọc, nhưng rất thú vị này.
Bà Thương đang thực hiện công đoạn khó nhất: Bào da trống
Trống “hai o”
Trống “hai o” (hai cô) là kiểu gọi trìu mến, tự hào của người Huế về những chiếc trống do mẹ con bà Hồ Thị Thương sản xuất, nhằm phân biệt với trống Đọi Sơn và một số “thương hiệu” trống khác từ phía bắc đang làm mưa, làm gió ở miền Trung từ nhiều năm nay. Vì răng lại là “hai o”? Bà Thương giải thích: “Hai o tức là tui và mạ tui. Năm 82 tuổi, mạ tui mất vì tai nạn.
Từ đó đến nay, cả Huế chỉ còn mình tui làm nghề ni”. Ngôi nhà, cũng là cơ sở sản xuất trống “hai o” của bà Hồ Thị Thương nằm ở mặt tiền đường Lê Thánh Tôn, thành phố Huế, không bảng hiệu, không nhân công. Dấu hiệu nhận biết duy nhất là mấy cái trống làm dở để trước sân và hai người, một nam một nữ, người cầm búa đóng vào tang trống, người cầm con dao hí húi cạo da...
Mang tiếng là mặt tiền, nhưng nhà bà Thương là gương mặt cho thấy một cơ thể có phần “thiếu máu” kéo dài. Điều này cũng có nghĩa là cơ sở trống “hai o” xem ra nhiều năm nay làm ăn cũng chẳng lấy gì khấm khá. Bà Thương cười buồn, thú nhận: “Chục năm trước thì không đến nỗi chi. Nhưng dạo ni, trống ngoài Bắc vô nhiều quá nên bị ảnh hưởng”. Dẫn tôi vào nhà xem mấy cái trống phần lớn đang làm dở, bà Thương nói tiếp: “Toàn hàng để phục vụ cho các đội lân múa Trung thu năm nay cả đó. Hằng năm, đắt nhất là mùa Trung thu. Còn lại chỉ làm lai rai, sửa chữa mấy cái trống kinh (trống dùng trong chùa), trống đại (trống dùng trong các dịp lễ tế của các nhà thờ họ, trống làng)... nên cũng chỉ đủ cơm cháo qua ngày”.
Nhìn bà Thương còn rất trẻ so với tuổi 58 và vóc dáng ấy, đôi tay ấy rõ ràng không phải là của một người quanh năm ngồi mát. Tuy vậy, cho đến lúc này, tôi vẫn không tin rằng bà là chủ nhân làm ra những chiếc trống đang “nằm ngồi” lăn lóc ở kia. Bà... tự ái, đứng dậy cầm dao, bặm môi cạo mạnh lên lớp da trống cho tôi xem. “Bây chừ già rồi, sức khoẻ không còn được như xưa, nên tui chỉ đảm nhận phần khó nhất là bào da và vuốt đinh (những chiếc đinh tre để đóng vào tang bịt trống), còn lại mọi việc nặng nhọc khác đều do ông chồng và con trai làm. Ngày trẻ, một mình tui và mạ tui làm hết mọi thứ...” - bà vừa nói vừa thở.
Nghề chọn người
Bà Thương là con gái của nghệ nhân Hồ Khách - quê gốc ở làng Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế) - một người làm trống nức tiếng kinh thành thời nhà Nguyễn những năm cuối. “Ba tui học nghề trống từ ông nội tui. Thời ông nội răng, tui không rõ. Chỉ biết hồi đó người trong nghề không ai không biết đến ba tui. Ông làm được tất cả các loại trống từ trống kinh, trống chiến (dùng cho nhã nhạc cung đình), trống đại, trống hội (như trống phục vụ trung thu, đua ghe...).
Trống ba tui làm rất đặc biệt, cái nào cũng bào da mỏng le, gõ lên kêu tang tang, nhưng lại bền chứ không mau hỏng như phần lớn trống bây chừ”.
