Trên đường đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí minh đã đến nước Mỹ, tìm hiểu tinh thần bất hủ của Tuyên ngôn độc lập (năm 1776) của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Sống và làm việc ở Pari - Thủ đô nước Pháp, trung tâm văn hóa châu Âu, tiếp nhận những giá trị nhân văn của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (năm 1791), và trên tinh thần tiến bộ của cách mạng Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái, Người đã khái quát chân lý bất di, bất dịch về quyền cơ bản của các dân tộc: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Năm 1919, trên nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết đã được các nước đồng minh thắng trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất thừa nhận, đại diện cho Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi đến Hội nghị hòa bình Véc-xây bản Yêu sách 8 điểm, đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Bản Yêu sách yêu cầu chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương phải giải quyết quyền tự do, bình đẳng tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Trong đó, Người đòi quyền bình đẳng về chính trị pháp lý, yêu cầu chính quyền thực dân phải đối xử với người bản xứ Đông Dương như đối với người châu Âu, tức là phải xóa bỏ các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ khủng bố, đàn áp các bộ phận trung thực nhất trong nhân dân - những người yêu nước; phải bãi bỏ chế độ cai trị bằng sắc lệnh và thay thế bằng chế độ ra các đạo luật. Đồng thời, đòi các quyền tự do dân chủ tối thiểu cho nhân dân, đó là các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do lập hội, hội họp, tự do cư trú… Tuy nhiên, bản Yêu sách đó đã không được người đứng đầu của các quốc gia đồng minh chú ý.
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc từ Mát-xcơ-va về Quảng Châu (Trung Quốc), sau đó tham gia tổ chức thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Nguyễn Ái Quốc là chủ nhiệm đồng thời là cây bút chính của tờ báo. Từ đây, những người yêu nước cách mạng Việt Nam có một diễn đàn chính thức để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, lên án, tố cáo tội ác thực dân, kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh, theo con đường cách mạng Nga, ca ngợi chủ nghĩa cộng sản. Những số đầu của báo Thanh niên đều nêu lên vấn đề đoàn kết, đoàn kết trong cộng đồng xã hội, đoàn kết dân tộc. Tờ báo nhấn mạnh đến tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc.
Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng cũng như trong Lời kêu gọi sau khi thành lập Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, xác định mục tiêu chính trị của Đảng là: Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc “để đi tới xã hội cộng sản”. Tháng 5-1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, viết thư Kính cáo đồng bào, chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”(1). Quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), ra báo Việt Nam độc lập, đưa ra Mười chính sách của Việt Minh với mục tiêu đầu tiên là: “Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền”(2). Ý chí giành độc lập, tự do cho dân tộc của Người kết tinh trong câu nói bất hủ: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(3).
Cách mạng Tháng Tám thành công, thay mặt Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khẳng định trước quốc dân đồng bào và trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (4).
Trong những thư và điện văn gửi Liên hợp quốc và chính phủ các nước trong thời gian đó, Người tuyên bố: “Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”(5). Nhưng khi mong muốn, thành thật hòa bình của dân tộc Việt Nam bị thực dân Pháp cố tình bỏ lỡ, sau nhiều nhân nhượng nhưng không nhận được sự đáp ứng từ phía Pháp, Người kêu gọi: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(6).
Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một chân lý mang giá trị của mọi thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Ý chí giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam của Người trở thành lẽ sống của mọi người dân, để nhân dân hai miền Nam, Bắc kiên cường chiến đấu buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, chấp nhận Điều 1 của chương 1: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ nước Việt Nam như Hiệp định Genève năm một nghìn chín trăm năm mươi tư về Việt Nam đã công nhận”(7).
Độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân là lẽ sống thiêng liêng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”(8). Và chân lý không có gì quý hơn độc lập, tự do trở thành chân lý của mọi thời đại.
Chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do” và quan điểm độc lập, sáng tạo trong vận dụng kinh nghiệm nước ngoài của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giúp cách mạng Việt Nam giành những thắng lợi to lớn: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954), đại thắng mùa Xuân (năm 1975), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Sau 30 năm kháng chiến thành công, đất nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong những năm đầu thống nhất, nước ta phải đương đầu với những thách thức, khó khăn chồng chất: hậu quả nặng nề của chiến tranh chưa được khắc phục, vừa phải tiến hành cuộc chiến đấu mới để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, vừa phải chống lại sự bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, vừa phải tiếp tục tìm tòi, khảo nghiệm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp đặc điểm Việt Nam trong điều kiện mới. Cùng với những khó khăn khách quan, còn có những khuyết điểm chủ quan trong lãnh đạo, quản lý và cơ chế chính sách, khiến cho kinh tế - xã hội lâm vào khủng hoảng trầm trọng.
Đứng trước yêu cầu của lịch sử, nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, khi “đổi mới” đã trở thành vấn đề có tầm quan trọng sống còn đối với dân tộc, với bản lĩnh chính trị đã được tôi luyện trong quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng đã “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, tự phê bình và phê bình sâu sắc, nhận thức lại con đường, bước đi xây dựng chủ nghĩa xã hội, lắng nghe, tập hợp ý kiến nguyện vọng và trí tuệ của nhân dân để hoạch định đường lối đổi mới đất nước tại Đại hội VI của Đảng (năm 1986).
