Bác dặn “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự”, vì “thật sự” đối lập với giả dối; “thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” - đó là sứ mệnh cao cả của đảng cầm quyền. Và khi đã có những đức đó thì đảng sẽ mạnh, đảng sẽ trong sạch, đảng sẽ có được lòng tin của nhân dân. Vì thế, Bác Hồ đã coi “thật sự” đó như là sự sống còn của tạo hoá:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính
Thiếu một mùa thì không thành trời.
Thiếu một phương thì không thành đất.
Thiếu một đức, thì không thành người”.
Vậy thì mỗi đảng viên, cán bộ của Đảng cầm quyền phải “thật sự” làm đúng những điều Bác dặn về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư vì đó là cốt lõi để làm người và thành người.
Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn tới chí công vô tư; đã có chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần kiệm liêm chính và có được nhiều tính tốt khác. Nói tóm tắt thì tính tốt ấy gồm: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.
Vậy là khái niệm cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đúng là gốc của con người. Con người, trong đó đặc biệt là người cán bộ đảng viên có gốc ấy thì người vững, nếu gốc ấy mục ruỗng tất yếu con người sẽ đổ. Bác Hồ đã dự báo một cách khoa học, sáng suốt và thiên tài về tư tưởng đạo đức cần, kiệm, liêm, chính đối với bất cứ Đảng cộng sản cầm quyền nào, vì: đạo đức này có tính định mệnh tới sự thắng lợi, tồn vong, hưng thịnh, sự suy yếu thất bại của đảng cầm quyền; Đó là sức mạnh của đảng - sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa.
Thực tế lịch sử đã cho thấy Đảng Cộng sản Liên Xô và một số đảng các nước Đông Âu đã đánh mất thứ vũ khí sắc bén này của đảng cầm quyền, cho nên đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm đảng hỏng và nhận sự thất bại đau đớn. Ông V.Putin, đương kim Tổng thống Liên bang Nga đã chỉ rõ điều đó: “Tệ tham nhũng, thói quan liêu, hách dịch và hoạt động tội phạm tăng lên đang làm dân chúng mất lòng tin và làm giảm sức mạnh của đạo đức trong xã hội chúng ta. Nước Nga chỉ có thể phát triển phồn thịnh nếu thành công của mọi người phụ thuộc không chỉ vào mức sống của họ, mà còn vào đạo đức và trình độ văn hoá”.
Cuộc sống đang đòi hỏi, đất nước và nhân dân đang mong chờ Đảng ta phải giữ cho được, thực hiện cho đúng phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư mà cả đời mình Bác Hồ đã dày công chăm lo giáo dục rèn luyện cho Đảng. Người đã đề cập đến phẩm chất này nhiều nhất, thường xuyên nhất trong mọi thời kỳ, giai đoạn của cách mạng, từ “Đường cách mệnh”, cho đến bản Di chúc cuối cùng. Bản thân Người cũng thực hành trước nhất, nhiều nhất từ khi làm cách mạng cho đến phút cuối cùng cuộc đời mình để làm gương cho Đảng - cuộc đời Người thanh bạch chẳng vàng son, Người sống cho tất cả chẳng có gì riêng cho mình, Người sống vượt lên trên hết thảy mọi ham muốn vật chất để thực hiện ham muốn tột bậc nước độc lập, dân tự do, mọi người có cơm ăn. áo mặc và học hành, suốt cuộc đời Người chăm chút lo toan giáo dục rèn luyện Đảng nâng cao phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư để “Đảng là đạo đức, là văn minh” là người đầy tớ của nhân dân.
Để làm được đúng lời căn dặn của Bác “mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, thì lúc này phải thắng được “giặc nội xâm”, “giặc quốc nạn” loại giặc vô ảnh, vô hình là tên giặc tham nhũng ở ngay trong lòng mình, trong tổ chức mình. Vì loại giặc này đang rình rập phá hoại Đảng, phá hoại chế độ và sẽ làm cho Đảng hỏng, nếu mỗi cán bộ đảng viên không thắng được nó.
Điều đó đã được Đại hội X cảnh báo: “Tham nhũng chính là diễn biến hòa bình”; “sự suy thoái về đạo đức, lối sống dẫn đến tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu nhân dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên (trong đó có cả đảng viên có chức có quyền) diễn ra rất nghiêm trọng có xu hướng tăng cả về số lượng, lẫn phạm vi. Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân ngày càng gia tăng. Đó là chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy lợi, chạy tội, chạy bằng cấp, kể cả chạy tước để được đề bạt”; “Trong nhiệm kỳ tới, nếu không ngăn chặn một cách có hiệu quả thì tham nhũng sẽ trở thành thách thức lớn nhất của công cuộc đổi mới đất nước, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ”.
Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa X, đồng chí Tổng Bí thư nhắc lại rằng: “Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, phạm vi rộng, tính chất rất phức tạp, làm cho nhân dân lo lắng, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của chế độ ta”…
Trước sự sống còn của Đảng, của chế độ hiện nay, đất nước và xã hội đang trông chờ vào sự quyết tâm, tâm huyết của thế hệ lãnh đạo đất nước, mà Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã bày tỏ trước Đảng “Muốn cho các cấp “nói thì phải làm”, trước hết từng đồng chí ủy viên trung ương chúng ta phải gương mẫu. Mỗi đồng chí ủy viên trung ương Đảng và gia đình của mình phải là tấm gương trong xã hội về cuộc sống trong sạch, liêm khiết… xứng đáng là đảng viên do Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện”.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã bày tỏ cùng toàn dân: “Chúng mình nặng nợ quốc gia, chung vai gánh vác nước nhà Việt Nam”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện quyết tâm “kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu… Nắm bắt kịp thời tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhằm động viên kịp thời những cán bộ, đảng viên tốt, loại bỏ những cán bộ, đảng viên tha hóa biến chất”.
Đảng và Nhà nước “nói” là như vậy, để “làm” được điều nói thì phải làm nghiêm chỉnh, làm thật sự điều Bác Hồ dặn “Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Điều trước hết của việc làm đó là chỉnh đốn cán bộ. Vì sao? Vì, như Bác Hồ đã chỉ bảo: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng bị tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.
Và thực tế hiện nay như điều đồng chí Tổng Bí thư đã nói tại Hội nghị Trung ương 3 Khóa X: “Hành vi tham nhũng, lãng phí là biểu hiện sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, công chức”; Đồng thời, yêu cầu đặt ra cho Đảng ta, đội tiên phong của giai cấp công nhân và của dân tộc hiện nay là lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam, xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ đủ sức đảm đương nhiệm vụ mới mà dân tộc và thời đại đang đặt ra.
Thành công của Đại hội X mang đến cho toàn Đảng, toàn dân niềm tự hào và niềm vui, sự đợi chờ, sự mong mỏi - sau Đại hội Đảng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới, đưa đất nước đi lên, thoát khỏi tình trạng kém phát triển để hòa đồng cùng thế giới. Trước mắt là quét sạch được bọn tham nhũng, đây là bọn tham quan ô lại, những con sâu mọt đang làm mất thanh danh uy tín của Đảng cầm quyền, đang làm xói mòn lòng tin của dân chúng vào Đảng, vào chế độ.
Để xứng đáng là người lãnh đạo chính trị đối với xã hội, để lấy lại niềm tin yêu, hy vọng của nhân dân, nhất là đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X vào cuộc sống, mỗi đảng viên, cán bộ của Đảng cầm quyền phải thật sự tự xây dựng, phải thật sự tự chỉnh đốn mình, thật sự làm đúng lời căn dặn của Bác Hồ thật sự cần, kiệm, liêm, chính.
Đất nước, nhân dân đang dõi theo, đang trông đợi Đảng, Nhà nước cần có những cố gắng lớn, quyết tâm chính trị cao và thái độ kiên quyết, không nể nang trong phòng ngừa và chống tham nhũng, và trong việc chỉnh đốn Đảng sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền đúng thực chất như Bác Hồ từng dạy bảo và mong muốn: “Cán bộ Đảng, chính quyền không phải làm quan cách mạng ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng, chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính”.