Theo tờ trình về việc xây dựng Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2018 - 2022”, các nhóm nội dung và biện pháp cơ bản đã được xác định trong 7 nội dung, gồm: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng hạ tầng, cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn; tham gia phát triển kinh tế, sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho thanh niên nông thôn; tham gia xây dựng đời sống văn hoá ở nông thôn; xung kích giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn; xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền ở nông thôn; tổ chức các đội trí thức trẻ tình nguyện xây dựng nông thôn mới.
Góp ý về đề án này, đồng chí Nguyễn Văn Vũ Minh - Bí thư tỉnh Đoàn Đồng Tháp cho rằng: cần phải vận động cho người dân cùng hiểu và tham gia xây dựng nông thôn mới; thanh niên phải là người đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển giao KHKT cho bà con nông dân.
Với đồng chí Giàng Quốc Hưng - Bí thư tỉnh Đoàn Lào Cai nêu ý kiến, xu hướng nông thôn mới ở các tỉnh là có chủ trương “cho cần câu chứ không cho con cá” như trước nữa. Nhà nước đầu tư chất xám, còn lại vận động nhân dân đóng góp.? Vì thế, trong thời gian tới, Đoàn cũng cần có phương pháp khác để có hiệu quả nếu áp chỉ tiêu sẽ không khả thi. Đồng chí Giàng Quốc Hưng đề xuất, xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn, cần có những chỉ tiêu hướng dẫn cụ thể và làm rõ hơn đối tượng tham gia; về chỉ tiêu 100% Đoàn xã ở các xã đăng ký đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới xếp loại thi đua hàng năm phải đạt vững mạnh.
Đồng chí Đào Chí Nghĩa - Bí thư Thành đoàn Cần Thơ đề nghị, nên có tiến độ cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu trong đề án; cán bộ Đoàn, Hội chủ động tham gia vào việc phát triển kinh tế tại địa phương, đồng thời vận động thanh niên làm kinh tế tham gia vào tổ chức Đoàn.
Đồng chí Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Ban Bí thư Trung ương Đoàn triển khai 8 chỉ tiêu của nhiệm kỳ, trong đó có hỗ trợ vay vốn 10 nghìn tỷ đồng cho thanh niên làm kinh tế; giúp đỡ 1.500 hộ thanh niên nghèo thoát nghèo bền vững.
Đồng chí Đào Chí Nghĩa - Bí thư Thành đoàn Cần Thơ góp ý vào các đề án tại hội nghị
Góp ý về Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng chí Trưởng Ban Thanh niên Công nhân và Đô thị Trung ương Đoàn Vũ Thị Giáng Hương đề nghị, giảm chỉ tiêu chi đoàn trên địa bàn dân cư đăng ký đảm nhận và triển khai thực hiện “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”; giảm chỉ tiêu hỗ trợ 1.000 ý tưởng khởi nghiệp, các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xem xét lại chức năng của đội hình thanh niên tham gia giám sát, tố giác các hoạt động vi phạm môi trường, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm và có sự phối hợp với các đơn vị chức năng thực thi nhiệm vụ.
Đối với đề án về tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên, các đại biểu cơ bản thống nhất nội dung dự thảo.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong mong muốn, đề án Đoàn tham gia xây dựng nông thôn mới đòi hỏi có sự vận động của các tổ chức mà không phải phụ thuộc vào ngân sách; ban cạnh đó, các cấp bộ Đoàn cần phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, lựa chọn những nội dung để triển khai thực hiện các chỉ tiêu phù hợp với thực tế tại địa phương. Đồng chí cũng yêu cầu các cấp bộ Đoàn cần có cách làm mới, chủ động liên kết với các đơn vị liên quan trong việc hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên và các tổ hợp tác thanh niên làm kinh tế để gắn với thế mạnh nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, vai trò tư vấn, giúp sức giai đoạn đầu cho thanh niên là trách nhiệm của Đoàn, vì thế phải có cách làm mới”.
Ngoài ra, tổ chức Đoàn cần có sự phối hợp với các tổ chức Đoàn thể, các Hội để khai thác các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi, đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc nuôi dưỡng các không gian văn hóa tại địa phương.
Đồng chí Lê Quốc Phong nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ xây dựng ở những địa phương đã đạt chuẩn, sẽ đạt chuẩn mà còn phải duy trì được kết quả nông thôn mới ở các địa phương đã được công nhận”.
Các hoạt động bảo vệ môi trường hiện nay luôn thu hút đông đảo của thanh niên tham gia, tạo hiệu ứng rộng rãi trong cộng đồng, theo đồng chí Lê Quốc Phong cần tập trung vào hoạt động trồng cây xanh; xử lý ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cầm được quan tâm thực hiện. Đối với các nhóm chỉ tiêu, cần rà soát theo thực tế và có tính mới hơn; giảm bớt xây dựng các chỉ tiêu về đội hình mà tập trung các chỉ tiêu về nội dung.
Về tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm, cần tạo sự đột phá trong vấn đề hướng nghiệp, phải đa dạng, kịp thời, phối hợp với các cấp bộ ngành để có hướng dẫn, tăng cường về kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá năng lực bản thân. Đồng thời, chú trọng về chất lượng giới thiệu việc làm, đáp ứng yêu cầu ở các địa phương, giảm áp lực cho các thành phố lớn; quan tâm đối với một số nhóm đối tượng đề hỗ trợ như thanh niên xuất ngũ, thanh niên yếu thế, thanh niên đã qua đào tạo.