Mở đầu:
Từ thời đại nguyên thuỷ cho đến ngày nay, các thế hệ phụ nữ từ đời này qua đời khác nối tiếp nhau đã sống trên dải đất Việt Nam. Có mối dây liên hệ nào giữa những người phụ nữ đó? Người phụ nữ hiện đại gắn bó ra sao với những thế hệ phụ nữ đã sống trước họ? Và ý nghĩa của sự gắn bó đó là gì?
Sự tìm hiểu bước đầu về vai trò và phẩm chất tinh thần của người phụ nữ ở Việt Nam qua các thời đại cho thấy đã có một truyền thống chung, xuyên suốt nghìn vạn năm sinh tồn và tiến hoá của người phụ nữ trên giải đất này. Người phụ nữ Việt Nam hiện đại là những người kế thừa và đang phát huy truyền thống đó. Những điều mà họ đang tự hào cũng là những điều mà thế giới đang quan tâm, chính là những điều gắn bó với cái truyền thống mà họ đã từng được tôi luyện và bây giờ đang được nối truyền.
Những người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn, thường là mảnh dẻ, vẻ bề ngoài giản dị ấy, dường như dễ gợi cho người nước ngoài nghĩ đến những cây lau - thứ cây cỏ bình thường có rất nhiều ở xứ nhiệt đới này từ rất lâu đời: “Các chị giống như cây lau mềm mại ...” – đó là nhận xét của Tổng thư ký Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế trong chuyến đi nghiên cứu về "phong trào phụ nữ Việt Nam năm 1968". Nhưng tiếp ngay ý thứ hai, người phụ trách phong trào phụ nữ dân chủ thế giới đã bổ sung thêm vào cách nhìn đó và đánh giá đầy đủ về người phụ nữ Việt Nam hiện đại: “Nhưng cây lau đó là bằng thép!”.
“Cây lau bằng thép” – hình tượng vừa cổ kính vừa hiện đại này đã phản ánh hình thái độc đáo của người phụ nữ Việt Nam ngày nay, mang nặng và gắn bó với truyền thống quá khứ, nhưng không ngừng ở lại đấy mà đang tích cực phát huy nó.
“Cây lau bằng thép” – hình tượng về những con người vừa mềm mại vừa cứng rắn này, còn có thể xem như một cách phản ánh tính cách chung của người phụ nữ Việt Nam, một tính cách đa dạng và phong phú nhưng đã ổn định từ trong lịch sử hàng nghìn năm.
Tìm hiểu, hình dung cho được những nét chung và cơ bản của một tính cách như thế là một vấn đề hệ trọng. Bởi vì nó cho phép đánh giá và nhận thức về bản chất, về những vấn đề mấu chốt của phụ nữ Việt Nam, để tìm ra những nét bao quát về tính cách của người phụ nữ Việt Nam.
Những phẩm chất đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam
A.Những phẩm chât tích cực:
1. Con người lao động:
Con người lao động trong người phụ nữ Việt Nam có những phẩm chất đặc sắc nhất định, kết tinh từ trong vai trò của nó trên tiến trình của lịch sử Việt Nam. Làm nên những thuộc tính ấy, có vai trò quan trong hàng đầu của những người phụ nữ nông dân trong hàng nghìn năm của thời đại dựng nước và giữ nước. Đấy là những người đã kế thừa những truyền thống tốt đẹp đầu tiên do những người phụ nữ lao động từ thời nguyên thuỷ gây dựng, phát huy và truyền tới những người phụ nữ nông dân trong thời cận đại và hiện đại – những người đang cùng với những nữ công nhân, viên chức và phụ nữ lao động trí óc, họp thành đội ngũ những người lao động ngày nay.
Đấy là những người từ hàng nghìn năm xưa và cho mãi đến bây giờ, vẫn gắn bó với một nền kinh tế nông nghiệp nhiệt đới, mà hoạt động quan trọng nhất là nghề trồng lúa nước. Chỉ cho đến gần đây, vấn đề công nghiệp hoá mới được đặt ra ở Việt Nam, nhưng nhịp độ và đặc tính của nó cũng vẫn phản ánh vị trí và qui mô của nền sản xuất nông nghiệp, trong hệ thống kinh tế chung.
