Ngày 15-7-1950, trên Báo Sự Thật số 136, với bút danh X.Y.Z., với tiêu đề “Phải chữa cái bệnh cấp bậc”, Bác đã chỉ ra những biểu hiện, nguyên nhân, tác hại và cách chữa trị “Bệnh cấp bậc” của nhiều cán bộ ta. “Bệnh cấp bậc” theo Bác đó là: “tỏ vẻ tự kiêu, tự đại”, xem khinh cán bộ cấp dưới, không chấp hành mệnh lệnh cán bộ cấp trên… Và kết quả của “bệnh cấp bậc” là “cán bộ không đoàn kết, công việc không trôi chảy”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII “Về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” xác định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng đảng…, đòi hỏi Đảng ta phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ ngang tầm, góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa". Trong những năm qua, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng. Đội ngũ cán bộ đã và đang phát huy được vai trò trên các cương vị mà Đảng và nhân dân giao phó. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi cho thấy, một số cán bộ chưa thực sự phát huy trách nhiệm trong công tác, tinh thần tự giác trong học tập, tu dưỡng phẩm chất đạo đức lối sống, ý thức tự phê bình và phê bình chưa cao, còn biểu hiện của “bệnh cấp bậc”. Những biểu hiện đó đã và đang làm giảm sút ý chí chiến đấu, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết trong nội bộ và hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị.
Quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải khắc phục tình trạng suy thoái chính trị, đạo đức, trong đó có “bệnh cấp bậc” của “một bộ phận không nhỏ” đội ngũ cán bộ. Đây là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và cần sự quan tâm, chung sức của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị. Để “chữa được bệnh cấp bậc”, theo chúng tôi, cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình trong các cơ quan, đơn vị
Chế độ tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc của Đảng ta, thông qua tự phê bình và phê bình giúp cho cán bộ, đảng viên nhận rõ những ưu, khuyết điểm của mình và đồng chí, đồng đội. “Mục đích của phê bình là giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở một số địa phương việc thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình còn mang tính hình thức, chiếu lệ, e dè, nể nang, cán bộ cấp dưới không mạnh dạn chỉ ra các khuyết điểm của cấp trên; sau khi phê bình chưa tổ chức rút kinh nghiệm, chưa gắn chế độ tự phê bình và phê bình với chế độ kiểm tra, giám sát. Chính vì vậy, không ít cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị đã và đang “mắc bệnh cấp bậc”. Cán bộ cấp trên, cán bộ già có biểu hiện gia trưởng, mệnh lệnh đối với cán bộ cấp dưới, cán bộ trẻ; cán bộ cấp dưới không dám mạnh dạn đấu tranh, đóng góp ý kiến đối với cán bộ cấp trên; cán bộ trẻ, cán bộ mới nhận công tác thường e dè, “không dám bạo dạn nói bàn, làm việc”.
Do đó, phải “dùng cách phê bình và tự phê bình để rửa sạch đầu óc ngôi thứ, địa vị, và chủ nghĩa cá nhân". “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”. Thông qua tự phê bình và phê bình thẳng thắn sẽ giúp cán bộ nhận thức rõ những ưu, khuyết điểm của mình đồng thời cũng sẽ chỉ ra cho đồng chí, đồng đội (cấp trên, cấp dưới) những khuyết điểm. Thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình còn giúp cho cán bộ (đặc biệt là cán bộ trẻ, cán bộ mới) thể hiện tinh thần, trách nhiệm, trình độ và năng lực của mình trong sinh hoạt và công tác.
Hai là, thực hiện nghiêm nguyên tắc trong sắp xếp, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ
Công tác cán bộ có vai trò quan trọng then chốt trong thời kỳ cách mạng mới, là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Chình vì vậy phải “Đổi mới và tăng cường công tác cán bộ, tạo sự chuyển biến trong thực tế về đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ chủ yếu theo yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ chế thị trường và chính sách mở cửa".
Thực tế ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị trong những năm qua cho thấy, trong luân chuyển, bố trí, bổ nhiệm cán bộ chưa mang tính khách quan, dân chủ, công khai, chưa bám sát vào tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị và trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ; công tác cán bộ chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, có thời điểm còn bị động, lúng túng, cá biệt có nơi thực hiện công tác cán bộ còn cảm tính, cục bộ địa phương… Do đó, một số cán bộ còn lúng túng trong công tác, chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm trên cương vị của mình.
Chính vì vậy, thực hiện tốt công tác cán bộ là cơ sở để các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị có cơ sở trong việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên từng cương vị công tác. Thực hiện công tác cán bộ phải nắm vững tư tưởng chỉ đạo, nguyên tắc của chiến lược cán bộ của Đảng và đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của từng cương vị và địa phương, cơ quan. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các cán bộ có biểu hiện thoái hóa, biến chất, vi phạm đạo đức cách mạng, xa rời quần chúng, xa rời thực tiễn. Cho nên “Trong việc xem xét đề bạt cán bộ chú trọng hơn các yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, ý thức tổ chức kỷ, quan hệ với quần chúng, tính đảng và năng lực thực hiện chức trách được giao theo yêu cầu của công cuộc đổi mới".
Ba là, không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức lối sống và năng lực của cán bộ
Phẩm chất đạo đức lối sống và năng lực công tác của cán bộ là cơ sở, điều kiện để mỗi cán bộ hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị chức trách được giao. Thực tế cho thấy, ở đâu và khi nào cán bộ có những biểu hiện vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống và hạn chế năng lực công tác thì ở đó “bệnh cấp bậc” có “điều kiện phát triển”. Nâng cao đạo đức lối sống và năng lực công tác của cán bộ là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài; là sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo, các cơ quan đơn vị và từng cán bộ. Do đó, các cấp, các nghành, các cơ quan đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” kết hợp với các chế độ kiểm tra, giám sát. Thực hiện đúng nguyên tắc và phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ và công tác phản biện xã hội. Kiên quyết và kịp thời xử lý cán bộ suy thoái về phẩm chất chính trị đạo đức lối sống, tạo không khí dân chủ, đoàn kết trong nội bộ các cơ quan, đơn vị.
Xây dựng kế hoạch, tiến hành có hiệu quả công tác giáo dục, nâng cao trình độ chính trị, năng lực và tác phong công tác cho cán bộ. Tạo điều kiện cho cán bộ (đặc biệt là cán bộ trẻ) trong hoạt động thực tiễn, thông qua thực tiễn để đánh giá năng lực công tác và trách nhiệm của cán bộ. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao tình thần tự học, tự giác trong rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống và tác phong công tác. Tích cực trong hoạt động thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân, đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là người đầy tớ của nhân dân” và phải “đặt công việc chung, lợi ích chung lên trên hết, trước hết”.
Sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới đòi hỏi phải không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Từ thực tế của “bệnh cấp bậc” của không ít cán bộ ta hiện nay. Đòi hỏi các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị và toàn hệ thống chính trị phải tích cực, chủ động, linh hoạt và kiên quyết, đảm bảo đúng nguyên tắc, phương châm, quan điểm chỉ đạo trong công tác cán bộ và khắc phục “bệnh cấp bậc” trong cán bộ. Bởi vì “Có chữa khỏi bệnh cấp bậc, mới xứng đáng là người cán bộ cánh mạng".
Theo TapchiXaydungDang