Văn hóa gia đình ở Huế luôn lấy những giá trị chuẩn mực về lễ giáo làm gốc.
Văn hóa gia đình ở Huế luôn lấy những giá trị chuẩn mực về lễ giáo, hiếu học, tinh thần tự tôn… làm cái gốc để hình thành và phát triển. Ngày trước, ở Huế tồn tại nhiều gia đình “tứ đại đồng đường” với ba, bốn thế hệ sống sum vầy dưới một mái nhà, mỗi gia đình đều có gia pháp riêng để giáo dục con cháu hòa thuận, có trách nhiệm. Người đàn ông sẽ đảm đương công việc xã hội và trao hẳn vai trò “tề gia” cho người phụ nữ. Thế nên, vai trò của người mẹ trong việc giáo dục các con mang những nét khác biệt. Người phụ nữ là tấm gương của “tứ đức”, đảm đang, lo việc nội trợ, “làm con một nhà - làm dâu cả họ”. Người mẹ là người thầy của con trẻ trong những bài học đạo đức, luân lý và nữ công gia chánh. Công lao của những người phụ nữ xứ Huế lần đầu tiên được dòng họ Lương tại làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) tổ chức lễ tôn vinh. Cả dòng họ Lương từ nam, chí bắc về dự, chứng kiến việc ghi công, đền ơn các nàng dâu hiếu thảo; cũng là dịp giáo dục các thế hệ con cháu trong làng gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Trong số 166 người phụ nữ được tôn vinh làm rạng danh dòng họ, người ít nhất đã làm dâu 30 năm và cao nhất là 75 năm; trong đó có 65 cụ bà trên 80 tuổi. Các bà, các mẹ được giao trọng trách khi tuổi còn rất trẻ, vun đắp, gìn giữ mái ấm gia đình và có trách nhiệm bảo vệ nền nếp gia phong của dòng họ, của vùng đất văn hóa Huế. Bà Hầu Thị Thiếp, đã ngoài 90 tuổi, nổi tiếng là người phụ nữ đảm đang, tháo vát ở làng Mỹ Lợi khi tảo tần, nuôi tằm, dệt lụa, phụng dưỡng bố mẹ chồng để chồng yên tâm tham gia cách mạng. Chồng bà là liệt sĩ Lương Trường, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp (1954) khi con trai thứ mới ba ngày tuổi. Ngoài 20 tuổi, người phụ nữ ấy ở vậy thờ chồng, nuôi con. Khi con khôn lớn, một tay bà dựng vợ, gả chồng. Bà đã giữ nếp nhà bằng cách “lạt mềm buộc chặt” để các thành viên trong gia đình lúc nào cũng kính trên, nhường dưới. Người con dâu của bà là chị Trần Thị Bê xúc động kể: “Tôi về làm dâu mạ trên 30 năm nay, chưa bao giờ có chuyện bất hòa giữa mẹ chồng, nàng dâu. Vợ chồng tôi vất vả ngược xuôi, một tay mạ quán xuyến nhà cửa, chăm sóc các cháu. Các con tôi đã thấm nhuần tính cách, sinh hoạt, ăn nói, đứng ngồi, giờ giấc của từng bữa ăn, cách sắp đặt bàn thờ tươm tất trong những ngày lễ, Tết của bà nội. Bà đã rèn các cháu gái chữ “nhẫn” khi dạy cháu học gia chánh, học thêu thùa, may vá để sau này giữ được nếp nhà”. Tôi đọc được niềm hạnh phúc, biết ơn đong đầy trong mắt chị Bê khi mẹ chồng mãi là chỗ dựa tinh thần vững chắc để các con, cháu nên người, thành đạt. Không phụ công dưỡng dục, chăm sóc của bà và mẹ, năm người con của chị Bê đều học Ðại học Bách khoa Ðà Nẵng, trong đó có ba người đã tốt nghiệp bằng giỏi, có công ăn việc làm ổn định.
Ở xứ sở con cháu được khuyến khích học hành đỗ đạt để ra làm quan như Huế thì các giá trị tinh thần của giới quý tộc lan truyền cả vào trong các nếp nhà bình dân là điều dễ hiểu. Thế nên, nhiều gia đình thuần nông vẫn khát vọng để rồi bằng mọi cách nuôi dạy con cái thành đạt, đem vinh quang về cho gia đình, dòng họ. Ở làng Mỹ Lợi đã sớm xây dựng phong trào hiếu học để khơi dậy những tiềm năng vốn có trong mỗi gia đình, đem lại cho xã hội biết bao tài năng, trí thức và những công dân có ích. Tính riêng ở cái làng chủ yếu thuần nông, đánh bắt cá sống qua ngày nhưng đã có bốn tiến sĩ, sáu thạc sĩ và gần cả trăm cử nhân. Bà Ðoàn Thị Nữ, một trong những nàng dâu trẻ được làng vinh danh khi chồng mất sớm, một mình phụng dưỡng mẹ chồng, cật lực làm hoa màu, tảo tần để nuôi con ăn học. Giờ đây, con trai cả của bà đã bảo vệ luận án tiến sĩ, làm việc tại Pháp, con út đang học đại học. Bà Nữ tâm sự: “Bằng ghi công những nàng dâu hiếu thuận chính là sự quan tâm, khích lệ, động viên của dòng họ. Chị em chúng tôi càng cố gắng nhiều hơn trong việc nuôi dưỡng, giáo dục con cháu phải giữ gìn phẩm hạnh để không hổ thẹn với ông bà, tổ tiên”.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Minh Tuân cho rằng: “Ðây là lần đầu ở tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức tôn vinh những người làm dâu, việc làm đó nhắc nhở, giáo dục con cháu giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Nét đẹp truyền thống hiếu thuận với ông bà, cha mẹ mà những người phụ nữ xưa tạo dựng, được các thế hệ con cháu trong họ hôm nay ra sức giữ gìn, phát huy. Những giá trị văn hóa ở ngôi làng cổ Mỹ Lợi vẫn được bảo tồn bên những ngôi nhà hiện đại cao tầng của con cháu. Nó như một vật chứng giáo dục về gìn giữ nếp gia phong, lễ giáo và truyền thống tốt đẹp của gia đình”.
Gia đình dòng họ Lương họp mặt tại nhà thờ họ.