Nói đến người phụ nữ lao động Việt Nam chủ yếu là nói đến những người phụ nữ nông dân ấy. Không phải ngẫu nhiên mà ở tất cả các trường hợp cần biểu hiện người phụ nữ Việt Nam một cách cô đúc, điển hình nhất, việc lựa chọn hình tượng người phụ nữ nông dân lại chiếm một tỉ số cao ở Việt Nam. Cho nên trước khi tính toán đến sự cải tiến, biến đổi cốt cách của con người lao động trong người phụ nữ Việt Nam, cần trước tiên xem xét một số thuộc tính đặc sắc đã hình thành và ổn định, trên cơ sở những phong thái làm ăn của người phụ nữ nông dân, trong con người phụ nữ lao động Việt Nam.
Cùng với hiện tượng thường xuyên của lịch sử hàng nghìn năm cũ là người đàn ông phải rời tay cày bừa để cầm lấy vũ khí, với một tinh thần hoàn toàn chủ động, một thái độ bình thản như không có gì tự nhiên hơn, người phụ nữ đã đảm nhiện lấy công việc sản xuất nông nghiệp của xã hội:
“Tháng Chạp là tiết trồng khoai,
Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà.
Tháng Ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng Tư gieo mạ thuận hòa mọi nơi.
Tháng Năm gặt hái vừa rồi,
Giời đổ mưa xuống nước trôi đầy đồng. Anh ơi giữ lấy việc công,
Để em cày cấy mặc lòng em đây”.
Việc trồng lúa nước ở Việt Nam trong điều kiện thiên nhiên và kỹ thuật từ trước đến nay, vẫn là một thứ lao động phức tạp và vất vả. Chân lấm tay bùn, giãi nắng dầm mưa, đời này qua đời khác, người phụ nữ Việt Nam là người rất giỏi chịu đựng gian khổ, khó khăn và hết sức cần cù, tỉ mỉ. Sống chết với quê hương làng xóm, bám chặt lấy ruộng vườn, nghề nghiệp, người phụ nữ lao động Việt Nam còn là những người làm việc rất bền bỉ, dẻo dai, có tinh thần kiên trì, nhẫn nại rất cao. Bị thống trị và bóc lột nặng nề, lại gặp hoàn cảnh chiến tranh và thiên nhiên phá phách, trong cuộc sống cơ hàn dai dẳng, những người phụ nữ Việt Nam đã có một tinh thần làm chủ, một ý thức cộng đồng, đồng thời họ cũng là những người rất căn cơ tằn tiện, tính toán cẩn thận, chi ly.
Đấy là những người lao động đảm đang. Và chúng ta hiểu tinh thần đảm đang ở đây có nội dung thiên về mặt ráo riết đối phó với những khó khăn, gắng sức khai thác, vẫy vùng trong một hoàn cảnh chật hẹp để tạo ra những của cải vật chất và tinh thần, để vươn lên trên những điều kiện phần lớn có ý nghĩa tiêu cực. Ở đây, không có những sức bao quát rộng rãi, không có những sáng tạo hàng loạt, to lớn. Không có phong thái ung dung đĩnh đạc mà khẩn trương của một lối làm ăn qui mô, với nhiều thuận lợi về tự nhiên và kỹ thuật. Sự sắc sảo ở đây mang tính chất đối phó trong hoàn cảnh vượt khó nhiều hơn. Hoàn cảnh lao động của những người phụ nữ dưới chế độ phong kiến hàng nghìn năm, dưới thời Pháp thống trị gần trăm năm là như thế. Mà hoàn cảnh lao động của những người phụ nữ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước khôngqua thời kỳ chủ nghĩa tư bản cũng có những điều gần giống như thế.
