Nguyên nhân chính dẫn đến việc các tàu đánh cá Việt Nam bị bắt giữ trong thời gian qua là hầu hết chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân còn thiếu hiểu biết về ranh giới địa lý, biên giới trên biển của các nước trong khu vực cũng như kiến thức về pháp luật các nước. Đến khi bị bắt, tịch thu ngư cụ, họ mới biết mình đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của nước sở tại.
Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản qui định: "chủ tàu cá sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên, khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn, hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn, sẽ bị phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng. Đối với tổ chức, phạt tiền gấp đối mức phạt đối với cá nhân".
Bên cạnh phạt tiền, chủ tàu cá vi phạm còn có thể bị tịch thu thủy sản khai thác, chuyển tải trái phép, tịch thu tàu cá, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản 6-12 tháng… Chủ tàu cá sẽ phải chi trả toàn bộ kinh phí đưa ngư dân bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước và các chi phí liên quan khác.
Để tránh tình trạng vi phạm, ngư dân cần trang bị kiến thức về khai thác thủy sản. Trước khi ra khơi, các tàu cần phải kiểm tra toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc, máy định vị tọa độ, la bàn, sơ đồ vùng biển và vật dụng an toàn hàng hải. Ngoài ra, ngư dân lao động trên các tàu phải kịp thời trình báo với cơ quan chức năng khi phát hiện chủ tàu, thuyền trưởng có dấu hiệu tổ chức đưa tàu sang vùng biển nước ngoài đánh bắt; tuyệt đối không được chống trả khi xác định rõ mình đã vi phạm vùng biển nước ngoài, hoặc xác định rõ tàu nước ngoài là lực lượng thực thi pháp luật trên biển.
Nếu bị bắt giữ, ngư dân cần chấp hành nghiêm các yêu cầu, quy định về dẫn độ, khai báo trung thực và tìm mọi cách báo ngay về cơ quan chức năng Việt Nam để có biện pháp giải quyết bằng con đường ngoại giao.