I. MỘT SỐ LỜI CĂN DẶN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐỐI VỚI PHỤ NỮ VIỆT NAM
Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến phụ nữ Việt Nam và vấn đề giải phóng phụ nữ, giáo dục phụ nữ, làm thế nào để giúp phụ nữ bình đẳng, phát triển tiến bộ. Người đã nhìn nhận, đánh giá cao những truyền thống quý báu của phụ nữ Việt Nam, ghi nhận những đóng góp của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc: “Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước”.
Tuy nhiên, Người cũng nhận thấy những hạn chế, ngăn cản sự phát triển, bình đẳng của phụ nữ Việt Nam. Đó là những khó khăn xuất phát từ bản thân chị em phụ nữ và hoàn cảnh khách quan: “Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái”. Tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi (ngày 19/3/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn: Pháp luật của Nhà nước ta đã quy định đàn bà cũng có mọi quyền lợi như đàn ông. Để thực hiện thật sự bình quyền, phụ nữ phải ra sức phấn đấu.
Ngày 9/3/1961 khi nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần III, Bác dặn dò phụ nữ phải nhận rõ địa vị làm chủ của mình: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta”…
Tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi (ngày 19/3/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng phấn đấu, chỉ ra những việc làm cụ thể cho các chị em:
- Phụ nữ cũng là người chủ nước nhà. Để xứng đáng là người chủ thì chị em phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Tổ chức và phát triển hợp tác xã cho tốt. Làm cho gia đình ngày càng no ấm, làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước.
- Phụ nữ cần phải xung phong trong việc xây dựng đời sống mới... Chị em phải cố gắng học tập. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được...”
Bên cạnh những lời động viên, khuyến khích dành cho phụ nữ, Bác còn chỉ ra những nhược điểm nào của phụ nữ và hướng dẫn cách khắc phục. Nói chuyện tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc (ngày 1-8-1960), Bác chỉ rõ: “Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”…
Khi sửa di chúc năm 1968, Bác dành riêng một đoạn để nói về phụ nữ“Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
II. CÁN BỘ, HỘI VIÊN PHỤ NỮ CẦN LÀM GÌ ĐỂ THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA BÁC?
Di Chúc là sự phản ánh thống nhất, cô đọng nhất về toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện phẩm chất đạo đức sáng ngời suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân của người chiến sĩ cộng sản kiệt xuất; thể hiện mong muốn cuối cùng của Người. Vì vậy, cán bộ, hội viên, phụ nữ cần chủ động, tích cực học tập Di chúc và làm theo tấm gương đạo đức của Người bằng những việc làm thiết thực, cụ thể:
- Tích cực học tập nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt; tham gia thực hiện phong trào thi đua và các cuộc vận động của Hội: Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;phấn đấu, rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
- Tích cực học tập và làm theo Bác: thực hành tiết kiệm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm; chống lãng phí, cần cù, sáng tạo trong sinh hoạt, lao động, sản xuất và công tác. Đoàn kết, tự lực phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; biết vượt khó làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và quê hương đất nước. Giúp đỡ phụ nữ và những người khác trong cộng đồng cùng phát triển kinh tế.
- Chủ động đấu tranh, bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lãnh tụ; phê phán những tư tưởng, hành vi không đúng với lời dạy của Người.
- Tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở cơ sở.
- Ngoài ra, cán bộ Hội cần nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với phụ nữ, với tổ chức, sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hoàn thành đảm bảo chất lượng, đúng thời gian; sâu sát cơ sở; nói phải đi đôi với làm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; thẳng thắn, trung thực trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; gương mẫurèn luyện theo các phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; chủ động phát hiện, giới thiệu tuyên truyền các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ Hội, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp Hội thực hiện tốt Quy chế Nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt.