Tìm trên trang
Hoàng hậu Nam Phương với Cách mạng Tháng 8 ở Huế
Ngày cập nhật 05/09/2014
Hoàng hậu Nam Phương. (Ảnh: TL do NĐX sưu tầm)

Từ 80 năm qua (1934-2014) người Việt Nam nào cũng biết Hoàng hậu Nam Phương (1914-1963) - vợ chính của Vua Bảo Đại, là một người phụ nữ đẹp. Tuy nhiên ít người biết bà còn có nhiều hoạt động ủng hộ Cách mạng Tháng 8/1945 rất có ý nghĩa, xưa nay chưa từng có, kể cả các Vương Quốc trên thế giới. Nhân kỷ niêm 69 năm Cách mạng Tháng 8 thành công, tôi xin tường thuật lại một vài hoạt động mang tính lịch sử của bà.

Chủ tọa tuần lễ vàng

Sau khi trao ấn kiếm (30/8/1945), vua Bảo Đại trở về làm công dân của nước Việt Nam độc lập với tư cách công dân Vĩnh Thụy và được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước khi Cựu hoàng rời Huế, Hoàng hậu Nam Phương không một chút nuối tiếc cuộc sống vương giả trong cung cấm, bà đưa năm người con ra khỏi điện Kiến Trung trong Tử Cấm Thành về sống tại cung điện mùa hè An Định bên bờ sông An Cựu. Lúc ấy các bà mệnh phụ tiến bộ có nhiều dịp lui tới thăm bà và kể lại tình hình cách mạng đang diễn ra ở Huế cho bà nghe.

Sau đó không lâu, ông Trần Hữu Dực được Chính phủ cử vào Huế tổ chức bộ máy chính quyền Trung bộ, và phát triển các đoàn thể quần chúng. Để lo liệu kinh phí cho vô số nhu cầu, nhất là cuộc kháng chiến bắt đầu ở Nam bộ, Nhà nước đã công khai tổ chức những “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ bạc”, “Tuần lễ đồng” và kêu gọi toàn dân thực hiện “Hũ gạo đồng tâm”.

Nhân dân Huế nhiệt liệt hưởng ứng. Đồ trang sức bằng vàng, bạc, đồ cổ tự khí đều đem ủng hộ cho Nhà nước. Báo Quyết chiến hồi ấy viết rằng: “Một phân vàng là một cây súng tối tân, một ly vàng là một viên đạn lớn”.

Hoàng hậu Nam Phương không những nổi tiếng đẹp, mà còn nổi tiếng là người ăn mặc, trang sức giản dị. Bỗng một hôm thấy bà xuất cung An Định với quần áo dài, khăn vành màu vàng, kiềng vàng trên cổ, bông vàng đeo tai, hai cổ tay hai đôi xuyến vàng và mười ngón tay là mười chiếc nhẫn vàng. Thấy thế các bà mệnh phụ hơi ngạc nhiên. Họ bẩm bà: “Thời cách mạng, Ngài ăn diện làm chi nữa”. Bà lặng thinh không đáp.

Hôm ấy là ngày 17/9/1945, bà Nam Phương đi dự khai mạc Tuần lễ vàng tổ chức tại bờ nam sông Hương (gần Đài Phát thanh Huế trước đây). Bà vừa đến thì buổi lễ bắt đầu. Bà là người đầu tiên được dược sĩ Phạm Doãn Điềm - Trưởng ban Tài chánh tỉnh Thừa Thiên, mời góp vàng để nuôi quân và mua súng đạn. Bà đến bên một cái bàn trải khăn đỏ, từ từ cởi hết số vàng đang đeo đặt trước mặt viên thư ký. Viên thư ký thống kê số vàng và trao cho bà một tờ biên lai do chính dược sĩ Phạm Doãn Điềm ký. Lúc ấy các bà mệnh phụ mới hiểu ra mọi chuyện. Các vị đại diện chính quyền Trung bộ và nhân dân tham dự buổi lễ vỗ tay hoan hô bà nhiệt liệt. Bà được gắn một huy hiệu in cờ đỏ sao vàng. Ông Trần Hữu Dực thay mặt chính quyền Trung bộ mời bà chủ toạ Tuần lễ vàng ở Huế. Bà vui vẻ nhận lời. Tuần lễ vàng kéo dài đến ngày 24/9/1945. Các hào phú ở Huế noi gương bà Nam Phương đem vàng đi hiến rất đông. Theo Báo Quyết Chiến, dân Huế góp được 925 lượng vàng. (Tuần lễ vàng ở Hà Nội, cũng theo báo trên, thu được 2.150 lượng). Trong số 925 lượng vàng thu ở Huế có vàng của hai người noi gương bà Nam Phương nộp nhiều nhất là ông Nguyễn Duy Quang - nguyên Ngự tiền Văn phòng của vua Bảo Đại (42 lượng), ông Ưng Quang (40 lượng).

Gởi Thông điệp cho phụ nữ thế giới giúp bảo vệ độc lập tự do của nước Việt Nam

Cách mạng Tháng 8/1945 thành công chưa được bao lâu thì quân Anh thay mặt đồng minh hỗ trợ thực dân Pháp trở lại Nam bộ. Nam bộ là quê hương của bà nên bà rất đau xót. Với tư cách là một cựu Hoàng hậu, vợ Cố vấn Chính phủ, bà đã viết một Thông điệp (Message) gởi cho bạn bè phụ nữ ở châu Âu và thế giới, yêu cầu họ lên tiếng tố cáo sự trở lại của quân đội Pháp làm đổ máu đồng bào Nam bộ của bà.