2. Con người nội trợ
Con người nội trợ (quán xuyến việc nhà) trong người phụ nữ cũng có những thuộc tính đặc biệt. Và đây là những điều chủ yếu làm nên cái dáng vẻ riêng của người phụ nữ Việt Nam mà nhiều người đã chú ý. Bởi vì, bình thường, mọi người phụ nữ đều là những thành viên trong các gia đình, gắn bó chặt chẽ với gia đình. Và kể từ thời kỳ mẫu quyền trong lịch sử nguyên thuỷ cho tới bây giờ, trong hàng nghìn, hàng vạn năm, chức năng hiển nhiên của các thành viên nữ trong các gia đình, chính là nội trợ.
Vai trò của những người phụ nữ Việt Nam trong gia đình, như đã thấy, là một vai trò rất đặc biệt. Đó là vai trò thực tế của người chủ gia đình, vài trò thực tế của những trụ cột gia đình - mặc dù về hình thức và trên danh nghĩa, đấy là vai trò của người đàn ông. Là một người vợ, gắn bó chữ tình với chữ nghĩa, người phụ nữ xưa, ngoài nghĩa vụ đối với bản thân người chồng, còn gánh vác luôn cả phần nghĩa vụ của người chồng đối với gia đình và xã hội.
“Lấy gì đóng góp cho chồng
Lấy gì giỗ chạp Thổ công, ông bà.
Lấy gì nuôi mẹ nuôi cha,
Lấy gì thu xếp việc nhà chàng ơi.
Lấy gì cho ngựa cho cho voi,
Lấy gì đóng góp như đôi láng giềng”.
Trong vai trò thực tế ấy, người phụ nữ như thế nào thì gia đình như thế. Ngược lại, tình trạng và hoàn cảnh của các gia đình Việt Nam như thế thế nào, tất nhiên cũng ảnh hưởng đến người phụ nữ: họ cũng phải tạo ra những bản lĩnh cần thiết để có thể thích ứng với vai trò của họ.
Các gia đình Việt Nam với chế độ phụ quyền gia trưởng, hình thành và ổn định lâu dài trên tiến trình lịch sử Việt Nam, trở nên có một cấu trúc độc đáo với đặc điểm kỳ lạ của nó: đấy là nơi giam hãm trói buộc người phụ nữ, nhưng lại do phụ nữ thực tế làm chủ và làm trụ cột! Từ đặc điểm này, chúng ta thấy phụ nữ là người sống chết gắn bó rất chặt chẽ với gia đình về mọi mặt, và đấy là những người nội trợ có tinh thần đảm nhiệm, phụ trách rất cao. Đảm nhiệm, phụ trách nền kinh tế của gia đình, họ có chung những phẩm chất tinh thần với những người phụ nữ lao động, như đã thấy. Đảm nhiệm, phụ trách giường mối của gia đình, toàn bộ thể chế và nội dung tinh thần của gia đình, đây mới là lĩnh vực kết tinh những thuộc tính đặc sắc của người phụ nữ nội trợ Việt Nam. Ở đây, những người vợ Việt Nam là những người thuỷ chung trọn vẹn với chồng. Ở đây, những người mẹ Việt Nam hy sinh trọn vẹn cho con cái. Ở đây, những người con gái, con dâu, nết na, thảo hiền đối với bậc trên và rèn luyện những đức tính của người mẹ đối với lớp tuổi dưới, cũng như chờ dịp thể hiện những đức tính của người vợ đối với người yêu, người chồng tương lai của mình.
Trong tình hình nghèo khó chung của các xã hội có giai cấp cũ, “cái khó bó cái khôn”, người phụ nữ đã phải rất tích cực “giật gấu vá vai” để đảm nhiệm chức năng “nội tướng” của mình. Tần tảo là đức tính đi kèm với tinh thần đảm đam của các thế hệ phụ nữ Việt Nam xưa, chịu thương chịu khó, sớm tối lam làm, suốt đời cần kiệm để gánh vác gia đình. Để có thể đảm đương một khối lượng công việc lớn và phức tạp, người phụ nữ xưa còn rất khéo léo và thông minh, có đầu óc thực tiễn và khéo chân khéo tay.
