Những mô hình ngấm vào lòng dân
Chừng 20 năm về trước, đường làng ngõ xóm của Mỹ Lợi chỉ là những con đường đầy cát và cát, nhỏ hẹp làm trĩu nặng những bước chân đi. Khoảng năm 1990, lãnh đạo xã nảy ra ý tưởng xây dựng giao thông nông thôn, tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Lúc đó, Vinh Mỹ chưa huy động nguồn lực của Nhà nước mà chủ yếu nhờ vào sức dân. Ban đầu, việc làm này chỉ có khái niệm là “cứng hóa đường làng”, bằng cách lấy bùn đắp đường để làm cứng và mở rộng mặt đường. Về sau, khái niệm “bê tông giao thông nông thôn” bắt đầu xuất hiện và có sự đóng góp của Nhà nước cùng với nguồn đối ứng của nhân dân. Ông Phan Xuân Độ tâm sự: “Nhờ giữ nhiều cương vị quan trọng của xã Vinh Mỹ suốt từ năm 1989 đã tạo uy tín, giúp ông thực hiện thành công nhiều kế hoạch, hướng đi xây dựng vùng quê “nhất làng, nhất xã” thực sự khác với những địa phương khác”.
Có được hơn 25km đường bê tông như bây giờ, ông Độ và nhiều đồng nghiệp đã vất vả tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, góp công, đồng thời kêu gọi lòng tốt của những người con xa quê. Đến nay, Vinh Mỹ được công nhận đạt tiêu chí về xây dựng giao thông nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trò chuyện, ông Độ vẫn luôn nhắc mãi: “Tui làm chưa được nhiều mà phần lớn là tui bóc mở nhiều vấn đề, kế sách để giúp dân, giúp làng”. Đúng là nếu không có sự hậu thuẫn, đồng thuận của cán bộ xã, thôn, nhân dân và đóng góp của các “mạnh thường quân” thì sẽ rất khó thành công. Nhưng xét cho cùng, nếu không có ý tưởng và sự quyết đoán “dám nghĩ dám làm” của Chủ tịch Độ, Bí thư Độ suốt mấy nhiệm kỳ thì e rằng Vinh Mỹ khó thay đổi được bộ mặt khang trang như bây giờ.
Có được nhiều đường đẹp, khang trang, nhưng phong trào hợp tác xã lúc đó đi xuống; ruộng ít, nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp yếu dần nên đã tác động đến nhiều mặt khác của xã, trong đó có trường học, giáo dục. Ông Độ tiếp tục vừa vận động làm đường, vừa vận động xây trường học lan toả đến từng thôn. Lúc đó, thôn 1 vận động được tiền xây dựng 1 trường mầm non gồm 2 lớp học. Việc làm ở thôn 1 đã dấy lên phong trào huy động xã hội hóa xây dựng trường học. Các thôn khác cũng làm theo. Sau một thời gian, 5 thôn ở Vinh Mỹ đều có trường học mầm non.
Làm giàu từ “con chữ”
Năm 1992, với sự gợi mở của ông Độ, Ban Khuyến học xã được thành lập, với nguồn quỹ huy động được 5 triệu đồng. Từ số tiền này, ban chỉ dừng lại ở mức khích lệ, động viên tinh thần cho các em học giỏi vào dịp cuối năm. Đến năm 2007, Ban Khuyến học được đổi thành Hội Khuyến học xã, có ban chấp hành là những người tâm huyết và 14 tổ chức, ban khuyến học, chi hội ở các trường học, tổ dân cư. Đến nay, nguồn lực tài chính của hội tương đối lớn mạnh, nhờ nhiều tấm lòng hảo tâm luôn đồng hành đóng góp và ủng hộ. Nhiều trường hợp ủng hộ 1 triệu, 5 triệu, 10 triệu đồng mỗi năm, hoặc có những lúc cần thiết đột xuất, họ sẵn sàng tăng số tiền đóng góp lên nhiều hơn.
