Mẹ nào mất con mà không đau?
Đến thăm mẹ Đinh Thị Hạnh ở thôn Thanh Lam (xã Phú Đa, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), có một người con duy nhất là liệt sĩ Phan Thanh Giai, mẹ cũng là một thương binh nặng. Năm nay, mẹ đã 86 tuổi, lưng còng, mắt mờ và đã hỏng mắt trái nhưng mẹ vẫn còn nói rất rõ. Trời hè nóng nực, nhà mẹ còn chật, mà người thăm hỏi thì đông. Tôi tìm cách bám theo hỏi chuyện về mẹ. Ngồi nói chuyện, trong đôi mắt già nua, ẩn đục, tôi như thấy bão giông, mây mù năm tháng vẫn còn ẩn hiện trong mẹ. Cả một thời vinh quang, nhọc nhằn mà kiêu hãnh trong đau thương như bùng dậy trong khoảnh khắc. Chiến tranh qua đi, Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cho mẹ, còn tôi, tôi muốn gọi giản đơn hơn là Mẹ Việt Nam với đầy đủ ý nghĩa nhất về một người mẹ.
Kỷ vật còn lại của mẹ Đinh Thị Hạnh là chiếc nón Bộ đội của người con đã hy sinh
Mẹ Hạnh kể nhiều về gia đình, nhưng đặc biệt là về người con trai duy nhất của mẹ đòi bằng được để đi bộ đội, rồi hy sinh. Gia đình mẹ là cơ sở nuôi giấu bộ đội, cán bộ cách mạng. Cuộc đời của mẹ là một chuỗi những ngày hoạt động không mệt mỏi, tất cả vì Cách mạng, vì Tổ quốc. Hơn 30 tuổi, cô gái Đinh Thị Hạnh bịn rịn chia tay chồng để ông lên đường tập kết. Còn đứa con duy nhất Phan Thanh Giai 14 tuổi xin mẹ tham gia vào bộ đội, đi làm cách mạng. Mẹ rưng rưng hồi tưởng: “Tui biểu nó hãy học hết tú tài rồi đi, nhưng nó nói, ở nhà bị bắt đi lính thì sao mạ? Nên thôi, tui để nó đi... Đến năm 1969 thì Giai hy sinh”.
Còn với Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Beo (82 tuổi, thôn Viễn Trình, xã Phú Đa, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) lại có một số phận tương tự. Mẹ kể: “Mẹ có 3 con hy sinh, là Liệu, Thế và Viết. Mẹ hỏi con, có đứa mô mà không mang nặng đẻ đau? Vậy mà từ năm 1966, 1967 đến năm 1973, cả 3 đứa cứ lần lượt nằm xuống. Thế - là đứa con mà mất nó, mẹ đau như dao cứa. Thế hy sinh khi đang làm giao liên ở xã, quân ngụy kéo xác về, chúng phơi xác Thế ở ngoài cồn cát mà mẹ không thể nào ra nhận...”. Trong tiếng nấc nghẹn mà nước mắt không còn ứa được của mẹ Beo, tôi biết trong suốt phần đời còn lại, nỗi đau mất mát kia sẽ còn mãi trong trái tim già của mẹ. Bởi như lời mẹ nói, nhiều lúc bần thần đến cồn cào gan ruột cứ tưởng như con nó mới hy sinh hôm qua, tim mẹ như bị ai vò xé...”.
Ở xã Hồng Kim (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) có mẹ Kả Khin khi được nghe mẹ kể về 3 đứa con của mẹ hy sinh là Căn piar, Cu Đa và Căn Tệp đều cùng hy sinh năm 1967 tại hang động Căttưng bên kia đồi A Bia (đồi Thịt Băm) trong một trận đánh ác liệt. “Mấy đứa con mẹ chết trẻ lắm, mất các con mẹ như bị muối xát trong gan ruột. Đó là chiến tranh, cả cái xã Hồng Kim này, cả cái đất nước mình đánh giặc chứ riêng gì mấy con mẹ đâu! Cả đất nước này, mẹ nào mất con mà lại không đau, nhưng nếu làm lại từ đầu thì cũng như rứa thôi” - Mẹ Kả Khin nói.
Sẽ đừng bao giờ được lãng quên!
Những câu chuyện quá khứ và hiện tại về mỗi Mẹ Việt Nam Anh hùng với những cảm xúc mãnh liệt về sự phi thường nhưng lại rất đỗi bình thường, giản dị. Trong những câu chuyện về các mẹ, thời khắc của những năm tháng đau thương mất mát bởi chiến tranh vẫn hiện diện trong mắt các mẹ nhưng không hề vì bi lụy mà vì yêu thương. Như một quy luật, yêu thương nhiều bao nhiêu thì người ta lại sống tốt hơn bấy nhiêu. Dù khốc liệt đến đâu, tất cả các mẹ đã đủ sức mạnh để vượt qua đau thương, miệt mài đóng góp cho cuộc sống sau chiến tranh, giải phóng dân tộc. Nhưng chiến tranh, gian khổ và sự hy sinh đã tôi luyện những người dân bình thường trở thành những anh hùng và người anh hùng đã trở lại với đời thường. Đó là lẽ thường tình của cuộc sống, nhưng những thế hệ đến sau - sẽ đừng bao giờ được lãng quên về họ.
Thừa Thiên Huế truy tặng danh hiệu các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng
Một nhà báo phương Tây từng nhận định: “Nếu chỉ chiến đấu bằng lòng căm thù, có thể người Việt Nam vẫn chiến thắng trong cuộc chiến trường kỳ của họ. Nhưng để làm nên sức mạnh Việt Nam, làm nên nhân cách Việt Nam, họ đã chiến đấu với cả tấm lòng yêu thương, nhân từ, bằng niềm kiêu hãnh của một nền văn hóa có chiều dày 4.000 năm văn hiến. Chính nhờ vậy mà tâm hồn của họ không bị thương tật, không bị chiến tranh tàn phá. Đó là điều kỳ diệu mà đối phương của họ không có”. Những điều kỳ diệu ấy, đôi lúc chỉ trong một cái chớp mắt của mẹ, những đôi mắt không còn nước mắt để khóc những đứa con đã đi xa...
Cho đến nay, vẫn chưa thể thống kê chính xác lượng bom đạn mà Mỹ đã đổ xuống Việt Nam trong chiến tranh. Mới đây, nhân loại yêu chuộng hòa bình vẫn còn phải giật mình khi biết sự thật về số lượng chất độc màu da cam/điôxin mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Hàng vạn, hàng vạn người con của quê hương đã ngã xuống để độc lập dân tộc, để Tổ quốc thống nhất. Có gì đo đếm đáng để so sánh với những nỗi đau xé lòng ấy của các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Chiến tranh đã đi qua, nhưng lương tri con người vẫn chưa trả lời xong câu hỏi gai góc này.
Thế mà vượt qua mất mát, với lòng độ lượng bao dung đã thành bản chất, ta tự giải thoát cho mình không vướng vào cảnh tích tụ hận thù. Nhiều người lính từng tham chiến và gây đau thương ở Việt Nam đã tìm được sự cứu rỗi cho tâm hồn khi trở lại chiến trường xưa, và rồi họ còn được nhận nhiều lời chào, những nụ cười của trẻ thơ Việt Nam. Viết về mẹ. Tự nghĩ: Bà mẹ nào trên trái đất này cũng thương con, vun đắp cho gia đình, cũng nhân từ, nhưng liệu nơi nào lại sinh ra được nhiều người mẹ kỳ diệu như ở nước ta.