Nữ tu Lê Thị Thuận, Ủy viên BCH Hội LHPN tỉnh Tiền Giang
Bà là Nữ tu Dòng Thánh Phao Lô, Ủy viên BCH Hội LHPN tỉnh Tiền Giang, Hiệu trưởng trường mầm non thành phố Mỹ Tho. Sống trong tập thể nữ tu và làm việc với đội ngũ giáo viên, nhân viên đều là giới nữ là điều kiện thuận lợi để bà kết hợp với Hội LHPN tuyên tryền, vận động chị em nữ tu thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và những chủ trương, chính sách có liên quan đên phụ nữ và trẻ em.Bà Lê Thị Thuận chia sẻ: “Trước khi là người công giáo, tôi là công dân Việt Nam, chính vì vậy, tôi thấy rất cần thiết phải tuyên truyền pháp luật tới các nữ tu để làm sao chúng tôi làm trò công tác nhà Dòng đồng thời phải tuân thủ pháp luật”. Bà đã tích cực vận động chị em tham gia cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức và pháp luật về bình đẳng giới” năm 2014 do Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Tiền Giang tổ chức. Trong các buổi sinh hoạt cán bộ, giáo viên, nhân viên trường hoặc các buổi họp hội đồng sư phạm hàng tháng, các buổi họp phụ huynh học sinh; lồng ghép vào các buổi hội thảo chuyên đề tại trường và nhà Dòng, bà chú trọng tuyên truyền các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa, tuyên truyền về bốn phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam thời kì CNH-HĐH đất nước… Tổ chức tuyên truyền giáo dục các bà mẹ về kiến thức nuôi con khỏe, dạy con ngoan bằng các hình thức như hội thảo nghiên cứu tài liệu và làm bài kiểm tra trắc nghiệm… Qua đó nâng cao ý thức “Tự rèn luyện” trong đội ngũ nhân viên nhà trường nói riêng và giới nữ tu nói chung, từ đó có sự chuyển biến về nhận thức và hành động thiết thực, thể hiện vai trò, trách nhiệm của nữ tu đối với cộng đồng, xã hội.
Ni sư Thích Nữ Minh Đạt, Ủy viên BCH Hội LHPN tỉnh TT Huế
“Sống trên đời cần có một tấm lòng để sẵn sáng chia sẻ chứ không phải để cho đi”, đó là quan niệm trong hoạt động nhân đạo từ thiện của Ni sư Thích Nữ Minh Đạt, Ủy viên Ban trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế - Ủy viên BCH Hội LHPN tỉnh TT Huế. Trong hành trình hoạt động nhân đạo của mình, ni sư đã vận động Phân ban đặc trách Ni giới ủng hộ 01 mái ấm tình thương trị giá 30 triệu đồng. Cá nhân ni sư đã ủng hộ Quỹ xây dựng tượng đài 11 cô gái Sông Hương do Hội LHPN tỉnh TT Huế phát động là 5 triệu đồng, ủng hộ “Chung sức vì biển đảo quê hương” 3 triệu đồng. Bên canh đó, ni sư đã góp phần tổ chức nhiều hoạt động tại các cơ sở từ thiện của Giáo hội cô nhi viện Đức Sơn, Ưu Đàm là nơi nuôi dưỡng trên 200 cô nhi; nhà dưỡng lão Tịnh Đức, Diệu Viên nuôi dưỡng gần 60 cụ già neo đơn; nhà dạy nghề Tây Ninh, Long Thọ hướng nghiệp cho hàng trăm học viên; các Tuệ Tĩnh đường chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân.
H’Blim, chi hội trưởng phụ nữ dân tộc thiểu số, Gia Lai
Làng Mơ Nú có 332 hội viên là dân tộc, tôn giáo trong tổng số 386 phụ nữ. Chị em trình độ còn thấp, nhận thức hạn chế, đời sống kinh tế khó khăn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương còn nhiều phức tạp.Với tâm huyết của một người cán bộ Hội, chị H’Blim dân tộc Jarai, chi hội trưởng phụ nữ làng Mơ Nú, Ủy viên BCH Hội LHPN xã Chư Ă, Gia Lai luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chi hội Mơ Nú luôn được công nhận là chi hội vững mạnh tiêu biểu. Để đạt được kết quả 100% phụ nữ dân tộc thiểu số, đa phần các chị là người có đạo tham gia sinh hoạt Hội phụ nữ là một nỗ lực lớn của chị. Cách đây một vài năm, khi tỷ lệ chị em tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ chưa cao, chị H’Blim đã không quản ngại đường xá xa xôi, đến từng nhà kiên trì vận động chị em tham gia sinh hoạt Hội, có trường hợp chị phải qua lại đến 7,8 lần để thuyết phục. Với vai trò trong Ban Chấp sự Hội Thánh Tin lành và là cán bộ Hội Phụ nữ, chị luôn sâu sát nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, nhu cầu của chị em tôn giáo; tuyên truyền vận động chị em và bà con tôn giáo chấp hành tốt nội quy, quy định của tôn giáo theo pháp luật của nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo; không tin, không nghe theo những luận điệu lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng; cùng với ban chấp sự thường xuyên gần gũi, thăm hỏi, động viên, vận động từ thiện, hỗ trợ gia đình chị em tôn giáo lúc ốm đau, hoạn nạn, cưới hỏi, ma chay, lễ hội… Dần dần, bằng sự gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ chị em của chị, phụ nữ đã hưởng ứng và tham gia sinh hoạt Hội thường xuyên.