1. Nguyễn Thị Minh Khai (1910 -1941): Nữ đảng viên sớm nhất Đảng Cộng sản Việt Nam
Bà là một trong những nữ đảng viên sớm nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyễn Thị Minh Khai là một chiến sỹ cộng sản kiên trung, tích cực tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Nam trong thời kỳ 1936 -1939. Năm 1940, dù bị thực dân Pháp bắt giữ nhưng bà vẫn bí mật liên lạc với bên ngoài tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ với tư cách là Bí thư Thành ủy Sài Gòn- Chợ Lớn, ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ. Những ngày tháng trong tù bị tra tấn dã man, Nguyễn Thị Minh Khai đã tự lấy máu mình viết lên cánh cửa nhà giam những vần thơ đầy khí phách: Dù đánh, dù treo, càng cương quyết
Dù kềm, dù kẹp, chẳng sai lời.
Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ
Triệt để thực hành chết mới thôi .
2. Nguyễn Thị Định (1920 -1992): Nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh ngợi ca: “Phó tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta.”
Nguyễn Thị Định là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Mỏ Cày, Bến Tre ( 17/1/1960), mở đầu cho phong trào Đồng Khởi. Tên tuổi của bà gắn liền với Đội quân tóc dài và phong trào đấu tranh của phụ nữ ở miền Nam. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
3. Nguyễn Thị Bình (1927): Nhà ngoại giao tài ba, lịch lãm
Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Châu Sa hay Nguyễn Thị Châu Sa. Bà nổi tiếng với phong cách ngoại giao duyên dáng, lịch lãm. Chính vì thế mà giới truyền thông nước ngoài gọi bà là Madame Bình. Bà có đóng góp rất lớn trong các cuộc đàm phán suốt từ 1968 -1972 để đi tới việc ký kết Hiệp định Pari. Sau khi hòa bình lập lại, bà liên tục đảm nhận những vị trí cốt cán trong chính phủ. Năm 1992, tại kỳ họp Quốc hội khóa IX, bà được bầu làm Phó chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và giữ chức vụ này liên tục trong 10 năm (1992-2002). Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ Phó chủ tịch nước.
4. Nguyễn Thị Chiên: Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên
Trong kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến năm 1952, Nguyễn Thị Chiên tham gia xây dựng cơ sở kháng chiến ở 5 thôn; xây dựng và chỉ huy Đội du kích xã Tán Thuật (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đánh địch chống càn, phá giao thông đường 39, phá tề, diệt và bắt nhiều địch. Tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (1/5/1952), Nguyễn Thị Chiên được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
5. Võ Thị Thắng (1945): Nụ cười chiến thắng
Võ Thị Thắng tham gia công tác giao liên từ khi 9 tuổi. Năm 17 tuổi, chị hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn – Gia Định. Ngày 27/7/1968, chị bị bắt giữ. Nụ cười và câu nói nổi tiếng của chị: “Liệu chính quyền các ông còn tồn tại bao lâu mà kết án tôi 20 năm khổ sai” trước bản án ngày 2/8/1968, đã trở thành biểu tượng cho khí phách anh hùng của phụ nữ Việt Nam.
6. 10 cô gái ngã ba đồng lộc: Huyền thoại của lực lượng Thanh niên Xung phong
“...ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm giặc Mỹ thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển được trái tim của chúng con...”. Đây là những dòng thư của tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi cho mẹ, trước lúc hi sinh. Mười cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ san lấp hố bom tại Ngã ba Đồng Lộc, đảm bảo giao thông, dẫn đường cho xe vào chiến trường. Ngày 24/7/1968, trong loạt bom thứ 18 của Mỹ, một quả bom rơi xuống sát miệng hầm nơi 10 cô gái đang tránh bom. Họ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình. Ngã ba Đồng Lộc trở thành biểu tượng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, ý chí quật cường của tuổi trẻ.
7. Nguyễn Thị Thứ ( 1904 -2010): Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu
Đây là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Mẹ Thứ và hàng triệu người mẹ Việt Nam Anh hùng khác phải chịu nhiều đau thương, mất mát, tiễn đưa những người con ưu tú của mình xông pha nơi chiến trường vì độc lập, tự do của tổ quốc. Mẹ Thứ trở thành tượng đài bất khuất của người Mẹ Việt Nam.