Bà khoe: Hồi nớ ba tui quanh năm sống trong nội (trong Đại nội). Bởi ngoài nghề bịt trống nổi tiếng, nghệ nhân Hồ Khách còn là nhạc công trong đội nhạc của bà Từ Cung. Ông Hồ Khách có hai vợ. Các con của bà cả đều theo nghiệp nhạc công, chứ không có ai theo nghề làm trống. Mẹ bà Thương là vợ hai, chỉ sinh một cô con gái là bà. Năm 1969, ông mất, nghề làm trống của ông có nguy cơ bị thất truyền. Vì cái nghĩa vợ chồng, mẹ bà quyết giữ lại nghề trống. Từ đó, mẹ bà cặm cụi làm và dạy thêm cho con gái. “Mạ tui làm trống vừa là kế sinh nhai, vừa là để giữ nghề của chồng. Khi đó, tui chỉ là người phụ giúp việc vặt”. Đến năm 25 tuổi, khi chính thức thuần thục công đoạn khó nhất của nghề bịt trống là bào da, bà Thương mới thực sự bước vào nghề làm trống, nối nghiệp cha.
Bà nói “tui không hề chọn nghề, mà nghề chọn tui” bởi “từ ngày còn nhỏ, tui đã thích coi cha làm trống rồi phụ cha. Tui còn nhớ cha hay dặn găm đinh phải găm cho thẳng... đó là bài học đầu tiên của tui về nghề ni” - bà Thương nhớ lại. Tuy nhiên, dạy thì dạy, nhưng nghệ nhân Hồ Khách kiên quyết không cho con gái mình theo nghề. “Tui thắc mắc miết, nhưng ba tui chỉ im lặng, không nói lý do. Ba tui vốn nghiêm khắc, ông mà im lặng là không ai dám hỏi thêm. Sau ni chính thức làm nghề tui mới biết, ba không cho tui theo nghề vì vô cùng nặng nhọc, chỉ phù hợp với đàn ông” - bà Thương nói.
Năm 30 tuổi, bà Thương kết hôn với một người làng bên. Thương vợ vất vả, chồng bà đã bỏ nghề phụ nề, chuyển sang làm trống cùng bà. Từ nhiều năm qua, cảnh cả nhà bà cùng làm trống đã quá quen thuộc với hàng xóm. Con trai bà Thương là Nguyễn Văn Hải, năm nay 28 tuổi, cũng nối nghiệp ông ngoại làm việc trong “nội” với nghề nhạc công của dàn nhã nhạc cung đình thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, vẫn phụ ba mẹ làm trống vào mỗi sáng.
Nguy cơ mai một…
Bà Thương nói, để làm được một cái trống phải qua rất nhiều công đoạn trong đó, khó nhất và cũng là bí quyết để quyết định độ bền, âm thanh của mỗi chiếc trống hay hoặc dở cũng như tay nghề, dấu ấn của từng nghệ nhân, chính là việc chọn và bào da. Với cơ sở trống “hai o”, việc bào da do bà Thương đảm nhận. “Muốn trống có âm thanh hay, thanh thì phải da trâu tươi, sau đó thuộc ngay. Da trâu mà ươn một tí là coi như hỏng” - bà nói.
Về chuyện bào da, theo một vài chủ cơ sở sản xuất trống ở phía bắc mà tôi tiếp xúc trước đó, thì bây giờ, da trống đều được họ bào mỏng bằng máy, chứ không ai đi bào bằng tay thủ công như bà Thương cả. “Sao không làm như họ cho nhanh và khoẻ người?” - tôi thắc mắc. Bà cười: “Cái gì cũng có cái giá của nó. Bào da bằng máy thì trống chỉ có một âm, đánh lên không phân biệt được thế nào là trống kinh, thế nào là trống chiến. Với lại, da trống bào máy rất nhanh hỏng. Nói nôm na, đó là trống mì ăn liền”.
Với bà Thương, trong các loại trống, làm khó nhất là trống chiến trong biên chế dàn nhã nhạc cung đình. Bởi lẽ, người nhạc công cần đến những mặt trống mỏng, phát ra những âm thanh đạt các tiêu chuẩn: Khi đánh vào thân trống sẽ phát ra tiếng c’rắc; đánh vào tang trống phát ra tiếng t’rang tang và phát ra tiếng t’ròn tòn khi đánh vào giữa trống...
