Hầu hết họ không được học hành, chỉ được bà hoặc mẹ truyền nghề nữ công gia chánh, tiểu thủ công nghệ và quan niệm “tam tòng, tứ đức” để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ nàng dâu, thiên chức làm vợ, làm mẹ. Nam văn nữ thị, cuộc đời và nỗi khổ của người đàn bà Việt xưa (ngoại trừ vài trường hợp cá biệt) không thoát khỏi lũy tre làng, ngôi chợ nhỏ và quang gánh trên vai, nắm mạ non trên đồng, cây kim và khung cửi, tất cả vì con “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”; vì gia đình “con cò bắt tép đồng khô”, là phận làm dâu xứ người “giã ơn cái cối cái chày, nửa đêm gà gáy có mày có tao, giã ơn cái cọc cầu ao, nửa đêm gà gáy có tao có mày” (ca dao).Nhiều người còn phải đắng cay chịu đựng cảnh chồng có thói trăng hoa đi mây về gió mà vẫn cầu mong “Chàng ơi! Phụ thiếp làm chi. Thiếp là cơm nguội nhỡ khi đói lòng” (ca dao).
Nhưng cũng trăm hay nghìn tốt cái đức, cái nết cái tình, cái công lao và sự hy sinh thầm lặng! Lịch sử đã ghi nhận và dân gian cũng lưu truyền nhiều sự tích chứng minh vai trò không thể thiếu của người phụ nữ Việt Nam trong mọi hoạt động xã hội, đặc biệt trong chống ngoại xâm và giáo dục con cái nên người. Người mẹ của Thánh Gióng là một biểu tượng kỳ diệu trong màn sương huyền thoại. Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam là một biểu tượng kỳ vĩ của hiện thực bi tráng. Không có người mẹ anh hùng, không thể sinh ra người con anh hùng. Lịch sử và thơ ca cũng ghi nhận rất nhiều những tấm gương thủy chung, đảm đang của người vợ Việt Nam giúp chồng học hành, tạo lập công danh, ôm con chờ chồng chiến tranh biền biệt xa nhà,… Không có người vợ chung thủy đảm đang, trung trinh tiết liệt, quyết không có người chồng làm nên nghiệp lớn, lưu danh thơm trong sử sách.
Lịch sử nước ta 4 nghìn năm không chỉ có Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyên phi Ỷ Lan, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, nữ tướng Bùi Thị Xuân mà còn nhiều nữ trung hào kiệt thầm lặng hy sinh. Sang thế kỷ XX thì có Phụ nữ Việt Nam tham gia chính trường, hoạt động cách mạng, khoa học, giáo dục như nhà chính trị Nguyễn Thị Minh Khai, nữ tướng Nguyễn Thị Định, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, bà Tôn Nữ Thị Ninh… là biểu trưng cho phụ nữ Việt Nam về tài năng lãnh đạo chính trị, chỉ huy quân sự, đứng đầu đất nước hoặc đứng đầu một lĩnh vực quan trọng và để lại dấu ấn trong lịch sử nước nhà. Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm và Hồ Xuân Hương thời phong kiến là đại diện cho phái đẹp trong văn chương, Ấu Triệu Lương (Lê) Thị Đàn là đại diện cho giới nữ trung hào kiệt anh hùng bất khuất trong chống giặc ngoại xâm: Tay xin nghìn cánh, cánh nghìn thương. Đến thời Tây học và cả thế kỷ XX, cao trào cách mạng với phong trào giải phóng phụ nữ và phong trào Phụ nữ mới xuất hiện hàng loạt cái tên đàn bà (mà tôi nhớ được ai thì nhắc nấy, không theo tiêu chí nào ngoài tiêu chí nổi danh) trong lĩnh vực xuất bản phẩm báo chí, văn thơ, sân khấu có: Đạm Phương nữ sử, Sương Nguyệt Anh, Anh Thơ, Xuân Quỳnh, Dương Thị Xuân Quý, Năm Phỉ, Phùng Há, Kim Cương, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Châu Loan, Trà Giang, Tường Vy; trong lĩnh vực khoa học như Hoàng Xuân Sính,... Bây giờ thì không kể vì... nhiều quá. Phụ nữ Việt Nam tài kém chi giới mày râu!
Nhưng dù làm gì, ở bất cứ cương vị nào, Phụ nữ Việt Nam nói chung vẫn là biểu tượng của đức hy sinh, thủy chung, tính đảm đang chịu thương, chịu khó, thương chồng thương con nhất mực, là người quán xuyến mọi việc trong nhà, quan hệ họ tộc, xóm giềng, giữ gìn và thắp lên ngọn lửa ấm hạnh phúc gia đình, thể hiện vai trò Nội tướng và được người đàn ông của họ trân trọng gọi là Nhà tôi, là Mình ơi!