Thời kỳ Pháp thuộc, tờ Nữ Giới Chung ra đời như là một hiện tượng, biến cố quan trọng. Lần đầu tiên ở Việt Nam có tờ báo chú trọng hướng tới những vấn đề của phụ nữ. Số đầu tiên ra ngày 01/02/1918 tại Sài Gòn, tờ Nữ Giới Chung do bà Sương Nguyệt Anh (con gái nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu) làm chủ bút. Tờ tuần báo này có chủ trương là nâng cao luân lý, giúp phụ nữ biết cách sống hằng ngày, tạo ra sự tiếp xúc giữa con người và con người.
Trong bối cảnh nhiều tờ báo khác vẫn bảo vệ tư tưởng Nho giáo, trọng nam quyền, tờ Nữ Giới Chung “khơi mào” cho sự ra đời nhiều tờ báo dành cho phụ nữ trong suốt giai đoạn sau.
Lên án hủ tục
Trong những năm 1918 – 1930, số tờ báo dành cho phụ nữ nhiều hơn, với sự xuất hiện của các tờ Nam Nữ Giới Chung, Tuần báo Phụ Nữ Tân Văn, Phụ Nữ Thời Đàm…Đáng lưu ý nhất, Tuần báo Phụ Nữ Tân Văn xuất hiện năm 1929 tại Sài Gòn, là tờ báo tư nhân, do những nhà báo như Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ thay nhau làm chủ bút. Nhà báo Phan Khôi là người viết cộng tác chính với tờ báo này và được coi là linh hồn của Phụ Nữ tân Văn.
Ngay từ số đầu, ông Phan Khôi tổ chức cuộc tham vấn ý kiến của các danh nhân trong nước như Phan Bội Châu, Phan Văn Tường, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Khắc Hiếu…về vấn đề phụ nữ. Tờ báo đặt vấn đề: Nếu không trang bị cho phụ nữ những hiểu biết đời sống, các kỹ năng sống nhất định thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển gia đình, xã hội.
Chính ông Phan Khôi cũng viết những loạt bài lên án những lệ tục cổ hủ bất nhân: Những phụ nữ đã có gia đình nhưng cuộc hôn nhân thất bại, (chồng chết, chồng bỏ…) theo tập quán bị khống chế bởi tư tưởng Tống Nho giáo, cấm họ tái giá.
Tờ Phụ Nữ Tân Văn đặt ra vấn đề cấp bách phải nâng cao trình độ văn minh của phụ nữ, đặc biệt là trong sinh hoạt, đời sống. Báo có các chuyên mục hướng tới phụ nữ như nữ công, gia chánh, nuôi dạy trẻ…
Làm rõ vai trò của phụ nữ
Ở mức nhất định, tờ Phụ Nữ Tân Văn cũng thường cổ vũ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, không chỉ khuôn lại trong phạm vi gia đình. Xu hướng này đã có ảnh hưởng lớn trong xã hội đương thời. Tờ Phụ Nữ Tân Văn chủ trương vận động viết chữ Quốc ngữ cho đúng khi có sự khác biệt trong cách viết ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Ông Phan Khôi đặt vấn đề: Phụ nữ cần biết viết đúng chữ Quốc ngữ để sửa cho chồng, con. Quan niệm xuyên suốt của ông là người phụ nữ gắn mật thiết với gia đình và xã hội, nếu không nâng trình độ của người phụ nữ thì gia đình, con cái, thế hệ sau không thể phát triển tốt. Đây là tư tưởng rất tiến bộ, không những đưa vai trò của phụ nữ lên ngang bằng với nam giới, mà còn làm rõ vai trò đặc biệt quan trọng của phụ nữ đối với việc hình thành thế hệ kế tiếp.
Cần sự tranh đấu bền bỉ
Còn ở Bắc Kỳ, cuối 1930 xuất hiện tờ Phụ Nữ Thời Đàm, báo tư nhân của ông bà Nguyễn Văn Đa, chủ bút là cử nhân nho học Ngô Thúc Địch. Thời kỳ đầu, tờ này theo xu hướng bảo thủ, chống lại các hiện tượng phụ nữ tân thời. Đến năm 1933, nhân ông Phan Khôi ra Bắc, chủ báo bèn mời ông làm chủ bút tờ này và Phan Khôi đã chuyển hướng tờ báo sang cổ vũ xu hướng cải cách, ủng hộ phụ nữ tân thời, thậm chí ủng hộ phụ nữ tham gia khiêu vũ.
Nền báo chí Quốc ngữ bắt đầu xuất hiện các tờ báo chuyên về phụ nữ từ năm 1918 nhưng nhìn chung, thời kỳ đầu, hầu hết đều là những tờ báo về phụ nữ nhưng do các cây bút nam giới viết; số lượng cây bút nữ thời kỳ này rất ít. Chỉ có một vài tên tuổi nổi lên như Sương Nguyệt Ánh, Thụy An, Nguyễn Thị Kiêm, Phan Thị Nga (vợ Hoài Thanh), tuy vậy số lượng ít này cũng đã góp phần tạo ra tiếng nói riêngcủa phụ nữ trong nhiều vấn đề về giới và xã hội lúc đó.
Có thể nói đây là giai đoạn của sự thức tỉnh về giới của xã hội người Việt. Các tờ báo dành cho phụ nữ đã nhận ra sự bất công về giới trong xã hội và nêu ra nhu cầu về những cải biến, thúc đẩy nếp sống văn minh của xã hội. Ngày nay, báo chí vượt qua thời bất bình đẳng khi xưa. Tuy nhiên, trong chiều sâu của xã hội, những vấn đề về giới, sự bất công vẫn còn rơi rớt ít nhiều từ tư tưởng cũ, cần một sự tranh đấu bền bỉ hằng ngày.