Sự nghiệp chấn hưng và phát triển đất nước từ Di chúc của Bác
23/10/2014

Sau 45 năm chúng ta càng thấy rõ: Di chúc là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền. Di chúc là tác phẩm bàn sâu sắc về những định hướng xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta hôm nay.

Gói trọn tâm nguyện, tình cảm, ý chí và niềm tin

Bắt đầu từ 9 giờ sáng ngày 10/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc bất hủ. Bản thảo đầu tiên được hoàn thành sau bốn ngày, dài gần 3 trang, được Người tự tay đánh máy, ký và được đồng chí Lê Duẩn xác nhận. Sau đó mỗi năm, đúng dịp sinh nhật mình, Người lại mang bản thảo Di chúc ra chỉnh sửa, bổ sung cho đến lần cuối ngày 10-5-1969. Dù trí tuệ còn minh mẫn, tinh thần còn sáng suốt nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ những bước đi của thời gian và quy luật sinh học nên đã chủ động, thanh thản và đầy trách nhiệm để lại cho chúng ta những dòng tràn đầy tình cảm và sáng ngời trí tuệ. Bản Di chúc bất hủ đã gói trọn tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin của Người với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng.

Trên cơ sở lòng tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chính nghĩa, trong những dòng viết cuối cùng để lại cho chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đề cập đến những vấn đề mà Đảng ta, nhân dân ta cần chú ý thực hiện sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi, mặc dù khi Người từ giã chúng ta, cuộc chiến đấu của quân và dân hai miền còn đang diễn ra quyết liệt trên các chiến trường. Mỗi việc trong Di chúc, Người chỉ nói vắn tắt, nhưng trong những câu chữ vắn tắt đó nổi rõ những định hướng chiến lược phát triển toàn diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá sau chiến tranh, để mong muốn cuối cùng của Người trở thành hiện thực: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb, CTQG Hà Nội 2011, tập 15, từ trang 609-624). 

Trước hết nói về Đảng

Đứng trước nhiệm vụ nặng nề xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, “Theo ý tôi, việc phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng (chữ gạch chân trong nguyên văn) làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi” .

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ nguyên nhân những thắng lợi của cách mạng Việt Nam là nhờ đoàn kết - đoàn kết chặt chẽ trong Đảng và Đảng lãnh đạo đoàn kết toàn dân: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta”.

Đó là quá khứ vẻ vang, là truyền thống quý báu mà chúng ta rất trân trọng tự hào. Để tiếp tục đạt được những thắng lợi trong hiện tại và tương lai, điều cần thiết là phải biết phát huy những gì tốt đẹp của truyền thống quý báu, của quá khứ vẻ vang đó. “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng được Người chỉ rõ là: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” và điều cốt yếu khi thật thà tự phê bình và phê bình là: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, bài nói chuyện về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ở Di chúc Người chỉ nêu lại những điểm mấu chốt nhất, quan trọng nhất, cần thiết nhất cho Đảng ta khi bắt tay vào sự nghiệp lãnh đạo nhân dân ta hàn gắn vết thương chiến tranh, tái thiết và phát triển đất nước. Những điều này càng có ý nghĩa khi Đảng ta đang phải đối mặt trước những thời cơ và thách thức trong bối cảnh mới, khi thực tiễn biến đổi ngày càng nhanh chóng và sâu sắc. 

Dựa vào lực lượng của toàn dân

Sau khi đất nước đã ra khỏi chiến tranh, Bác nêu vấn đề “xây dựng lại thành phố và làng mạc, đẹp đẽ đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng”. Có thể nói đây là một chương trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Trong yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng cần phải cókế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (Chữ gạch chân trong bản chụp bút tích) bao hàm ý nghĩa nâng cao toàn diện đời sống của nhân dân, cả về vật chất (phát triển kinh tế), cả về tinh thần (phát triển văn hoá).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân. Trong Di chúc, một lần nữa Người nhấn mạnh vai trò, sức mạnh và năng lực sáng tạo của lực lượng quần chúng nhân dân đông đảo: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã hư hỏng, cũ kỹ, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân”. Khi chúng ta đang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường mối quan hệ Đảng - Dân; Dân - Đảng để huy động nhân dân tham gia những phong trào do Đảng phát động chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, chống suy thoái, biến chất - như một nhiệm vụ cấp bách của Đảng hôm nay, những dòng căn dặn cuối cùng của Người càng mang ý nghĩa lớn hơn, rộng hơn.

Tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay có nghĩa là tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, nâng cao đời sống của nhân dân, nâng cao vị thế của đất nước về mọi mặt.

baothuathienhue.vn
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày