Luận án tiến sĩ của Kê Sửu góp phần quan trọng vào việc bảo tồn những giá trị văn hóa dân gian của người Tà Ôi sống ở vùng cao Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.
Chị Kê Sửu tại buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ
“Cởi trói” những hủ tục nghiệt ngã
Ở huyện vùng cao A Lưới, cách đây gần 30 năm, khi kinh tế còn khó khăn, việc đến trường của trẻ là điều khó khăn. Chính vì vậy, không có gì lạ khi đến năm 9 tuổi, Kê Sửu mới được vào lớp một. Được học cái chữ, Kê Sửu mới hiểu ra nhiều điều hay. Cũng nhờ cái chữ mà Kê Sửu biết, những hủ tục của người Tà Ôi đang gây ra bao nhiêu sự nghiệt ngã, đau khổ cho phụ nữ...
Kê Sửu lớn lên trong điệu hò, câu hát dân ca của người Tà Ôi, cùng với ký ức đau buồn về nỗi bất hạnh mẹ chị phải gánh chịu bởi những hủ tục. Mẹ Kê Doaip của chị lấy chồng từ năm 10 tuổi và mang thai ở tuổi 13. Bà mẹ trẻ chịu những đau khổ bởi hủ tục lạc hậu từ người chồng, lầm lũi làm việc như một nô lệ. Năm 16 tuổi, chồng của Kê Doaip mất vì bệnh nặng, nhà chồng bắt lấy người khác. Kê Doaip bỏ trốn. Số phận đã mỉm cười với mẹ khi bộ đội Cụ Hồ đến giải phóng A Lưới. Rồi Kê Sửu ra đời, là kết quả tình yêu của một anh bộ đội với mẹ Kê Doaip.
“Cuộc đời buồn khổ của mẹ đã luôn ám ảnh suốt cả tuổi thơ tôi. Và tôi nhận ra chỉ có tri thức mới thay đổi tập tục lạc hậu, mới giải phóng người phụ nữ Tà Ôi thoát cảnh khổ”, Kê Sửu tâm sự. Tốt nghiệp trung học phổ thông, bạn bè không còn ai theo con chữ, chỉ mình Kê Sửu xuống thành phố Huế dự thi đại học. Thế rồi, chị thi đậu vào Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế. Miệt mài ngày đêm, kết quả học tập của Kê Sửu khiến bạn bè ngỡ ngàng. Rồi cô gái Tà Ôi này chính thức được kết nạp Đảng khi đang là sinh viên năm thứ tư. Tốt nghiệp, Kê Sửu được nhận vào giảng dạy tại trường Dân tộc nội trú A Lưới. Và hiện nay, Kê Sửu đã là Trưởng ban Dân tộc tỉnh,
Người giữ “lửa” cho văn hóa dân gian dân tộc Tà Ôi
Được sống trong không gian văn hóa người Tà Ôi, Kê Sửu khám phá một thế giới kỳ diệu đầy sắc màu và thanh âm của các lễ hội đâm trâu, mừng cơm mới cùng câu hát sim ngọt ngào của các đôi trai gái khi giao duyên... Những ghi chép và lưu truyền giá trị văn hóa dân gian của người Tà Ôi đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Chính vì vậy, Kê Sửu đã chọn đề tài nghiên cứu liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa dân gian dân tộc Tà Ôi.
Sưu tập và lưu giữ về văn hóa dân gian người Tà Ôi là công việc cấp thiết của Tiến sĩ Kê Sửu
Trong những lần đi công tác, được nghe già làng Koonh Hiêm, xã A Roàng, huyện A Lưới ngồi đọc những câu tục ngữ, dân ca, kể câu chuyện cổ, sử thi, Kê Sửu tự hiểu rằng, nếu Già Hiêm mất thì những vốn quý này cũng sẽ không còn nữa. Vậy là ngoài thời gian giảng dạy, chị lặn lội khắp các buôn làng từ A Tia, A Năm, A Sáp, Talo, A Hooq... (A Lưới), sang đến tận Đăkrông, Hướng Hóa (Quảng Trị) nghe già làng kể chuyện, tập hợp những câu dân ca, truyện cổ tích, truyền thuyết, sử thi của người dân tộc Tà Ôi. Già làng Koonh Hiêm được xem là người đang gìn giữ được những truyện cổ, những điệu sim, sử thi... của người Tà Ôi. Nỗi lo sợ không người “nối dõi” của già nay đã không còn. Già vui mừng nói: “Thế là không sợ mất điệu hát, câu ca dân tộc mình nữa. Kê Sửu đã thuộc, đã làm được điều già muốn rồi. Già thấy ưng cái bụng lắm”.
Tiến sĩ Kê Sửu, tên khai sinh là Nguyễn Thị Sửu, sinh năm 1973, ở xã A Ngo, huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến nay, chị đã sưu tầm trên 1.000 câu ca dao, tục ngữ và hơn 200 câu chuyện cổ dân tộc Tà Ôi, xuất bản sách Góp phần tìm hiểu văn hóa dân gian dân tộc Tà Ôi ở A Lưới, Thừa Thiên Huế (đồng tác giả Trần Hoàng), tập Truyện cổ tích Tà Ôi và Sử thi A Chất.
|