Tính khiêm nhường, lòng vị tha, đức hy sinh và lòng yêu thương rộng lớn của người phụ nữ tỏa ra trong các gia đình, khiến cho người phụ nữ xưa có một vị trí rất đặc biệt giữa chồng con của họ. Người chồng gọi vợ mình là “nội tướng”. Con cái nhận rằng “phúc đức tại mẫu”. Người ngoài khẳng định “lệnh ông không bằng cồng bà”. Và dân tộc thì, trong khi xây dựng hình tượng anh hùng đầu tiên của mình về Thánh Gióng, cũng kèm ngay hình tượng mẹ Gióng – người mẹ bao tháng này mang nặng đẻ đau, chịu đựng tai tiếng, để rồi suốt ba năm kiên trì thương yêu nuôi nấng, chăm sóc đứa con tật nguyền, cho đến lúc tự tay mình mở đường cho con đi cứu nước.
Đấy là những người nội trợ trung hậu. Và chúng ta hiểu rằng sự trung hậu ở đây có phần được tạo rèn tự sự đấu tranh, khi âm thầm, lúc quyết liệt, của người phụ nữ trong hàng nghìn năm liên tục đối với giáo lý và sự ràng buộc gò bó phong kiến, để cố gắng cải tạo nó, biến những tín điều khe khắt trở thành đức hạnh, nết na. Nhưng đây chỉ là vấn đề phụ. Điều chủ yếu ở đây là vai trò lịch sử của người phụ nữ đối với vấn đề gia đình ở Việt Nam, mà họ đã đảm nhiệm lấy một cách tự nhiên bình dị. Điều chủ yếu ở đây cũng là sự thiệt thòi, chịu đựng của họ tronmg khi gánh vác và quản lý gia đình. Đó là một nghĩa vụ cao cả. Sự cao cả này có ý nghĩa đạo đức lớn, nhưng chính cũng vì đạo đức mà cần phải tiếp sức và đền bù xứng đáng cho sự cao cả đó, không thể coi là một khổ hạnh tất yếu của con người nội trợ trong người phụ nữ Việt-nam.
3.Con người chiến sĩ
Con người chiến sĩ trong người phụ nữ Việt Nam là một hiện tượng độc đáo nhất. “Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”, đấy là truyền thống đặc biệt của phụ nữ Việt Nam. Chỉ tính từ thời các vua Hùng dựng nước cho đến nay, 24 cuộc chiến tranh ái quốc với quy mô cả nước đã nổ ra để giữ nước! Biết bao thế hệ phụ nữ đã trở thành chiến sĩ trong những lần vận nước gặp nguy nạn. Nhưng không phải chỉ có thế. Trong cuộc đấu tranh giai cấp thường xuyên làm nền cho sự tiến hoá của xã hội, tất cả các thế hệ phụ nữ - với đặc điểm là “công dân chính trị” của họ, cũng đều trở thành những chiến sĩ, tham gia đấu tranh dưới mọi hình thức. Từ những người phụ nữ đã nổi dậy dưới lá cờ Hai Bà Trưng, những vợ ba Cai Vàng, vợ ba Đề Thám... thậm chí cả những người vô danh:
“Gái goá lo việc triều đình
Lo Nam, lo Bắc việc mình không lo”
và những mẹ Đốp luôn luôn sẵn sàng tấn công bọn hào lý ở khắp nơi, cho đến những Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Chiêm, Út Tịch và mẹ Suốt ngày nay – hàng trăm thế hệ phụ nữ đã truyền đi và nhân lên những thuộc tính đặc sắc của người chiến sĩ trong người phụ nữ Việt Nam.
“Túi gấm cho lẫn túi hồng
Têm trầu cánh kiếm cho chồng đi quân”.