Sau nhiều năm tìm kiếm, chúng tôi đã có được thông điệp là trong sách Ho-Chi-Minh Abd-El-Krim của Jean Renaud do Guy Boussac xuất bản năm 1949 tại Paris, từ tr.234 đến tr.235. Xin chuyển qua Việt ngữ để nhiều người được đọc và lưu lại cho đời sau một tư liệu lịch sử quý. Thông điệp viết:

“Nước Việt Nam đã được giải phóng khỏi ách nô lệ của Đế quốc Pháp và Nhật Bản.

Khi thoái vị, chồng tôi, Cựu hoàng Bảo Đại, đã tuyên bố: “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Bản thân tôi, cũng đã từ bỏ không thương tiếc những đặc quyền (prérogative) của một bà hoàng hậu, đoàn kết cùng chị em phụ nữ để giúp gìn giữ nền độc lập thiêng liêng của nước nhà.

Trong giờ phút này máu đang chảy trên đất Nam bộ, cái nôi của thời thơ ấu của tôi. Biết bao sinh linh đã bị thiêu đốt bởi lòng tham đầy tội ác của một số thực dân Pháp được hậu thuẫn bởi một số quân Anh hành động đi ngược lại huấn thị của đồng minh.

Tôi kêu gọi tất cả những ai đã đau khổ vì những tội ác gây nên bởi cuộc Đại chiến mới hãy hành động để chấm dứt sự hung bạo không có tên gọi đang hoành hành trên đất nước tôi.

Thay mặt cho mười ba triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả những thân hữu của tôi, bạn bè của nước Việt Nam, hãy bênh vực cho Tự do.

Đòi hỏi các chính phủ của quý vị can thiệp nhằm thiết lập một nền hoà bình chân chính công minh, là quý vị đã tuân theo cái trách nhiệm khẩn cấp của con người, và đón nhận lòng biết ơn toàn vẹn của tất cả đồng bào chúng tôi.

Bà Vĩnh Thụy
Cựu Hoàng hậu Nam Phương

Nội dung cuốn sách Ho-Chi-Minh Abd-El-Krim của Jean Renaud do Guy Boussac xuất bản (Paris 1949) gồm những bài viết về các nhân vật chính trị ở thuộc địa được người Pháp đào tạo nuôi dưỡng nhưng cuối cùng vì quyền lợi dân tộc họ trở lại chống thực dân Pháp. Nhà văn Jean Renaud đăng tải Chiếu thoái vị của Cựu hoàng Bảo Đại và Thông điệp của Hoàng hậu Nam Phương để lên án đôi vợ chồng Hoàng gia này đã “phản bội” nước Pháp. Dư luận từ cuốn sách gây nên không ít khó khăn cho Hoàng hậu Nam Phương khi bà và gia đình trở lại nước Pháp vào tháng 8 năm 1947.

Cuối cùng, để tránh cuộc sống ở Paris và Cannes, bà về ở ẩn cho đến cuối đời ở một làng quê có tên Chabrignac, cách Paris trên 500 km về phía tây nam.

Dù bà không nói ra nhưng với cuộc sống lặng lẽ bà vẫn giữ giá trị những gì bà đã đóng góp với Cách mạng Tháng 8 của nước Việt Nam. Với sự hưởng ứng của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, chứng minh Cách mạng Tháng 8/1945 là cuộc cách mạng của toàn dân, cuộc cách mạng được lòng dân nhất trong lịch sử Việt Nam.

Gác Thọ Lộc, cuối 8/2014
Nguyễn Đắc Xuân

theo www.hue.vnn.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới,...
 
Trong các ngày từ 7-8/5/2016, Hội nghị Istanbul 2016 với chủ đề “Xem xét lại vấn đề bình đẳng giới và các xã hội hoà bình” đã diễn ra tại Băng Cốc, Thái Lan do Quỹ Nhà báo và Nhà văn...
Theo quy định của pháp luật về bầu cử, thời gian vận động bầu cử của người ứng cử được bắt đầu sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân...
 
Đó là ý kiến trao đổi của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với phóng viên Báo Quân đội nhân dân và được Báo Quân đội nhân dân online đăng tải sáng nay...
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh là một trong những đại biểu hiếm hoi đề xuất dự án luật tại Quốc hội khóa XIII và được Chính phủ ủng hộ. Bà đã dành cho PV báo Đời sống & Pháp luật cuộc trao đổi về công...
 
Không hiếm nữ doanh nhân ở Thừa Thiên Huế đã thành công trên lĩnh vực kinh doanh, khẳng định được vị thế trong thời kỳ hội nhập.
Tại Việt Nam, một trong những danh sách của Forbes được chú ý nhất là Danh sách phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2016.Người đầu tiên trong danh sách này là bà Nguyễn Thị Kim Ngân - ủy viên Bộ Chính trị, Phó...
 
Trở về với cuộc sống đời thường, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Lài vẫn không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực cống hiến xây dựng quê hương. Và ít ai ngờ rằng, nữ biệt động thành xứ Huế từng bị quân giặc chôn sống năm xưa giờ là...
Hình ảnh cô thợ dệt trong ca sản xuất có lẽ đã trở thành hình ảnh biểu trưng quen thuộc. Điều thú vị nhất có lẽ là một khẩu súng trường. Trong những năm chiến tranh, hủy diệt các nhà máy dệt là mục tiêu...
 
Đại đội nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy thành lập ngày 21-11-1967 dưới sự chỉ đạo của Tỉnh đội Quảng Bình. Đại đội lúc mới thành lập có 37 đồng chí, được phiên thành 3 trung đội: 1 trung đội chỉ huy (có một đài...
 
Cụ thể hóa chỉ tiêu thi đua phù hợp với từng đối tượng, sát thực tế, hướng vào thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức hội và của địa phương... là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền thực...
Lượt truy cập - chuyên trang phụ nữ
Truy cập tổng 225.546
Truy cập hiện tại 8.558