Theo nhạc sĩ, NSƯT Trần Đại Dũng - Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế - hiện ở Huế chỉ còn mỗi bà Thương là người làm được trống chiến với các tiêu chuẩn trên. “Sau nhiều lần khảo cứu, chúng tôi đã nhờ bà phục chế một số loại trống dùng trong tế đàn Nam Giao, Xã tắc... Những chiếc trống sau khi được bà phục chế được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao” - ông Dũng nói.
Năm 2008, bà Thương được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mời phục chế trống treo ở Lầu Ngũ Phụng trong Đại nội. Bà tự hào lắm: “Đàn bà mấy ai được mời vô trong nội làm việc như tui? Thêm nữa, ba tui ngày xưa làm trong nội, con tui hiện cũng làm trong nội. Nghe thì nghe rứa, nhưng phải đến gần 60 tuổi, tui mới được biết trong nội là răng”. Ông Dũng nhận định có chút lo lắng: “Bà Hồ Thị Thương dù không thuộc thế hệ những nhạc công sống trong cung đình, nhưng là người được truyền những bí kíp của nghề làm trống từ chính cha mình - một nghệ nhân nổi tiếng có liên quan đến cung đình. Điều chúng tôi lo lắng nhất là nếu sau này bà không thể làm nghề được thì những thế hệ sau có thẩm thấu hết kỹ năng nghề nghiệp bà để lại hay không...”.
Nhưng hình như bà Thương không quan tâm lắm. “Chuyện tương lai ai mà biết được” - bà nói. Hiện, bà Thương có hai người “học trò” là chồng và con trai “nhưng chưa ai thuần thục được bí kíp bào da”. Bà tâm sự: “Thật tình tui cũng muốn con mình nối nghiệp để giữ nghề gia truyền của ông ngoại, ông cố. Nhưng tui cũng tôn trọng quyết định của con. Nếu con thực sự yêu thích và muốn gắn bó với nghề, tui mới vui, chứ gượng ép, không có tâm thì nghề sẽ không bền...”. Theo dantri.com.vn Các tin khác
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới,... |
| |
Trong các ngày từ 7-8/5/2016, Hội nghị Istanbul 2016 với chủ đề “Xem xét lại vấn đề bình đẳng giới và các xã hội hoà bình” đã diễn ra tại Băng Cốc, Thái Lan do Quỹ Nhà báo và Nhà văn... |
|
Theo quy định của pháp luật về bầu cử, thời gian vận động bầu cử của người ứng cử được bắt đầu sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân... |
| |
Đó là ý kiến trao đổi của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với phóng viên Báo Quân đội nhân dân và được Báo Quân đội nhân dân online đăng tải sáng nay... |
|
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh là một trong những đại biểu hiếm hoi đề xuất dự án luật tại Quốc hội khóa XIII và được Chính phủ ủng hộ. Bà đã dành cho PV báo Đời sống & Pháp luật cuộc trao đổi về công... |
| |
Không hiếm nữ doanh nhân ở Thừa Thiên Huế đã thành công trên lĩnh vực kinh doanh, khẳng định được vị thế trong thời kỳ hội nhập. |
|
Tại Việt Nam, một trong những danh sách của Forbes được chú ý nhất là Danh sách phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2016.Người đầu tiên trong danh sách này là bà Nguyễn Thị Kim Ngân - ủy viên Bộ Chính trị, Phó... |
| |
Trở về với cuộc sống đời thường, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Lài vẫn không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực cống hiến xây dựng quê hương. Và ít ai ngờ rằng, nữ biệt động thành xứ Huế từng bị quân giặc chôn sống năm xưa giờ là... |
|
Hình ảnh cô thợ dệt trong ca sản xuất có lẽ đã trở thành hình ảnh biểu trưng quen thuộc. Điều thú vị nhất có lẽ là một khẩu súng trường. Trong những năm chiến tranh, hủy diệt các nhà máy dệt là mục tiêu... |
| | |
Đại đội nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy thành lập ngày 21-11-1967 dưới sự chỉ đạo của Tỉnh đội Quảng Bình. Đại đội lúc mới thành lập có 37 đồng chí, được phiên thành 3 trung đội: 1 trung đội chỉ huy (có một đài... |
| |
Cụ thể hóa chỉ tiêu thi đua phù hợp với từng đối tượng, sát thực tế, hướng vào thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức hội và của địa phương... là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền thực... |
|
|