Câu hát cổ trên cũng là một hình thức ghi nhớ của nhân dân đối với tiết bao người vợ đảm xưa đã góp vào cuộc chiến chung, và không têm trầu “cánh phượng” nữa, mà têm trầu “cánh kiếm”, nô nức, hồ hởi tiễn đưa người thân của mình ra đi. Đó là những con người có một lòng yêu nước rộng lớn và một tinh thần lo toan rất tích cực đến việc chung. Đó là con người sẵn sàng chịu đựng với một sức bền kỳ diệu những gay go gian khổ, những hy sinh to lớn nhất. Đó là những con người bất khuất, không sức mạnh thống trị nào có thể đè bẹp nổi, những con người rất mực kiên cường, không sức mạnh xâm lược nào có thể bẻ gãy được.
Đấy là những chiến sĩ dũng cảm. Và chúng ta hiểu rằng, đối với người phụ nữ Việt Nam, đấy là phẩm chất của những người chiến sĩ có sức mạnh sở trường ở phương diện tinh thần, tình cảm. Trong hoàn cảnh khó khăn gò bó thường xuyên, khả năng vât chất và kỹ thuật của những chiến ở đây không nhiều. Nhưng những cơ sở và điều kiện để tạo ra những khả năng đó, lúc nào cũng có. Đó là những phẩm chất của người lao động và người nội trợ ở trong con người phụ nữ Việt Nam. Khi cần thiết, chỉ cần thời gian, sự tổ chức và tập hợp. Và đấy là điều đặc sắc, thuân lợi và may mắn cho người phụ nữ và cho dân tộc: lúc nào cũng có con người chiến sĩ với những phẩm chất rất tốt nằm trong những người phụ nữ Việt Nam.
Con người lao động đảm đang, con người nội trợ trung hậu, con người chiến sĩ dũng cảm - những con người ấy cùng với những thuộc tính, phẩm chất tinh thần của nó đã hợp thành tính cách cơ bản của người phụ nữ Việt-nam. Ở một tính cách đa dạng và phong phú như thế, có thể lọc ra, tìm lấy điều gì chung nhất, điều gì bao trùm, tiêu biểu cho người phụ nữ Việt-nam?
Trong những lúc vận nước gặp cơn sóng gió, con người chiến sĩ trong người phụ nữ Việt Nam vụt trội lên. Hiện nay, đây là điều đang thu hút sự chăm chú của nhiều người. Nhưng hãy tìm đọc cuốn sổ tay tác chiến của đại đội trưởng pháo bờ biển nữ dân quân xã N. (Quảng Bình), chi tiết kỹ thuật và tình hình chiến sĩ với vũ khí, khí tài, tự nhiên có những dòng rõ ràng không đúng điều lệnh quân sự: “Nếu nạp lên, trên không nhận, sẽ cho giữ vỏ đạn lại, chờ đánh xong giặc Mỹ, sẽ đem đúc nồi đồng”! Con người lao động và nội trợ trong người chiến sĩ Ngô Thị The ấy đang để lộ tính cách cơ bản của mình. Và hình ảnh quen thuộc, gần gũi về vị Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang miền Nam Nguyễn Thị Định, cũng là hình ảnh một người mẹ, một người chị, ngồi trên chiếc võng đã chiến, kim chỉ và chiếc áo trong tay, trìu mến nhìn và chăm chú nghe chiến sĩ. Đấy chính là một phụ nữ:
“Lúc tiến lệnh đều trăm đội ngũ,
Đêm về ngồi vá áo chiến binh!”[1]
Như thế, con người lao động và con người nội trợ ở trong mỗi người phụ nữ Việt Nam mới chính là hình ảnh thường hằng về họ, Con người chiến sĩ, lúc nổi lên thật rạng rỡ, nhưng nhiều lúc vẫn lẩn vào con người lao động và nội trợ, có khi ngay cả vào dịp đang xuất hiện rõ rệt nhất, nó cũng mang cốt cách của hai con người kia. Người phụ nữ nông dân Cao Thị Thả ở Tĩnh Gia (Thanh Hoá), chèo thuyền xông ra biển dưới bom đạn của máy bay Mỹ, diệt cả bọn giặc lái nhảy dù lẫn máy bay đậu trên nước và máy bay lên thẳng của giặc, nhưng vẫn nói rất đúng: “Phải nói công bằng rằng không có thằng giặc Mỹ thì đàn bà chúng tôi mới không phải cầm đến khẩu súng này”. Và bà mẹ Suốt, lập nên kỳ tích trong phục vụ chiến đấu: hàng chục, hàng trăm lần chèo thuyền đưa cán bộ, bộ đội vượt sông trước mưa bom bão đạn, khi được nhà thơ Tố Hữu thán phục hỏi: “Gan chi gan rứa mẹ nờ?”, vẫn chỉ coi trận chiến đấu của mình như là những lần làm ăn bình thường của ông lão ở nhà: “Ra khơi ông còn dám, tui chẳng liều bằng ông!”.