Làng Mỹ Lợi ra đời từ năm 1562, gồm 8 họ khai canh. Nay, Mỹ Lợi có đến 45 họ tộc chư phái. Có niên đại từ lâu, các họ tộc đã lưu giữ, phát huy được nhiều nét đẹp truyền thống của dòng tộc trong giáo dục con cháu, tôn trọng nghi lễ đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Giờ đây, tất cả các dòng họ ở Vinh Mỹ đều xây dựng một quỹ khuyến học cho riêng mình để trực tiếp động viên, giúp đỡ con cháu học giỏi, thành tài. Thành quả của việc làm này là có nhiều người con lớn lên ở Vinh Mỹ đã thành tài, trở thành tiến sĩ, giáo sư...
“Nói thì dễ, nhưng không phải ai làm cũng được. Chuyện huy động quỹ khuyến học ở Vinh Mỹ đòi hỏi tôi phải mạnh miệng, kêu gọi nhân dân, cũng như phối hợp, bắt cầu để huy động tất cả con em trong và ngoài nước. Hồi ấy, đã có nhiều “lời ra tiếng vào”, nhưng tôi đã bỏ ngoài tai và đeo đuổi với suy nghĩ những việc mình làm không vụ lợi, không cá nhân và được nhân dân tin tưởng hưởng ứng”- ông Độ chia sẻ.
Hiện nay, ông Độ đã chuyển sang công tác ở HĐND xã, nhưng là người thường tham mưu, gợi mở ý tưởng hay để phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ở địa phương. Ông Độ cho rằng, để thành công và mang lại hiệu ứng sâu rộng, những việc ông đang làm vì lợi ích chung phải luôn dân chủ, minh bạch và cuối cùng là lấy hiệu quả để chứng minh. Dân chủ là thông tin cho dân biết kế hoạch sắp làm và đang làm. Minh bạch là phải rõ ràng, công khai về tài chính. Khi nói đến hiệu quả, ông tỏ ra phấn khích và tự hào vì quỹ khuyến học đã giúp ích và làm thay đổi số phận của rất nhiều người. Ông đã kể cho chúng tôi nghe nhiều con em ở địa phương nhờ nguồn quỹ khuyến học xã đã làm thay đổi số phận nghèo khó. Đó là trường hợp em Trần Hiệu Tuấn ở thôn 2, Vinh Mỹ. Mẹ mất khi Tuấn đang theo học đại học, không có ai để cưu mang, nuôi tiếp em ăn học, nên Tuấn đã có ý định phải bỏ học nửa chừng. Lúc đó, ông Độ và nhiều người trong Ban Khuyến học xã trực tiếp đến nhà động viên, giúp đỡ khoản học phí cho Tuấn. Nhờ thế, Tuấn đã lấy được tấm bằng đại học. Hiện tại, Tuấn đang công tác tại tỉnh Gia Lai và luôn hướng về quê hương, hướng về Quỹ Khuyến học của Vinh Mỹ.
Không chỉ trường hợp của Trần Hiệu Tuấn, có hàng trăm em học sinh nhà nghèo đã được Hội Khuyến học đùm bọc, người dân ủng hộ các khoản học phí trong suốt quá trình học tập, được hỗ trợ phương tiện xe đạp để đi lại... Chính nhờ huy động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục nên Vinh Mỹ không có trường hợp thất học, bỏ học vì hoàn cảnh nghèo.
Năm nay, ông Độ đã 58 tuổi. Cái tuổi để chuẩn bị nghỉ ngơi, vui cùng con cháu. Thế nhưng, ông Độ đang nung nấu kế hoạch khi nghỉ hưu sẽ tiếp tục “xông pha” vào công tác hội chữ thập đỏ. Qua thực tế ông vẫn nhận thấy người dân vẫn còn nghèo, còn khó; đặc biệt sau những thiên tai, bão lụt. Những việc ông nghĩ sẽ và sắp làm cũng nhỏ thôi, nhưng thể hiện con người hết lòng với công việc, sống có nghĩa tình với bà con nhân dân Vinh Mỹ.