Dịp này, bà Hồ Hương Nam được đón nhận là công dân ưu tú của Thủ đô. Từ năm 1993 đến nay, bà giáo Hồ Hương Nam luôn tận tụy với công việc vận động, xin trường xin lớp và gắn bó với những cô cậu học trò vô cùng đặc biệt bằng tình yêu thương vô bờ
Bà Hồ Hương Nam là người con gái gốc Huế, năm 1954 sau khi tốt nghiệp trường Đồng Khánh bà ra Quảng Bình dạy học rồi đến năm 1955 bà theo chồng tập kết ra Bắc sinh sống. Sau khi tập kết ra Hà Nội, bà Nam đã đứng trên bục giảng của nhiều trường, đến năm 1979 bà chính thức dạy cho trường tiểu học Hoàng Hoa Thám sau đó nghỉ hưu
Sau khi nghỉ hưu, đến đầu những thập kỷ 90 bà thấy thương vô cùng những đứa trẻ bị khuyết tật, thiểu năng trí tuệ hoặc khiếm khuyết 1 phần nào đó trên cơ thể khi không được học chữ. Bà đã lên kế hoạch để thuyết phục các gia đình cho con em mình tham gia lớp học đặc biệt do chính bà lập nên.
Thời gian đầu, việc này quả là vô cùng khó khăn và bà luôn nhận được cái lắc đầu, thậm chí người khác còn cho bà là người “khùng điên”. Nói về điều này, bà kể: “Nhiều gia đình họ đuổi tôi về và nói: dạy trẻ bình thường còn khó chứ huống hồ dạy trẻ khuyết tật. Ấy nhưng tôi không chịu mà vẫn thuyết phục họ bằng được".
Một số gia đình thấy bà giáo tâm huyết và cũng quyết định giao con để bà… dạy thử. “Có lần một gia đình giao con cho tôi dạy một thời gian khi cháu về nhà bỗng nhiên nhận được chữ O là quả trứng gà cha mẹ chúng đang cầm. Bố mẹ đứa bé đó quá bất ngờ vì chẳng bao giờ nghĩ rằng con mình lại có một ngày nhận biết được”.
Để đạt được thành quả bước đầu ấy, bà Nam thường cặm cụi hướng dẫn, nắn nót cho từng đứa trẻ, từng nét chữ và kiên trì với công việc suốt 20 năm qua.
Do bị dị tật bẩm sinh nên em Hưng lên 10 tuổi nhưng mới chỉ nắn nót tô lại từng nét chữ. Với bố mẹ Hưng, đó đã là thành quả lớn lao. Họ vô cùng xúc động bởi chẳng họ chẳng bao giờ con mình lại có thể gọi được tên cha mẹ, viết được chữ.
Không chỉ rèn các cô cậu học trò đặc biệt viết chữ, bà Nam còn dạy các em cách phát âm, khả năng đọc nói, khuyến khích các em chào hỏi.
Do học sinh khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ, nên ở lớp học đặc biệt thường xuyên xảy ra "sự cố" như bỗng dưng các em hét ầm lên hay có trò đang học thì lăn ra ngủ hoặc chạy lung tung, hiếu động; thậm chí có học sinh nam 30 tuổi rồi mà còn đi vệ sinh ngay trong lớp... khiến bà giáo nhiều lần mệt nhoài người dọn dẹp.
Bao nhiêu năm dạy học miễn phí cho những đứa trẻ kém may mắn, chưa bao giờ bà giáo Hương Nam lấy tiền công. Không chỉ thế, bà còn dành dụm tiền lương để mua bút vở, đồ dùng học tập cho những đứa con thân yêu của mình.
Và cả bánh trái mỗi buổi chiều hàng ngày.
Vì lớp học được bố trí chung với trường Tiểu học An Dương nên tất cả các hoạt động của nhà trường, học sinh đều được tham gia. Chính điều này đã xóa đi mặc cảm, cách biệt đối với những học sinh bình thường khác. Điều quan trọng hơn cả đó là các em được hòa nhập với cộng đồng, được vui chơi… từ đó các em có cơ hội nhận thức về xã hội, giao tiếp tốt hơn. Đó cũng là tâm nguyện của bà giáo 82 tuổi dành cho những đứa trẻ kém may mắn.