Phong thái bao trùm cốt cách và tâm hồn cơ bản của người phụ nữ Việt-nam đã được tìm thấy ở trong những trường hợp đó. Đấy là sự bình dị, là lòng nhân ái, là ân tình và yêu thương đằm thắm. Chính những điều đó đã làm cho người phụ nữ Việt Nam cần cù, tỉ mỉ, nhẫn nại, dẻo dai, căn cơ, tần tiện, chịu khổ, chịu khó mà lao động đảm đang. Bản thân người phụ nữ dường như không còn thấy đặt ra nhu cầu hưởng thụ gì to tát, nhưng chính là vì chồng con, họ hàng rồi xóm làng, rồi là vì đất nước, vì tình thương yêu tất cả mà họ đã lao động. Cũng chính là với tấm lòng trung hậu, với tình thương yêu mênh mông đối với người thân của mình, rồi với đồng bào chân chính của mình mà người phụ nữ đã thuỷ chung hy sinh, quán xuyến, trong khi làm nghĩa vụ nội trợ. Và cũng chính là vì tấm lòng nhân ái bao trùm mà người phụ nữ đã chiến đấu kiên cường, bất khuất, sẵn sàng chịu đựng và hy sinh oanh liệt.
Khi nhà thơ Chế Lan Viên hỏi một nữ anh hùng: “Vì sao em chiến đấu?” thì thật cảm động là câu trả lời: “Em thương. Em thương các anh quá, nên em liều. Em thấy máu đổ là em thương...”. Cũng thế, hỏi cô Cam Thị Thưng vì sao 17 tuổi, với người bé nhỏ nhưng đã vượt qua bom đạn, cõng bổng được một đồng chí bộ đội bị thương về nơi cứu chữa an toàn; chúng ta cũng được nghe câu trả lời của cô qua nụ cười ngượng nghịu: “Em nghĩ thương các anh mà cõng thấy nhẹ...”. Trái tim nhân ái của phụ nữ Việt Nam là một trái tim lớn. Trái tim đó mang nặng tình thương yêu chính nghĩa nên có lòng căm giận kẻ thù bất nhân mà chiến đấu. “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương” - Nguyễn Đình Chiểu xưa đã phát hiện và khẳng định đặc điểm tâm lý ấy của Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam.
Lòng nhân ái có thể xem như là hạt nhân cơ bản trong tính cách người phụ nữ Việt Nam. Lòng nhân ái đó lớn mênh mông trong suốt tiến trình lịch sử đấu tranh của dân tộc, làm nền cho những phẩm chất tinh thần phong phú, đặc sắc, những khả năng và vai trò thực tế to lớn của họ.
Chúng ta cũng biết rằng sức mạnh và vẻ đẹp Việt Nam, xưa và nay, cũng có nguồn gốc từ lòng nhân ái. Từ Hùng Vương, Nguyễn Trãi đến Hồ Chí Minh, tinh thần ấy là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Phải chăng, tinh thần ấy chính là từ người phụ nữ Việt Nam mà truyền đi và được nhân lên gấp bội? Bởi vì ở đây, hơn ở đâu hết, có vai trò của những người mẹ Việt Nam, những người mẹ xứng đáng với lời biểu dương của Hồ Chủ tịch: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh ra và nuôi dạy nên những thế hệ anh hùng của nước ta”[2].
