Đọc lại thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng tự hào và biết ơn Bác. Người không những là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa của thời đại, mà còn là một nhà giáo, một tấm gương “suốt đời tự học” để trưởng thành, để đi lên và cống hiến cho đất nước. Theo Người, muốn trở thành người có đức, có tài để phục vụ và cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc, cho Nhân dân thì “Suốt đời phải học tập”. Chỉ có học tập, con người mới nâng cao sự hiểu biết về mọi mặt và phục vụ cho quê hương, đất nước nhiều hơn, tốt hơn. Khi đang là một học sinh ở Huế, Người nghe nói đến: Tự do, bình đẳng, bác ái của Cách mạng Tư sản Pháp, thế là Người muốn tìm đường sang Pháp và các nước trên thế giới để tìm hiểu, học tập cách đấu tranh để giải phóng dân tộc. Từ giữa năm 1911, Người làm bếp trên một chiếc tàu buôn, để tìm đường cứu nước. Từ năm 1911 đến tháng 6 năm 1923, Người đã đến nhiều nước và nhiều châu lục để tìm hiểu, học tập và hoạt động cách mạng trong điều kiện đầy gian khổ và khó khăn, như: làm bếp, quét tuyết, phục vụ khách sạn, làm báo, làm ảnh, làm vườn để kiếm sống, học tập và tìm hiểu con đường cách mạng.
Năm 1920, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành lúc này là Nguyễn Ái Quốc tại một cuộc họp của Đảng Cộng sản Pháp đã nhắc lại thực trạng của Việt Nam thiếu những quyền tự do sơ đẳng và bổ sung thêm: “Chúng tôi bị cưỡng bức sống trong cảnh dốt nát và tầm thường vì chúng tôi không có quyền được học hành...”.
Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Khi nền độc lập còn non trẻ của nước nhà đang đứng trước nguy cơ ngàn cân treo sợi tóc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ đề ra cho toàn dân nhiệm vụ thiêng liêng là đoàn kết chống giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm; đề ra chính sách chiêu hiền đãi sĩ, kêu gọi người tài năng ra gánh vác việc nước; đồng thời, phát động phong trào bình dân học vụ phát triển sôi nổi rộng khắp trên cả nước. Chính sách khuyến học, khuyến tài của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đã phát huy tác dụng to lớn, nhanh chóng nâng cao dân trí, thu hút tầng lớp trí thức tham gia phong trào cách mạng.
Một ngày sau lễ Tuyên bố độc lập 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó Người nêu: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, muốn cho nước ta trở thành một nước giàu mạnh thì dân tộc ta phải trở thành một dân tộc thông thái”.
Trả lời các nhà báo nước ngoài được đăng tải trên báo Cứu Quốc số 147 ngày 21/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Từ tháng Tám năm 1945 đến lúc qua đời, mặc dù trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước, nhưng Người vẫn luôn học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, để có đủ tài, đức, năng lực lãnh đạo, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người từng nói: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới chỉ có 40 tuổi mà đã cho mình là già, nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già, Bác đã 76 tuổi (năm 1966) nhưng Bác vẫn cố gắng học thêm”.
Trong tác phẩm Giáo dục của Hồ Chí Minh, Bác dành nhiều tâm huyết cho công tác “Dạy chữ và dạy người”. GS. Hoàng Chí Bảo trong bài nói chuyện của mình đã cho biết, mỗi cấp học, ngành học Bác chỉ căn dặn một câu súc tích nhưng vô cùng sâu sắc: dạy mầm non “cốt nhất giữ mãi tuổi hồn nhiên cho các cháu, đừng bắt các cháu già trước tuổi”; dạy tiểu học “cốt nhất là dạy các đức tính để làm người” (theo 5 điều Bác Hồ dạy); dạy phổ thông (trung học) “cốt nhất là dạy kiến thức cơ bản, học xong có thể làm việc được ngay, để tự nuôi sống mình. Rồi sẽ tiếp tục học lên, học tập suốt đời”; dạy đại học là “để đào tạo chuyên gia, nên phải dạy theo phong cách nghiên cứu”.
Bác ở trong ngành giáo dục không nhiều, chỉ dạy học ở trường Dục Thanh một thời gian rất ngắn, nhưng Bác nói về giáo dục đến chuyên gia lỗi lạc nhất thế giới cũng phải khâm phục. Lênin dạy thanh niên: “Học, học nữa, học mãi”, Bác Hồ cũng có lời dạy thật sinh động: “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót; học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng” và đời Bác là đúng như vậy. Trong bối cảnh chấn hưng nền giáo dục nước nhà hiện nay, những lời căn dặn của Bác vô cùng có ý nghĩa.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng về khuyến học, khuyến tài, “xây dựng xã hội học tập”, Hội khuyến học các cấp ở tỉnh trong những năm qua được triển khai sâu rộng, đã và đang động viên, giúp đỡ nhiều thế hệ học sinh “vượt khó hiếu học”; thật sự góp phần “đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao dân trí” cho quê hương, đất nước; thiết thực đưa chủ trương xã hội hoá giáo dục của Đảng và Nhà nước ta đi vào cuộc sống.