Ứng dụng mạng 5G giúp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số
Ngày cập nhật 26/12/2023

Mạng di động 5G tại Việt Nam được nhận định phát triển đúng tốc độ và đang bước vào giai đoạn xây dựng hệ sinh thái đồng bộ để đảm bảo quá trình chuyển đổi số tiếp tục tăng tốc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, giáo dục….

Hiện nay, trên thế giới, mạng di động thế hệ thứ năm (5G) và hệ sinh thái ứng dụng của nó đang góp phần tích cực đổi mới, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội khác nhau và ngày càng trở thành động lực chính cho quá trình chuyển đổi số.
 
Theo các chuyên gia, thúc đẩy sự phát triển của 5G sẽ đẩy nhanh quá trình tích hợp, ứng dụng và thương mại hóa các công nghệ cao, công nghệ mới như công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và Blockchain, từ đó tạo ra nhiều doanh nghiệp mới, mô hình kinh doanh mới.
 
Cùng với đó, thúc đẩy sự phát triển của 5G sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi từ quản lý đến phương pháp sản xuất, giúp gia tăng giá trị và lợi thế cạnh tranh cho các ngành công nghiệp truyền thống và tăng tốc hiện đại hóa năng lực quản trị, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân.
 
Sau khi thử nghiệm kỹ thuật rồi đến thử nghiệm thương mại, đến thời điểm hiện nay, 3 nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone đã triển khai dịch vụ 5G tại hơn 40 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, dịch vụ 5G chủ yếu được cung cấp tại các thành phố lớn, khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu công nghệ cao…. Tháng 7/2023, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã công bố thử nghiệm thành công dịch vụ mạng di động 5G dùng riêng cho nhà máy Pegatron tại Hải Phòng - nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam được tự động hóa dựa trên kết nối của dịch vụ di động 5G với ưu thế tốc độ cao, độ trễ thấp, hỗ trợ nhiều kết nối. Điều đó cho thấy, Việt Nam đã tham gia tiếp cận vào 5G rất sớm cả từ phương diện quản lý nhà nước đến triển khai mạng lưới, cung cấp dịch vụ.
 
Việc thử nghiệm 5G, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông thực sự có giá trị cho doanh nghiệp vì mạng 5G và kinh doanh trên mạng 5G thực sự khác biệt so với triển khai mạng trên các công nghệ 4G, 3G và 2G.
 
Theo ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, việc thương mại hóa 5G sẽ mang lại lợi ích gấp ba lần cho Việt Nam về xã hội, kinh tế và môi trường.
 
Đánh giá cao tham vọng của Chính phủ trong việc trở thành một Trung tâm AI khu vực trong ASEAN, cũng như lọt vào top 40 quốc gia về Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu, top 30 về Chỉ số An ninh mạng Toàn cầu của Liên minh Viễn thông Quốc tế và top 50 về Chỉ số Phát triển Chính phủ Điện tử của Liên Hiệp Quốc đến năm 2030… ông Denis cho rằng cũng giống như các quốc gia viễn thông phát triển khác, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu xây dựng hệ sinh thái 5G cho thương mại hóa.
 
“Việt Nam đã triển khai hoạt động phát triển 5G rất tốt. Tôi tin Chính phủ và các nhà mạng có lộ trình thích hợp và tiến độ tốt trong lĩnh vực này. Trong 2-3 năm tới, khi quá trình triển khai đi vào đại trà, tốc độ phát triển sẽ tăng rất nhanh”, ông Denis Brunetti cho biết.
 
Cùng quan điểm, ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, 5G và hệ sinh thái ứng dụng của nó đang góp phần tích cực đổi mới, thúc đẩy quá trình đổi số sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội khác nhau và ngày càng trở thành động lực chính cho quá trình chuyển đổi số.
 
Do đó, cả cơ quan quản lý, các nhà mạng, nhà cung cấp giải pháp cần quan tâm, hợp tác mãnh mẽ để xác định các ứng dụng tiềm năng cùng với các mô hình kinh doanh trên cơ sở hạ tầng và dịch vụ mạng 5G cho giai đoạn đầu và dài hạn của quá trình phát triển 5G.
 
“Trước đó, chúng ta đã triển khai 2G, 3G, 4G theo đúng lộ trình. Ban đầu khi triển khai 2G, các chi phí đầu tư là rất lớn, chi phí thuê nhà trạm rất cao. Sau đó, việc triển khai 3G, 4G có chi phí giảm dần”, ông Hy chia sẻ.
 
Tuy nhiên, phát triển 5G tại VNPT hiện nay lại theo hướng B2B, nghĩa là tập trung mạnh việc triển khai 5G để cung cấp dịch vụ cho đối tượng là tổ chức, doanh nghiệp chuyên biệt như khu công nghiệp,nhà máy, cảng biển với những yêu cầu khác biệt về tốc độ, mật độ thiết bị, độ trễ…
 
“Do vậy, nếu phát triển mạng 5G, nhưng phía khách hàng/doanh nghiệp chưa có sự tương thích, chưa có nhu cầu thì sẽ không đạt hiệu quả. Do vậy, VNPT đang làm việc với một số nhà máy sản xuất để xây dựng các kết nối riêng. Chúng tôi tập trung vào thị trường ngách trước khi tiến tới thị trường đại chúng”, ông Hy nói và cho rằng cần xây dựng chương trình 5G đồng tốc để tạo lợi ích cân bằng, từ cả phía chính phủ, nhà cung cấp mạng, khách hàng doanh nghiệp, người sử dụng dịch vụ…
 
Chia sẻ thêm về chuyển đổi số và việc triển khai 5G, ông David Liden, Tham tán thương mại, Trưởng đại diện Business Sweden cho rằng, số hóa phải được tích hợp vào tất cả các khía cạnh của xã hội để tạo ra tác động từ người bán, các sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến và các cơ quan chính phủ đang giám sát các hoạt động trực tuyến cũng như các tổ chức giáo dục và hộ gia đình....
 
Do vậy, để hình thành hệ sinh thái cho chuyển đổi số nói chung hay 5G nói riêng phải hình thành mối liên kết hiệu quả, các chương trình tài chính cần được triển khai quyết liệt với trọng tâm lớn và mục tiêu rõ ràng để thu hút tất cả các chủ thể xã hội tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
 
“Những gì chính phủ Thụy Điển đã làm để thúc đẩy cuộc cách mạng kỹ thuật số là công nhận và cung cấp hướng dẫn cũng như hỗ trợ thiết thực cho các bên liên quan, bao gồm các trung tâm đổi mới sáng tạo, học viện, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm và dịch vụ khác nhau cũng như các cơ quan chính phủ để thực hiện chức năng của họ trong hệ sinh thái kinh tế kỹ thuật số”, ông David khuyến nghị.
 
Ngọc Hân
Các tin khác
Xem tin theo ngày