|
Noi gương Bác, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân Ngày cập nhật 19/12/2013 | Bác Hồ với nhân dân. |
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tấm gương giữ gìn đạo đức và đặc biệt quan tâm vấn đề giáo dục, xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. So với các lãnh tụ khác trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhiều về đạo đức về những tiêu chuẩn đạo đức của người cách mạng, người cán bộ, đảng viên... như trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, sống có tình có nghĩa, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tinh thần đoàn kết quốc tế... Một trong những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đó là phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Hai chữ phục vụ ai cũng hiểu và dùng rất nhiều, vốn là chữ Hán và nghĩa của nó là "làm việc vì lợi ích của một tập thể (hoặc cá nhân) hoặc cho một sự nghiệp nào đó". Phục vụ nhân dân chính là hết lòng hết sức làm việc và đem lại lợi ích cho dân.
Với ý nghĩa đó, năm 1926, trong một bài viết, Người đã nêu lên 12 tiêu chuẩn của người cách mạng kiểu mẫu, trong đó ghi rõ:
"1. Ðêm ngày nghĩ đến sự nghiệp cách mạng và cứu độ nhân loại.
2. Hy sinh tiền bạc, thời gian và cả máu vì lợi ích các dân tộc bị áp bức; tóm lại, phải vị tha và không ích kỷ, phải tuân thủ theo phương châm "TỔ QUỐC TRÊN HẾT" ở mọi nơi và mọi lúc.
3. Làm việc không mệt mỏi tùy theo phương tiện và năng lực của mình, người giàu góp tiền, người trí thức góp tri thức và thợ thuyền góp sức, không gì ngăn trở được sự nghiệp cách mạng tiến lên..."(1).
Từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thiết lập chính quyền dân chủ cộng hòa, Người nhắc nhở và kêu gọi: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật"(2).
Sau khi hòa bình lập lại, bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhắc nhở: "Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đày tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân"(3).
Qua câu nói, chúng ta hiểu phục vụ nhân dân vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của người cán bộ, đảng viên đối với dân, vừa là sự đền ơn trả nghĩa đối với nhân dân. Nhân dân là người đóng vai trò quyết định trong sự nghiệp cách mạng, là nhân tố quan trọng không thể thiếu được trong tiến trình cách mạng, từ giải phóng dân tộc đến kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đến ngày nay trong sự nghiệp thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Người đã từng tổng kết một cách ngắn gọn: "Có dân là có tất cả!".
Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân là một tiêu chuẩn đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Ðảng, cho cách mạng. Ðó là điều chủ chốt nhất; Tiêu chuẩn số 1 của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Ðảng, cho cách mạng.
Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Ðảng, cho cách mạng thể hiện ở các mặt sau đây: Một là, trung thành với sự nghiệp cách mạng, mục tiêu cách mạng, trung thành với Ðảng với nhân dân. Hai là, thực hiện tốt đường lối chính sách, kỷ luật của Ðảng và pháp luật của Nhà nước. Ba là, phải làm việc thật tốt, ra sức hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Bốn là, ra sức học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng phẩm chất, cải tiến phong cách làm việc để hoàn thành nhiệm vụ ngày một tốt hơn. Làm việc tốt chính là người có đạo đức, là hành động cụ thể thể hiện điều chủ chốt nhất của đạo đức cách mạng.
Có một câu chuyện nhỏ chứng minh cho quan điểm này của Bác:
Ðồng chí Nguyễn Lương Bằng có lần báo cáo với Bác về tình hình đạo đức đảng viên. Ðồng chí báo cáo rất cụ thể số liệu tham ô, hủ hóa, vô kỷ luật, v.v. Nghe xong Bác hỏi lại: Chú có nắm được bao nhiêu người chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ không? Rồi Bác giải thích tiếp: Những điều chú báo cáo trên đây cũng là vấn đề đạo đức, song điều chủ chốt nhất của đạo đức cách mạng là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Giữ được phẩm chất những mặt kia nhưng không làm được việc, không hoàn thành tốt nhiệm vụ thì đạo đức ấy chưa đầy đủ.
