Luật Thanh niên được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ VIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006, là một thành tựu lập pháp quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của xã hội mà đại diện là Nhà nước đối với thanh niên trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, trải qua 10 năm tổ chức thực hiện, Luật Thanh niên hiện hành đã được nhiều học giả, nhiều nhà hoạt động thực tiễn và cả bộ phận thanh niên cho rằng, Luật chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, thể hiện ở những bất cập về kỹ thuật lập pháp, về tổ chức thực hiện, dẫn đến việc chưa tận dụng tốt nguồn lực thanh niên trong phát triển đất nước.
Phát triển thanh niên – hướng tiếp cận phù hợp khi sửa đổi Luật thanh niên 2005
Theo TS Hoàng Xuân Châu – Viện nghiên cứu Thanh niên cho rằng, phát triển thanh niên đang là xu thế và dần trở thành một cách tiếp cận và một chuẩn mực trên toàn cầu. Bản chất của phát triển thanh niên là nuôi dưỡng và phát triển các kỹ năng và mối quan hệ mà thanh niên cần để tham gia đời sống xã hội, phát huy tối đa tiềm năng của họ. Phát triển thanh niên là để thanh niên đạt được ý thức đóng góp cho xã hội, và hãy tin rằng họ có lựa chọn cho tương lai của chính mình, cảm nhận một cách tích cực và thoải mái về cá tính của chính mình.
"Thanh niên có phát triển thì mới có đủ năng lực cần thiết, đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội và đất nước. Nhà nước cần phải xác định việc đầu tư cho sự phát triển của thanh niên, hình thành năng lực, phẩm chất và thái độ tích cực, trước khi yêu cầu họ có đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội. Nếu thanh niên không có một thể chất tốt, một năng lực trí tuệ dồi dào thì sẽ không có khả năng cống hiến. Mặt khác nếu thanh niên có năng lực nhưng không được tạo cơ hội để cống hiến thì cũng sẽ lãng phí nguồn lực phục vụ cho sự phát triển, tuy nhiên thực tế hiện nay tiếng nói của thanh niên vẫn còn mờ nhạt…"
"Phát triển thanh niên cần trở thành mục đích của toàn bộ hệ thống chính sách, pháp luật nói chung, trong đó có Luật Thanh niên, nhằm mục tiêu khai thác tốt nguồn lực thanh niên trong phát triển xã hội". - TS Hoàng Xuân Châu nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của TS Hoàng Xuân Châu, luật sư Nguyễn Duy Lãm – nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết: Luật Thanh niên sửa đổi là một trong đạo luật thực hiện trong hơn 10 năm mới chỉ quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của Thanh niên; trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên. Sửa đổi theo hướng phát triển thanh niên là rất cần thiết. Do đó, cần thiết kế lại toàn bộ Luật Thanh niên theo hướng là một đạo luật có vai trò thiết lập mục tiêu, nguyên tắc cơ bản, cũng như đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện chính sách thanh niên vì sự phát triển và thông qua đó phát huy vai trò của thanh niên. Việc thiết kế, xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Thanh niên đối với mục đích cơ bản là phát triển thanh niên sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Thanh niên hiện hành.
Luật sư Nguyễn Duy Lãm – nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu tại hội thảo
Thiết kế quy định phải cụ thể và theo hướng tiếp cận phát triển thanh niên
Liên quan đến những bất cập trong thiết kế, xây dựng khung pháp lý cho Luật Thanh niên sửa đổi, Th.S Nguyễn Hồng Kiên – Chuyên viên cao cấp vụ Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên & Nhi đồng, Văn phòng Quốc hội cho rằng, thanh niên là đối tượng đặc thù, cần ưu tiên phát triển trong xã hội, Luật Thanh niên cần xác định và quy định các ưu đãi đặc thù dành cho họ. Tuy nhiên, nhiều quy định trong Luật Thanh niên còn chung chung, chưa tách bạch rõ ràng quyền và nghĩa vụ của thanh niên, chưa theo kịp sự phát triển của thanh niên, còn mang tính động viên, khuyến khích. Đối tượng thụ hưởng lại chưa thực sự được hưởng lợi.
Đồng tình với Th.S Nguyễn Hồng Kiên, TS. Bùi Thị Thanh Thúy – Trưởng Bộ môn Thanh tra, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia bày tỏ: “Cách tiếp cận việc xây dựng Luật Thanh niên trước đây theo hướng xác định đây là luật khung, điều chỉnh đối tượng là thanh niên, quan điểm và mục tiêu xây dựng Luật là xây dựng hệ thống chính sách phát triển thanh niên. Nếu Luật sửa đổi vẫn quy định chung chung mang tính nguyên tắc là Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho thanh niên và thanh niên có nghĩa vụ gì với xã hội thì lại trở về với những hạn chế của Luật Thanh niên 2005 và không thể triển khai cụ thể được”.