B. Những phẩm chất tiêu cực
Chế độ phong kiến cùng với lễ giáo Khổng Mạnh và chế độ tôn pháp không những đã áp bức, bóc lột, gò bó, kìm hãm phụ nữ mà còn là chế độ coi khinh và làm nhục phụ nữ. Chính vì thế từ cuối thế kỷ XV trở đi đã dấy lên phòng trào phản kháng của phụ nữ chống phong kiến với một tư thế dũng cảm, ý chí quyết liệt và hành động tích cực.
Để đáp lại thuyết “nam tôn nữ ty” phong kiến là những lời lẽ trào động dân gian:
“Ba đồng một mớ đàn ông,
Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha.
Ba trăm một mụ đàn bà.
Mua về mà trải chiếu hoa cho ngồi!”
Phản bác lại mệnh lệnh “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” là câu ví sắc sảo:
“Một trăm con trai không bằng lỗ tai con gái”
Cự tuyệt lời dụ dỗ đường mật của bọn quyền quý:
“Ăn góc quả hồng, ăn cạnh quả hồng
Còn hơn ăn cả chùm sung chát sì”
là lời tuyên bố dứt khoát và thông minh:
“Đói lòng ăn nắm lá sung
Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng!”
Trả lời câu quyết rũ xỏ xiên:
“Một đêm quân tử nằm kề,
Còn hơn thằng ngốc vỗ về quanh năm”
là thái độ dửng dưng mà đằm thắm tuyệt đẹp:
“Chồng ta áo rách ta thương,
Chồng người áo gấm xông hương mặc người!”
Đó là sự phản ánh hành động phản kháng quyết liệt chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến của những phụ nữ đương thời. Tuy nhiên, do trải qua hàng nghìn năm thống trị của chế độ phong kiến cũng đã gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với người phụ nữ.
Trong hàng nghìn năm bị gạt ra khỏi cuộc sống xã hội, mặc dầu cố vươn lên như bông sen, lá súng ngoi khỏi bùn nước để trổ ra với trời mây, nhưng mất địa vị tương xướng với vai trò của mình, bị cả một chế độ với những áp lực nặng nề bao vây, lại thêm ảnh hưởng dai dẳng của mấy chữ “tòng”, chữ “hiếu”, trong những con người phụ nữ xưa, dần dần cũng tồn tại tư tưởng an phận, tự ti, thái độ cam chịu và thụ động. Hạt mưa, tấm lụa là hình ảnh người phụ nữ xưa thường so sánh với thân phận của mình:
“Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”.
…
“Thân gái như hạt mưa sa
Hạt rơi gác tía, hạt ra ngoài đồng!”
Cuộc sống tù túng chật hẹp trong các gia đình, hằng ngày phải va chạm với nhiều việc không tên: thu vén từng cọng rơm cái rác để đun một nồi cơm nhỏ, nuối lấy vài ba con gà nhưng chẳng may lại có một con… bị mất, người phụ nữ xưa có phần bị bó lại trong những tính toán thiển cận, thái độ hẹp hòi, nhiều khi bị đắm đuối vào ngay những xích mích nông nổi, vụn vặt giữa những người cùng giới và cùng chung cảnh ngộ với nhau. Có khá nhiều trường hợp người phụ nữ phải mất hầu trọn tâm tư và tài trí của mình vào giải quyết mối quan hệ vợ cả vợ lẽ, mẹ chồng nàng dâu, chị dâu em chồng,… trong khuôn khổ chật hẹp của các gia đình xưa.
“Em chồng ở với chị dâu,
Coi chừng kẻo nó giết nhau có ngày!”
“Chị em dâu như bàu nước lã”.
