Trước những tác động của BLGĐ, nhân viên công tác xã hội (CTXH) có vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ xã hội, tư vấn pháp luật, trị liệu tâm lý, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mỗi người dân.
Mặc dù nước ta đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp luật để phòng ngừa, loại trừ BLGĐ, như Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật Phòng, chống BLGĐ (năm 2007), Luật Phòng, chống mua bán người... và các chỉ thị, nghị định, thông tư, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật trên, đây được xem như một công cụ bảo vệ quyền lợi chính đáng, tôn trọng quyền sống, nhân phẩm, danh dự cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Đại diện điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Việt Nam cũng đã cam kết, các tổ chức của LHQ sẽ sát cánh cùng với Chính phủ Việt Nam, các ban, ngành CTXH thực hiện phòng chống BLGĐ và bình đẳng giới. Tuy nhiên, BLGĐ vẫn gia tăng.
Một nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình được tiến hành trên phạm vi cả nước, với sự tham gia của gần 5.000 phụ nữ ở độ tuổi 18 - 60, cho thấy 58% số phụ nữ Việt Nam đã từng là nạn nhân. Cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình được hỏi thì 1 người đã từng bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục. Độ tuổi bị bạo hành chiếm tỷ lệ cao nhất là từ 18 - 24 tuổi. Các chuyên gia báo động tình trạng bạo lực gia đình hiện nay diễn ra tại các vùng đều ở mức cao. Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ là trên 42%, ở Tây Nguyên gần 40%, còn tỷ lệ này ở Đồng bằng sông Hồng là 37%... Ngay cả phụ nữ đang mang thai cũng có tới 5% từng bị bạo lực thể xác, 10% phụ nữ từng kết hôn cho biết họ đã từng bị bạo lực tình dục do chính chồng mình gây ra và ở nông thôn, tỷ lệ này là 10,1%, cao hơn so với thành thị là 9,5%... Bạo lực gia đình gây tổn thương về thể xác và tâm lý của nạn nhân, tốn kém chi phí khám, điều trị thương tật, làm ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc gia đình…
Trước tình trạng này, nhân viên CTXH sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần thông qua các đối tác cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp. Họ sẽ kết nối những cơ sở y tế miễn phí để các nạn nhân bị bạo lực được khám và điều trị bệnh, tiếp cận các trung tâm giám định y tế để giám định về tỷ lệ thương tật, tiếp cận các văn phòng trợ giúp pháp lý, luật sư và cơ quan tư pháp, lập kế hoạch trợ giúp cho nạn nhân và điều phối các dịch vụ hỗ trợ dựa trên nguyên tắc ưu tiên và đáp ứng nhu cầu của nạn nhân nhằm đảm bảo quyền lợi. Những trường hợp có vấn đề về tâm lý quá lớn, nhân viên CTXH không đủ khả năng giải quyết, họ sẽ hỗ trợ các nạn nhân được kết nối đến các cơ quan và tổ chức có khả năng, đủ thẩm quyền. Song song với các hoạt động hỗ trợ, nhân viên CTXH cũng sẽ góp phần trang bị các kỹ năng tìm kiếm thông tin việc làm, tiếp cận với nhà tuyển dụng, phối hợp với các cơ quan đơn vị giới thiệu việc làm, tổ chức nhân đạo từ thiện để tạo việc làm cho nạn nhân.
Một trong những vấn đề rất khó khăn và nhiều thách thức đối với các nạn nhân đó là vấn đề tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, nhân viên CTXH sẽ tiến hành lập kế hoạch tái hòa nhập, hướng dẫn kỹ năng sống và tích cực phối hợp hỗ trợ các nạn nhân tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí để sớm tái hòa nhập với cuộc sống.
Hiện nay, ngành CTXH và các ban, ngành có liên quan cũng đã tích cực phối hợp, hỗ trợ cấp cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và xây dựng các mô hình hoạt động phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả tại các địa phương như: thành lập các Trung tâm tư vấn, nhân rộng và duy trì mô hình các CLB gia đình hạnh phúc, CLB tuyên truyền Luật phòng chống BLGĐ, Bình đẳng giới; CLB trợ giúp pháp lý, gia đình phát triển bền vững, tổ hòa giải; CLB làm chồng, làm cha hoặc tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, hội thi... Qua các mô hình này cùng với sự hỗ trợ của nhân viên CTXH góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống BLGĐ, từ đó cộng đồng, xã hội có những hành động cấp bách và lâu dài để ngăn ngừa và đối phó với vấn đề BLGĐ./.