Bước vào thời kì CNH, HĐH, cùng với rất nhiều điều kiện thuận lợi, phụ nữ Việt Nam đã và đang đứng trước những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và những ảnh hưởng tiêu cực của thời kì mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Do vậy, việc gìn giữ, phát huy những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Một số phẩm chất truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam có phần bị mai một, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam và đạo đức nhân phẩm của người phụ nữ. Như vậy, trong hoàn cảnh hiện tại, xã hội hiện đại đòi hỏi người phụ nữ phải có những phẩm chất đạo đức phù hợp.
Vấn đề đặt ra là: Phụ nữ Việt Nam cần có những phẩm chất đạo đức nào để đáp ứng yêu cầu của thời kì CNH, HĐH?
Thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước (sau đây gọi là Đề án), để xác định các phẩm chất đạo đức chuẩn mực của phụ nữ Việt Nam thời kì CNH, HĐH, TW Hội LHPN Việt Nam đã tiến hành khảo sát tại 10 xã của 5 tỉnh/thành: Hà Nội, Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế, Đăk Lăk, Bình Dương với 6 cuộc tọa đàm và 1084 phiếu hỏi. Khách thể tham gia khảo sát được lựa chọn một cách ngẫu nhiên có tính đến các tiêu chí như giới tính (nam/nữ), độ tuổi (thanh niên/trung niên/cao tuổi); nghề nghiệp (học sinh, sinh viên/nông dân/công nhân/trí thức/công chức/doanh nhân/tiểu thương…); dân tộc và tôn giáo (phụ nữ dân tộc ít người, phụ nữ theo đạo…). Đa số những người được hỏi ý kiến đều thể hiện sự băn khoăn về một số biểu hiện vi phạm đạo đức, hoen ố nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam như: tình trạng phụ nữ vi phạm pháp luật, phụ nữ làm những việc trái với đạo lý, trái với thuần phong mỹ tục: mẹ giết con, vợ giết chồng, hành hạ trẻ em … Hầu hết các nguyên nhân được người dân phân tích là do thiếu lòng tự trọng, thiếu lòng nhân ái. Từ đó, theo những người được trả lời khảo sát, việc lựa chọn, tuyên truyền, giáo dục các phẩm chất đạo đức cần có đối với người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là vô cùng cần thiết. Đồng thời xác định theo thứ tự những phẩm chất, đạo đức cần ưu tiên hơn cả đối với phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: Hiếu thảo, thủy chung, có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng; yêu nước, đảm đang, nhân hậu, có ý chí, nghị lực, năng động, có lối sống văn hóa, trung thực, cần kiệm, tự tin, sáng tạo, vị tha, thẳng thắn, cương trực.
Bên cạnh đó, Hội cũng đã lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu. Kết quả lấy ý kiến 31 chuyên gia cho thấy: Các chuyên gia đồng tình với việc nghiên cứu để có định hướng tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ, đồng thời liệt kê ra những phẩm chất đạo đức truyền thống cần được tiếp tục duy trì, phát huy; trong đó các phẩm chất đạo đức được nhiều chuyên gia lựa chọn hơn cả là: Tự tin, tự tôn, bản lĩnh, quyết đoán, khẳng định, mạnh mẽ; ham học, yêu nghề, có chí tiến thủ; năng động, nhạy bén, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động xã hội; Đảm đang, chăm chỉ, cần cù, chịu thương, chịu khó, tổ chức cuộc sống hài hòa, hợp lý; đổi mới, sáng tạo; nhân hậu, nhân ái, khoan dung, nhường nhịn; Thủy chung, nuôi dạy con tốt, hướng nghiệp cho con; Có tri thức, hiểu biết, trình độ học vấn cao.
Kết quả khảo sát, nghiên cứu cho thấy dù cách diễn đạt khác nhau, thứ tự ưu tiên đối với các phẩm chất đạo đức cũng không giống nhau, nhưng nhìn chung có sự đồng thuận của xã hội về việc lựa chọn những phẩm chất đạo đức cần có ở người phụ nữ để đáp ứng yêu cầu của thời kì CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân mỗi người, mỗi gia đình và cả xã hội, đồng thời sẽ được triển khai cho hội viên, phụ nữ học tập, làm theo, do đó, cần phải có sự thống nhất, tích hợp giữa các phẩm chất đạo đức để bảo đảm các tiêu chí: ngắn gọn, súc tích, mang tính khái quát cao, đáp ứng tính cấp thiết trong hoàn cảnh hiện nay và được xã hội chấp nhận. Chẳng hạn như, dù trong kết quả khảo sát không có từ tự trọng nhưng có nhiều nội dung nói về phẩm chất đạo đức liên quan tới tự trọng như: lối sống văn hoá, tự tôn, liêm chính…Đồng thời, thực tế cuộc sống cho thấy, hiện nay, trước những tác động đa chiều, phức tạp của cuộc sống hiện đại, con người, nhất là người phụ nữ rất cần có lòng tự trọng để bảo vệ nhân cách, phẩm giá của mình; cũng là để bảo vệ, giữ gìn giá trị phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
Mặt khác, cũng cần xác định được nội hàm khái niệm phẩm chất đạo đức để có sự thống nhất trong lựa chọn chuẩn mực phẩm chất đạo đức. Xét theo nghĩa chung,phẩm chất đạo đức là những chuẩn mực hành vi làm nên giá trị của một con người. Dựa vào khung chuẩn mực ấy, người ta có thể đánh giá các hành vi của con người tốt hay xấu, lợi hay hại, về những điều được khuyến khích, cấm kị, hoặc về nghĩa vụ của mỗi con người. Trong phạm vi Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ,khái niệm phẩm chất đạo đức được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả phẩm chất và đạo đức; là một thang giá trị để đánh giá con người, là văn hóa đạo đức, là giá trị đạo đức, bao gồm các chuẩn mực về phẩm chất, các quy tắc ứng xử liên quan tới đạo đức được con người đánh giá, lựa chọn, cũng như ý nghĩa tích cực của những quan niệm, chuẩn mực, quy tắc ứng xử đó đối với con người và đời sống xã hội. Xét phẩm chất đạo đức của một con người là xét cả hai phương diện: mối quan hệ giữa phẩm chất đạo đức với phẩm chất năng lực, bao gồm đức và tài, hồng và chuyên, hay nói gọn lại là quan hệ giữa đức và tài như Bác Hồ đã từng khẳng định: “Có tài mà không có đức thì vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Theo đó, có những phẩm chất, tự thân nó không phải là đạo đức, nhưng khi trở thành một trong những thang giá trị để đánh giá con người, được xem là chuẩn mực mà xã hội, cộng đồng chấp nhận, thì sẽ là phẩm chất đạo đức (ví dụ như phẩm chất tự tin không thuộc về đạo đức, nhưng trong thực tế cuộc sống, nếu con người thiếu tự tin, không dám quyết định việc nào nên làm, việc nào không nên làm, dẫn tới a dua, hành động theo sự sai khiến của người khác, thì lúc ấy, thiếu tự tin lại là nguyên nhân dẫn tới vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật; và tự tin là khái niệm thuộc nội hàm phẩm chất đạo đức.