Ðạo đức cách mạng là đạo đức vị tha, người có năng lực thì sẽ giúp ích cho đời nhiều hơn, đó là sự thống nhất giữa đức và tài. Ðúng như lời Bác dặn, đạo đức cách mạng là đạo đức tập thể: Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, chí công vô tư, vô ngã vị tha, đó là bản chất của đạo đức mới. Có tài mà không có đức thì hỏng việc, có đức mà không có tài làm sao phục vụ nhân dân tốt được. Ðể có được tài phải học tập, nghiên cứu những lĩnh vực liên quan đến công việc của mình. Bác đã từng nói: Cách mạng cũng là một nghề. Làm nghề gì cũng phải học, vậy làm cách mạng cũng phải học. Nếu không giáo dục cho đảng viên làm cách mạng mà cứ yêu cầu họ làm cách mạng thì họ không làm tròn được nhiệm vụ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là điều cao quý nhất. Người đã nhiều lần nói: Ðược phục vụ nhân dân, phục vụ Ðảng và cách mạng là cao quý hơn cả... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân... Ðã phụng sự nhân dân thì phải phụng sự cho ra trò. Chúng ta hiểu rằng phải làm việc có chất lượng và hiệu quả, không thể làm việc tắc trách, "sáng vác ô đi tối vác về"...
Ðể phục vụ nhân dân tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên chúng ta trước hết phải trọng dân, vì dân là chủ, Chính phủ và cán bộ chỉ là đày tớ của dân. Không phải chỉ trọng ở nhân cách "người chủ", mà còn trọng trí tuệ của dân. Người đã tổng kết: "Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra"(4). Người còn nói: Tôn trọng có nhiều cách, không phải chỉ ở chỗ chào hỏi, kính thưa có lễ phép là đủ, mà không được phung phí nhân lực, vật lực của dân.
Ðể phục vụ nhân dân tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khuyên chúng ta phải thương yêu nhân dân. Chỉ hơn một tháng sau ngày tuyên bố độc lập, Người đã gửi thư cho Ủy ban nhân dân các cấp nhắc nhở: Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta; đồng thời phê phán những lỗi lầm như tư thù tư oán, cậy quyền cậy thế, ăn tiêu xa xỉ, kéo bè kéo cánh, kiêu căng coi thường dân chúng... Yêu dân không thể chỉ trên lời nói suông mà phải bằng hành động cụ thể: gần dân để hiểu rõ đời sống, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, những điều bức xúc của dân để giải quyết kịp thời, để nâng cao thêm tinh thần trách nhiệm, tinh thần chí công vô tư, để nghĩ ra những chính sách nhằm từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Người đã từng nói: "Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi"(5).
Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng thương yêu nhân dân còn thể hiện ở chỗ Người không muốn có cuộc sống vật chất cao sang hơn nhân dân khi người dân còn thiếu thốn, vất vả. Người thường nói: Nước ta còn nghèo, không thể sống khác đồng bào. Lòng thương yêu nhân dân còn thể hiện ở chỗ ngày đêm lo cho dân, lo từ việc lớn đến việc nhỏ: Dân không đủ muối, Ðảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Ðảng phải lo. Các cháu bé không có trường học... tất cả mọi việc Ðảng phải lo... ngay đến cả tương, cà, mắm, muối của dân Ðảng đều phải lo...
Ðể lo cho dân từ việc lớn đến việc nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành hết thời gian cho công việc. Ðồng chí Phạm Văn Ðồng đã viết: Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ việc rất lớn là việc cứu nước đến việc rất nhỏ, trồng cây trong vườn, viết một bức thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu miền nam, đi thăm nhà tập thể của công nhân từ nơi làm việc đến phòng ngủ, nhà ăn...
Thật khó mà nói cho hết những việc Chủ tịch Hồ Chí Minh làm suốt ngày, suốt đời, để phục vụ cuộc sống tinh thần và vật chất của nhân dân. Ðó là niềm vui, là khát vọng, là lý tưởng của Người. Vì vậy, trong Di chúc để lại cho muôn đời mai sau, Người viết:
"Về việc riêng. Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa".
Vì nhân dân, Người căn dặn: "Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân".
Nghị quyết của UNESCO năm 1987 khẳng định phẩm chất cao quý đó: "Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu tượng kiệt xuất của sự khẳng định quyền dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội".
25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đời sống nhân dân được cải thiện rất nhiều, nhưng chúng ta chưa thể thỏa mãn với những thành tựu đó. Ðể đưa đất nước tiến nhanh hơn, mạnh hơn, người đảng viên, người cán bộ và các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, nhớ ơn Người khai sáng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sẽ tiếp tục noi theo tấm gương phục vụ nhân dân của Người.
------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr.449.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.56.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.392.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.295.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.572
theo nguoilambaotiengiang.vn Các tin khác
|
| |
|
|