Sức sống mới ở thung lũng A Sho
Ngày cập nhật 30/03/2018

Những ngày tháng 3, các bản làng nơi thung lũng A Sho, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) bừng lên sức sống mới. Xen lẫn sắc đỏ cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên các trục đường và trong các gia đình đồng bào Pa Cô, Vân Kiều, Tà Ôi là những cánh rừng cao su, những bãi sắn, nương ngô ngút tầm mắt...

Vùng cao A Lưới đang hiện hữu một nhịp sống mới trên vùng đất một thời từng xơ xác bởi cái nghèo, cái đói, bởi sự tàn phá của chiến tranh. Đặc biệt, các xã A Đớt, A Roàng, Đông Sơn, Hương Phong, Hương Lâm nơi thung lũng A Sho này còn được xem là cái rốn của chất độc da cam  trong chiến tranh. 
 
Vào thăm gia đình ông A Viết Bình ở thôn Chi Hòa, xã A Đớt, rót chén trà  mời chúng tôi, ông thổ lộ: “Bà con miềng vừa đón cái Tết cổ truyền tràn ngập niềm vui. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT- QP) 92 đồng bào miềng ai cũng biết nuôi con bò, con lợn, trồng lúa nước nên không còn sợ cái đói nữa. ”.
 

Cán bộ chiến sĩ Đoàn KT – QP 92 hướng dẫn đồng bào trồng ngô lai
 
Trong câu chuyện với Đại tá Võ Thanh Hà, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 92,chúng tôi được biết, hơn 10 năm trước đây, địa bàn 5 xã thuộc Khu KT-QP A Sho thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện A Lưới. Cơ sở hạ tầng, vật chất thiếu thốn, trình độ dân trí còn hạn chế, còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Đất đai trong vùng thì bạc màu, khí hậu khắc nghiệt. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 89,14%, tỷ lệ hộ nghèo hơn 30%, số hộ cận nghèo 14,78%. 
 
Chứng kiến cảnh người dân lam lũ, quanh năm mà vẫn đói nghèo, thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn cách mạng, đồng bào một lòng theo Đảng, Bác Hồ, cán bộ, nhân viên đơn vị luôn trăn trở, suy nghĩ để giúp bà con tìm hướng thoát nghèo. Với phương châm “Bám bản, giúp dân xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống”, Đoàn KT-QP 92 chú trọng đầu tư phát triển các công trình trọng điểm phục vụ đời sống nhân dân. 
 
Theo đó, hàng chục công trình thủy lợi được xây dựng bảo đảm tưới tiêu cho hàng trăm héc ta đất nông nghiệp cùng với các mô hình chăn nuôi, sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi bò hàng hóa, trồng tre lấy măng, trồng keo lá tràm... 
 
Nhờ vậy, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Một số gia đình như ông Lê Hữu Hường ở thôn Tru Chai, xã Đông Sơn, ông Pơ Long Giáp ở thôn A Tin, xã A Đớt... từ diện hộ nghèo nhưng với sự hỗ trợ giống vốn, hướng dân kỹ thuật chăn nuôi sản xuất của Đoàn KT-QP 92 bây giờ đã vươn lên thoát nghèo. 
 

Trí thức trẻ tình nguyện dạy học cho bà con đồng bào
 
Theo Đại tá Nguyễn Trọng Phương, Chính ủy Đoàn KT-QP 92 thì công việc khó khăn nhất mà đơn vị đã làm được là sắp xếp, bố trí lại dân cư cho các bản làng thuộc 5 xã trong Khu KT-QP A Sho. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã phải đi bộ hàng chục km đường rừng, có khi “cắm bản” cả tháng trời, kiên trì vận động, thuyết phục mãi bà con mới nghe theo. 
 
Cùng với đó, Đoàn còn cấp con giống, cây giống cho các hộ gia đình khó khăn với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Khác với khung cảnh những bản làng heo hút, thưa thớt, đói nghèo ngày trước, đến nay những bản làng văn hóa với đầy đủ các thiết chế, cơ sở hạ tầng như nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống nước sạch, điện lưới quốc gia, điểm trường mầm non...
 
 Vùng đất năm xưa đầy bom đạn và những vết tích của chiến tranh đang vươn mình đứng dậy. Bây giờ cả 5 xã thuộc Khu KT-QP A Sho kinh tế, xã hội có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng về văn hóa. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, các hủ tục lạc hậu từng bước được xóa bỏ, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi sản xuất.
 
 Trong đó, xã Hương Phong là xã duy nhất của huyện A Lưới hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Khi nói về sự đóng góp của cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 92, bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới khẳng định: “Cuộc sống bà con các xã nơi thung lũng A Sho được như ngày hôm nay có một phần lớn công sức của cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 92. Chính các anh đã góp phần xoa dịu nỗi đau nơi rốn chất độc da cam, chung sức, đồng lòng cùng cuộc sống đồng bào”.
Nguồn www.trt.com.vn
Xem tin theo ngày