Cũng vì bị cấm cửa đối với xã hội, không được học hành, lại bị vây hãm trong một chế độ trì trệ, các thế hệ phụ nữ giữa “đêm trường trung cổ” không thể nào mở mang trí tuệ, nên nhiều khi suy nghĩ và hành động lúng túng trong bóng tối của mê tín dị đoan, sự hiểu biết nhiều khi nông cạn, thiếu hẳn ánh sách của văn hóa khoa học. Đây là một điều thực tế đã hạn chế rất nhiều khả năng cống hiến cua họ và đã góp phần đắc lực vào việc kìm hãm, áp bức họ.
Kết luận
Con người lao động đảm đang, con người nội trợ trung hậu, con người chiến sĩ dũng cảm - đấy là hình ảnh truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Và đấy là những truyền thống đã hình thành ổn định trong suốt quá trình lịch sử lâu dài. Những người phụ nữ Việt Nam hiện đại mang trong mình truyền thống đó và ngày càng tự giác phát huy truyền thống đó trong hoàn cảnh và điều kiện mới. Khẳng định điều này, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt-nam đã tặng danh hiệu “Dũng cảm, đảm đang chống Mỹ cứu nước” cho thế hệ phụ nữ Việt-nam hiện đại. Và Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cũng đã tuyên dương danh hiệu “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” cho phụ nữ toàn miền Nam.
Trong thời đại phát triển hiện nay, chính những phẩm chất tinh thần ấy đã tạo ra một sức mạnh mới cho người phụ nữ Việt Nam trong cuộc đấu tranh xây dựng đất nước. Phụ nữ Pháp đã nói với phụ nữ Việt Nam: “Cảm ơn gương sáng của các bạn đã làm cho danh từ “phẩm chất” giữ được trọn vẹn ý nghĩa thực sự của nó”[3]. Phụ nữ Lào cũng đã nhận xét: “Những thành tích to lớn và vẻ vang của chi em phụ nữ Việt Nam là một tấm gương quí báu và sự cổ vũ to lớn, động viên phụ nữ chúng tôi quyết tâm, dũng cảm trong đấu tranh vì sự tiến bộ của mình”[4]
Những ý kiến trên đây là xuất phát từ sự nhận thức của các bạn quốc tế về phẩm chất tinh thần truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Mọi người đều biết rõ: về nhiều mặt, phụ nữ Việt Nam còn đang gặp những khó khăn trở ngại, còn đang có những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục. Nhưng chính là, với những phẩm chất tinh thần đặc sắc của mình, phụ nữ Việt Nam đã được phụ nữ thế giới ca ngợi, đã được xem như một trong những hình tượng đẹp đẽ và trong sáng và thế giới cách mạng.
Với tinh thần dân tộc và ý thức độc lập tự chủ mạnh mẽ, với bản sắc dân tộc đậm đà, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp thực sự to lớn trong suốt tiến trình lịch sử xã hội Việt Nam đối với sợ phát triển dân tộc Việt Nam đã quy định đặc thù của người phụ nữ Việt Nam. Đó là những yếu tố rất cơ bản, những yếu tố cội nguồn để phụ nữ Việt Nam cùng với cả dân tộc mình khắc phục những nhược điểm và khó khăn, phát huy những ưu điểm và thuận lợi, nhằm đẩy mạnh đổi mới đất nước, tăng cường khả năng để không những hòa nhập mà còn đóng góp vào sự tiến bộ của thế giới ở thế kỷ XXI.
(*) Nhà nghiên cứu Nhân học Xã hội, Giám đốc sáng lập Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED)
[1] Lưu Trong Lư: Người con gái Sông Gianh.
[2] Lời Hồ Chủ Tịch, tháng 10 - 1966
[3] Thư của Hội Liên hiệp phụ nữ Pháp gửi Hội Liên hiệp phụ nữ Việt-nam, ngày 18 – 2 – 1969.
[4] Thư của Hội Liên hiệp phụ nữ Lào gửi Hội Liên hiệp phụ nữ Việt-nam, ngày 20 – 7 –1967.