Đây là triển lãm ảnh về người phụ nữ dân tộc tộc Tà Ôi, Pa Cô, Ka Tuh những hình ảnh, những câu chuyện, lần đầu tiên được thực hiện bởi chính những người phụ nữ A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Triển lãm bao gồm 124 bức ảnh được sắp xếp theo năm chủ đề chính: Phụ nữ và Lao động; Phụ nữ, Nam giới và Cộng đồng; Phụ nữ và Trẻ em; Phụ nữ và Truyền thống; Phụ nữ và các vấn đề về giới.
Mỗi bức ảnh chính là một lời kể, một câu chuyện của các chị - những “nhiếp ảnh gia”, ngày ngày chỉ quen với nương rẫy, chăn nuôi, bếp củi ở nơi mây, núi, gió ngàn.
Đến với triển lãm, người xem có cơ hội được chia sẻ, giao lưu với chính các chị phụ nữ A Lưới – những người trực tiếp thực hiện hoạt động này. Đồng thời, người xem cũng có cơ hội được khám phá không gian sống của họ được tái hiện thông qua một số sản phẩm truyền thống đặc biệt chỉ có ở A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế như nghề dệt Dzèng.
Triển lãm được thực hiện bởi Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) phối hợp hội phụ nữ huyện A Lưới với sự tài trợ của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Triển lãm nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân trong cộng đồng, các ban ngành đoàn thể đặc biệt là nam giới trong cộng đồng về các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, quyền và nâng cao vị thế người phụ nữ.
Một số hình ảnh tại triển lãm “Chúng tôi thấy, chúng tôi nói” tại Hà Nội:
Những ngôi nhà ở A Lưới, nghèo đói, túng thiếu.
Người dân, đặc biệt là những người phụ nữ, thường lên rừng kiếm củi, rau quả rừng. Phần để gia đình ăn. Nếu dư thì mang ra chợ đổi lấy gạo, dầu, mắm muối...
Nhiều người nói phụ nữ làm việc phụ, nhưng ở đây phụ nữ làm tất: làm ruộng, cấy gặt, làm vườn, thậm chí nhiều chị phải đi phun thuốc sâu (việc mà chị em cho rằng rất độc hại, nên là công việc của nam giới.
Rất nhiều người sống dựa vào sản vật từ rừng.
Đi củi, công việc chuyên môn rồi… không thì lấy gì mà đun… Con gái ở đây đi rừng từ bé. Các chị quen rồi.
Kể cả những người già cũng phải làm công việc này.
Những người đàn ông sau khi đưa vợ đi chợ, rồi thường ngồi uống nước để chờ.
Những người phụ nữ đi chợ về với gùi nặng trên lưng.
Giặt bằng chân: “năm đó tôi bị vết thương ở tay… phải đi chữa, đi mổ mấy lần, anh không giúp nên toàn giặt bằng chân… anh còn bảo, chữa sớm cho khỏi… không khỏi… anh bỏ, đi lấy người khác… anh không muốn có vợ tàn tật… ”.
Mâm không cơm: Những ngày hai mẹ con đi tập huấn, trưa không kịp về nhà nấu cơm. Anh tự nấu rồi tự ăn hết sạch cơm, hết sạch canh không để phần cho mẹ con chị, làm cho hai mẹ con bị đói khiến chị rất tủi thân. Anh luôn như vậy.