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đáp ứng đòi hỏi cấp bách của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và cục diện thế giới mới. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã không ngừng nỗ lực, tích cực, chủ động tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ về lý luận và thực tiễn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII (năm 1991) và sau 20 năm thực hiện, từ thực tiễn của đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), là bước phát triển nhận thức, lý luận quan trọng trong tiến trình đổi mới đất nước.
Thực hiện đường lối đổi mới, sau 10 năm (đến năm 1996), Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, hoàn thành cơ bản những nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chuyển sang một thời kỳ phát triển mới: Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Hệ thống chính trị được củng cố vững chắc, trong đó công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được nhiều thành quả cả về lập pháp, hành pháp và tư pháp. Công tác đối ngoại được triển khai sâu rộng, có hiệu quả theo phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định trong giao lưu và hội nhập với khu vực và thế giới.
Từ nhà nước dân chủ nhân dân đến nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của nhà nước cách mạng Việt Nam, cả về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi ảnh hưởng, phương thức và tổ chức hoạt động, tính hiệu lực, hiệu quả.
Trong hơn 30 năm đổi mới, tổng thu nhập quốc dân liên tục tăng cao, bình quân đạt 7,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người trước đây chưa đến 100 USD (năm 1990), đạt 640 USD năm 2005, năm 2010 đạt 1.168 USD. Đến Đại hội XII của Đảng, “Tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng lên; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỉ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD(9). Năm 2017, bình quân đầu người ước đạt 2.385 USD. Để bảo đảm công bằng xã hội, nhà nước ta luôn chú trọng đầu tư cho những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo vệ, trợ giúp cho nhóm cư dân dễ bị tổn thương. Hàng loạt các chính sách, chương trình xã hội hướng vào nhóm đối tượng này được triển khai như: Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo, Chương trình phổ cập giáo dục và xoá mù chữ, Chương trình 135, Chương trình 327, Chương trình dân số kế hoạch hoá gia đình, Chương trình điện lưới quốc gia, Chương trình chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Nhờ thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm nhanh từ 22% (năm 2005) xuống còn 9,45% (năm 2010), bình quân mỗi năm giảm 2 - 3% tỷ lệ hộ nghèo; người nghèo đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế (vốn, đất đai, công nghệ, thị trường...) và các dịch vụ xã hội cơ bản như: giáo dục, y tế, nước sạch, trợ giúp pháp lý...; cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường; đời sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt.
Theo đánh giá gần đây nhất của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam là một trong những nước đạt được thành tích nổi bật trong việc giảm số người bị đói từ 46,9% (32,16 triệu người) giai đoạn 1990-1992 xuống còn 9% (8,01 triệu người) trong giai đoạn 2010-2012, và đã đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ 1 (MDG1) - hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 7%.
Năm 2018, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Gần đây là cuộc chiến thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới (Mỹ - Trung Quốc,) ngày càng vượt ra khỏi biên giới hai nước, ảnh hưởng tới chuỗi cung cầu của guồng máy kinh tế thế giới (trong đó có Việt Nam) nhưng: Kinh tế Việt nam vẫn tăng trưởng ổn định, giữ vững các cân đối vĩ mô; hoạt động đầu tư xã hội khá sôi động; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề kinh tế và xã hội còn không ít khó khăn, phức tạp như xu hướng giảm dần tăng trưởng GDP, sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu mỏ của khu vực FDI giảm, hiệu quả tăng trưởng thấp, áp lực lạm phát tăng. Tốc độ GDP 6 tháng đầu năm 2018 ước tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, nhưng quý I tăng 7,45% và quý II chỉ còn 6,79%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2018 tuy giảm 0,09% so với tháng trước sau khi tăng mạnh trước đó, nhưng tăng 2,13% so với tháng 12-2017, tăng 4,46% so với bình quân cùng kỳ năm trước và bình quân 7 tháng năm 2018 đã tăng 3,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, tiếp cận chỉ tiêu tăng dưới 4% theo kế hoạch cả năm... Ngoài ra còn thiên tai, bão lũ, vấn đề vi phạm môi trường, tai nạn giao thông…đòi hỏi hệ thống chính trị phải quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra năm 2018, bám sát phương châm "Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả", thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 19/2018/NQ-CP, số 35/NQ-CP và các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4,5,6,7 (khóa XII) trên tinh thần năng động, sáng tạo, kỷ luật, kỷ cương.
Trong 88 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, những truyền thống vẻ vang của Đảng như: Một lòng, một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, thống nhất trong Đảng; gắn bó mật thiết với nhân dân và dân tộc; độc lập, tự chủ và sáng tạo; luôn nêu cao chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân luôn được khơi gợi và phát huy. Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, tự chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. 51 năm thực hiện chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, tự hào với lịch sử vẻ vang của Đảng, có thể nói rằng Việt Nam đã và đang thực hiện thắng lợi Di chúc của Người: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(10)./.
------------------
Tài liệu tham khảo:
1 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H 2011, T, 3, tr.230
2 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, T, 3, tr.242
3 Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb CTQG, H.1994, tr.196
4 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, T, 4, tr.3
5 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, T, 4, tr.522
6 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, T, 4, tr.534
7 Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2004, tr.481
8 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, T, 4, tr.187
9 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia,Hà Nội, 2016, tr. 225
10 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, T.15, tr.614