Đầu tàu
Đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phú Hòa năm 2006, chị Phạm Đặng Diễm Trang luôn tìm tòi, sáng tạo nhiều mô hình hay, mới phù hợp với thực tế của phường. Một số mô hình được đánh giá cao và nhân rộng là “Tuyến phố không rác”, “Hạn chế sử dụng túi ni lông khi đi chợ”, “Đốt vàng mã đúng nơi quy định”, chị Trang luôn bám sát cơ sở nắm bắt tâm tư tình cảm, hỗ trợ kịp thời cho hội viên, như tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, vận động hội viên giúp đỡ các phụ nữ đơn thân có phương tiện làm ăn thoát nghèo…
Chị Trang đã mạnh dạn tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền phường quan tâm hỗ trợ chế độ cho các chị chi hội trưởng trên địa bàn phường. Từ năm 2006 đến nay, 11 chi hội trưởng của Hội LHPN phường Phú Hòa được nhận tiền hỗ trợ hàng tháng. Đây là Hội LHPN cấp phường, xã đầu tiên trong toàn tỉnh, quan tâm hỗ trợ tiền công tác phí cho các chị chi hội trưởng. Chị Trang tâm sự: “Để làm tốt công tác Hội, mình luôn tranh thủ thời gian đọc thêm sách báo, học hỏi những cách làm, từ đó áp dụng vào thực tế của địa phương mình, xây dựng hội vững mạnh”.
Chị Hoàng Thị Mai Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới cho biết để chị em gắn bó, xem hội là điểm đến của phụ nữ thì cán bộ hội phải là những “chủ nhà” niềm nở, thân thiện. Tuyên truyền, vận động một lần chưa được thì hai lần, ba lần. Nói tiếng Kinh chị em nghe chưa hiểu thì chúng tôi nói tiếng dân tộc để các chị dễ nghe, dễ hiểu. Cùng với công tác tuyên truyền, chúng tôi triển khai giúp đỡ cây giống, con giống, tạo điều kiện vay vốn giúp chị em phát triển kinh tế. Khi thấy được quyền lợi của mình các chị sẽ tự nguyện tham gia. “Vất vả cực nhọc là điều không tránh khỏi, song mỗi lần tổng kết thấy tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ ngày càng giảm, nhiều cặp vợ chồng trước đây thường xuyên xảy ra bạo lực nay đã có cuộc sống êm ấm hạnh phúc... thì sự vất vả đó chẳng thấm vào đâu”, chị Loan bộc bạch.
Chị Trang, chị Mai là hai trong rất nhiều cán bộ hội điển trong tỉnh, tận tụy với công tác Hội. Với họ, nếu chỉ tính một ngày làm việc 8 tiếng đồng hồ là không đủ, các chị phải tranh thủ cả buổi trưa, buổi tối và cả những ngày nghỉ để tuyên truyền vận động hội viên. Bằng nhiều cách làm khác nhau, các cán bộ hội phụ nữ đang nỗ lực xây dựng Hội trở thành mái nhà chung của chị em phụ nữ.
Đáp ứng tình hình mới
Trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trình độ nhận thức của hội viên, phụ nữ từng bước được nâng lên, nhu cầu hoạt động ngày càng phong phú đa dạng. Để đảm đương tốt nhiệm vụ đó, nhiều chị đã không ngừng học tập nâng cao trình độ về nghiệp vụ lý luận chính trị chuyên môn. Đến nay, 100% cán bộ chủ chốt Hội LHPN cấp tỉnh, huyện, thị xã, TP đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu; chủ tịch phụ nữ cấp xã, phường dưới 45 tuổi đạt chức danh theo qui định, vượt so với chỉ tiêu. Qua thực tiễn công tác, nhiều cán bộ hội đã trưởng thành, được đề bạt vào các chức vụ cao hơn...
Bên cạnh những mặt tích cực, nhìn chung trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ hội vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ CNH-HĐH, thiếu chủ động, sáng tạo, nhạy bén trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác hội. Chế độ, chính sách cho cán bộ chi, tổ hội còn thấp, chưa tạo động lực để chị em gắn bó, cống hiến cho phong trào phụ nữ... Bà Phan Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Để Hội thực sự là điểm tựa vững chắc cho phụ nữ trong thời đại mới, bản thân đội ngũ cán bộ hội cần có ý thức tự học, tự rèn luyện, nâng cao hơn trách nhiệm đối với phụ nữ; đồng thời nắm vững chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; sâu sát, gắn bó, lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm với chị em để Hội trở thành cầu nối thực sự giữa chị em với Đảng, chính quyền. Xây dựng đội ngũ cán bộ hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, năng động, đổi mới, nói đi đôi với làm, tâm huyết, nhiệt tình với phong trào phụ nữ và công tác hội để đáp ứng với tình hình mới... là nhiệm vụ luôn được Hội quan tâm.