Về khuôn khổ pháp lý
Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (năm 1946), quan điểm bình đẳng giới đã được thể hiện bằng nguyên tắc “ không phân biệt giống nòi, gái trai”; và đã quy định: “Tất cả các công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội” (Điều 6) và “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9).
Quan điểm đó tiếp tục được kế thừa và phát triển phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại qua các lần sửa đổi Hiến pháp năm 1959, 1980 và đặc biệt, tại Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, quan điểm này lại được khẳng định tại Điều 63 : “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình.” Từ đó, những tư tưởng tiến bộ về bình đẳng giới nói trên đã được cụ thể hoá bằng các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới và hội nhập, công tác xây dựng pháp luật dựa trên nguyên tắc tiếp cận về quyền và bình đẳng giới được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các cơ quan Nhà nước rất quan tâm.
Vấn đề bình đẳng giới được thể chế hoá trong hầu hết các văn bản pháp luật, đã tạo cơ sở pháp lý, tạo điều kiện và cơ hội trao quyền bình đẳng cho cả nam và nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật dạy nghề, Luật Giáo dục , Luật Khoa học và công nghệ, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Cư trú, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh cán bộ, công chức, … và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành.
Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, Chính phủ đã có nhiều giải pháp như ban hành các chính sách đặc thù; lồng ghép vào các chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia như: Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và giảm nghèo (CPRGS), Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, về việc làm, về bảo hộ lao động, về giáo dục, về dạy nghề, về y tế cộng đồng; nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình đã có những quy định riêng cho phụ nữ, tạo điều kiện đảm bảo cho viêc thực hiện bình đẳng giới một cách thực chất; thành lập Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, ban hành Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010 v.v....
Đặc biệt, ngày 29 tháng 11 năm 2006, Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội khoá XI thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Luật Bình đẳng giới tiếp tục thể chế hoá quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam về bình đẳng giới nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nam và nữ; đồng thời tiếp tục khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc cụ thể hoá và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người và bình đẳng giới mà Việt Nam là thành viên.
Với hệ thống pháp lý ngày càng được hoàn thiện phù hợp với đặc điểm, tình hình của đất nước, nhận thức xã hội về bình đẳng giới ngày càng được nâng cao, góp phần đảm bảo sự bình đẳng trong đời sống xã hội cũng như của cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có hệ thống chính sách và pháp luật bình đẳng giới khá tiến bộ so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, kể cả với nhiều nước phát triển. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới thì: “Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, là một trong những nước tiến bộ hàng đầu về bình đẳng giới… là quốc gia đạt được sự thay đổi nhanh chóng nhất về xoá bỏ khoảng cách giới trong hai mươi năm qua ở khu vực Đông á”.
Tuy đã có một hệ thống pháp luật về bình đẳng giới tương đối hoàn thiện, nhưng là một nước đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo nên việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, đó là:
- Tư tưởng mang tính định kiến về giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, công chức. Đó là những định kiến về giới và tư tưởng trọng nam hơn nữ trong xã hội, cụ thể là hầu hết các gia đình đều thích sinh con trai hơn con gái; coi công việc gia đình, chăm sóc con cái, người già, người ốm là công việc của phụ nữ…; thời gian làm việc của phụ nữ thường kéo dài hơn nam giới khoảng 4 giờ trong ngày, chủ yếu là ngoài công việc xã hội phụ nữ phải lo toan công việc nội trợ trong gia đình. Phụ nữ ít có thời gian nghỉ ngơi, học tập nâng cao trình độ hơn nam giới, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc bồi dưỡng, phát triển cán bộ nữ ở nơi này, nơi kia vẫn còn hạn chế; một số đơn vị kinh tế thậm chí không muốn nhận lao động nữ vì ngại thực hiện chế độ thai sản và những lý do khác. Trong lao động việc làm, mặc dù chênh lệch về tỷ lệ không nhiều, nhưng thu nhập thực tế của nam giới vẫn cao hơn ở nữ giới.
- Thiếu thông tin, dữ liệu tách biệt theo giới tính ở tất cả các lĩnh vực hoặc có nhưng ít, không đầy đủ, không đồng bộ, không toàn diện nên khó có thể đánh giá chính xác những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và đưa ra những biện phát hữu hiệu cho việc bảo đảm bình đẳng giới và đạt mục tiêu bình đẳng giới.
- Nhiều điều khoản pháp luật chưa được thực hiện đầy đủ do thiếu chế tài hoặc chế tài chưa đủ mạnh, chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính.
Định hướng quản lý Nhà nước về bình đẳng giới
Để khắc phục và vượt qua những thách thức nêu trên, trong thời gian tới, công tác quản lý Nhà nước về bình đẳng giới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, cần xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới. Trước mắt, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới với hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu, công cụ theo dõi, đánh giá và hệ thống giải pháp toàn diện, đồng bộ.
Hai là, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vấn đề giới và bình đẳng giới; Hướng dẫn các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện thông tin, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới có hiệu quả, thiết thực và phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Ba là, hình thành và kiện toàn hệ thống tổ chức, cán bộ quản lý Nhà nước về bình đẳng giới từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý lĩnh vực, cán bộ chuyên trách, các cộng tác viên chuyên nghiệp thực hiện công tác bình đẳng giới.
Bốn là, ngoài việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ ngân sách, cần tranh thủ thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, hỗ trợ kỹ thuật trong và ngoài nước, bảo đảm thực hiện mục tiêu xã hội hoá công tác bình đẳng giới.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Bổ sung kiến thức về giới và bình đẳng giới, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác này; tăng cường sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc thực hiện các quy định pháp luật về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế ( đa phương, song phương, NGO) trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và vì sự phát triển của phụ nữ nói riêng.
Bình đẳng giới là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của mỗi xã hội, mỗi đất nước. Đây vừa là mục tiêu, vừa là yếu tố để góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Bình đẳng giới có vị trí đặc biệt trong xây dựng một xã hội phát triển ổn định và bền vững ở nước ta./.