Trước những bất cập từ thực tiễn, nhóm tác giả nghiên cứu sửa đổi Luật Thanh niên 2005 - Viện nghiên cứu thanh niên kiến nghị, để đảm bảo tính khả thi và đạt được mục đích phát triển thanh niên, việc thiết kế từ tổng thể đến từng quy định cụ thể trong Luật Thanh niên sửa đổi phải thỏa mãn một số yêu cầu mang tính chất nguyên tắc, cụ thể như: Luật Thanh niên sửa đổi phải tập trung giải quyết các vấn đề của thanh niên trong hiện tại và phù hợp với định hướng phát triển thanh niên trong các lĩnh vực được xác định trong Bộ chỉ số thanh niên (Giáo dục; Sức khỏe và phúc lợi; Việc làm và cơ hội; Sự tham gia và cam kết).
Luật Thanh niên sửa đổi phải quy định các nguyên tắc định hướng cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách thanh niên trong từng lĩnh vực nêu trên.
Các chuyên gia nghiên cứu cũng cho rằng, Luật Thanh niên sửa đổi thay vì tuyên bố các quyền của thanh niên, nghĩa vụ của gia đình, nhà trường và xã hội; cần quy định hướng tổ chức thực hiện các quyền này. Ví dụ, thay vì quy định “thanh niên có quyền có việc làm và được nhà nước hỗ trợ việc làm” thì quy định các dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm mà nhà nước có thể cung cấp cho thanh niên như: mỗi quận, huyện, thị xã cần thành lập trung tâm hướng nghiệp, cung cấp thông tin và giới thiệu việc làm cho thanh niên.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số vấn đề như: nghiên cứu đề xuất quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên theo hướng phát triển; dịch vụ công cho thanh niên; quản lý Nhà nước về thanh niên; Luật Thanh niên với hệ thống chính sách, pháp luật về thanh niên; Luật Thanh niên ở một số quốc gia trên thế giới...
Tiếp thu các ý kiến trao đổi tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về thanh niên Việt Nam thống nhất với ý kiến thảo luận của các đại biểu.
|
Tiếp thu các ý kiến trao đổi tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về thanh niên Việt Nam thống nhất với ý kiến thảo luận của các đại biểu.
Nói về tính cần thiết phải sửa đổi Luật Thanh niên 2005, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương cho rằng, hiện nay, tình hình thanh niên sự thay đổi do yêu cầu của xã hội cùng với yêu cầu phát triển đất nước, kéo theo yêu cầu phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền. Do đó càng đòi hỏi hệ thống pháp luật phải tương thích, đồng bộ và hoàn thiện, đặc biệt là sau khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, hàng loạt các văn bản pháp luật cũng phải điều chỉnh theo. Chính phủ cũng đã đưa nội dung sửa luật vào Chương trình làm việc năm 2019 để thấy rằng việc sửa đổi Luật là rất cần thiết.
“Sửa luật lần này được coi là làm một bộ luật mới hoàn toàn với hướng tiếp cận mới là phát triển thanh niên. Phát triển thanh niên cũng đồng nghĩa với việc phát huy thanh niên, ở đây hai phạm trù này có quan hệ biện chứng với nhau” – đồng chí Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh.
Dịp này, đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn đã đề nghị Văn phòng UBQG về Thanh niên và Viện nghiên cứu thanh niên tổng hợp ý kiến, chuẩn bị dự thảo trong đó lưu ý các vấn đề cụ thể như: Cần khẳng định rõ vị trí vai trò và sứ mệnh lịch sử hết sức quan trọng của Luật Thanh niên năm 2005 trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và đối với thanh niên Việt Nam giai đoạn vừa qua. Việc xác định đối tượng, phạm vi của Luật Thanh niên sửa đổi mới phải đầy đủ, toàn diện và rộng hơn; những quy định của Luật mới cần phải đề cập nội dung theo các tuyến lĩnh vực cần cụ thể hơn, trong đó xác định rõ nội dung, trách nhiệm thực hiện của các cơ quan để đảm bảo tính khả thi của Luật.
Bên cạnh đó, Luật Thanh niên mới phải tính tới chế tài thực hiện các quy định; cân đối nguồn lực đảm bảo, xác định cơ quan quản lý nhà nước thực hiện vấn đề này. Một số nội dung khác như: dịch vụ công, đối tượng thanh niên đặc thù hay chỉ số phát triển thanh niên theo từng giai đoạn ... cần nghiên cứu để đưa vào các chính sách cho sinh động và đúng tinh thần làm luật mới sao cho đồng bộ, hiệu quả và mang lại hiệu lực tốt.
Thay mặt UBQG về thanh niên Việt Nam, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương mong muốn các nhà khoa học và chuyên gia tiếp tục tham góp nhiều ý kiến tâm huyết để các nội dung của Luật Thanh niên sửa đổi được hoàn thiện và sớm được ban hành trong thời gian tới.