Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian 6 tháng cuối năm 2022
06/07/2022

Trong 6 tháng đầu năm 2022, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường khiến lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội được tổ chức, mở rộng thu hút du khách trong và ngoài nước đến Huế ngày một tăng cao; với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia và của UBND tỉnh cùng sự tham gia vào cuộc tích cực của các Ban, ngành, địa phương nên tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cơ bản được bảo đảm, trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm có nhiều diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số vụ, số người chết, cụ thể: Toàn tỉnh xảy ra 130 vụ, làm chết 93 người, bị thương 66 người, thiệt hại tài sản khoảng 1502,7 triệu đồng; So với 6 tháng đầu năm 2021 tăng 07 vụ (+5,7%), tăng 16 người chết (+20,8%), giảm 23 người bị thương (-25,8%); trong đó: TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 01 vụ ( làm chết 03 người, bị thương 01 người); TNGT rất nghiêm trọng xảy ra 05 vụ ( làm chết 10 người; bị thương 01 người); Có 05 địa phương tăng về người chết: Thành phố Huế tăng 08 người chết (+42,1%); huyện Phong Điền tăng 06 người chết (+600%); thị xã Hương Thủy tăng 06 người chết (+54,5%); thị xã Hương Trà tăng 01 người chết (+10%); huyện Phú Lộc tăng 01 người chết (+5,6%) (Đính kèm Báo cáo và Phụ lục phân tích tình hình tai tai nạn giao thông tại các địa phương).

Kết quả tình hình TTATGT 6 tháng đầu năm cho thấy, ngoài nguyên nhân khách quan do kết cấu hạ tầng, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người tham gia giao thông, của lái xe và chủ doanh nghiệp chưa cao, nhất là các hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao gây TNGT hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hơn như: sử dụng rượu, bia khi lái xe, chạy quá tốc độ, không chấp hành quy tắc, biển báo, hiệu lệnh, chỉ dẫn giao thông (quá tốc độ, sai làn, sai tuyến, chở quá tải,…); công tác chỉ đạo, kiểm tra, triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả, chưa đi vào thực chất không đảm bảo tính ổn định, bền vững lâu dài (nhất là các địa phương: Thành phố Huế, huyện Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, huyện Phú Lộc và lực lượng thực thi công vụ, chịu trách nhiệm quản lý các tuyến đường thường xuyên có số tai nạn gia tăng cao: QL1A, QL49B,...).

Để có giải pháp nhằm khắc phục kịp thời, có hiệu quả những tồn tại, hạn chế như đã nêu trên, tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong 6 tháng cuối năm 2022 và triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 488/CĐ-TTg ngày 03/6/2022 về việc chấp hành quy định về phòng chống tác hại của rượu bia;

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai các công việc được giao tại Chỉ thị số 6/CT-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị; cán bộ, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân; học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật giao thông đường bộ và các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nhất là quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, phổ biến kỹ năng tham gia giao thông an toàn để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông: Đã uống rượu, bia không lái xe; không phóng nhanh vượt ẩu; không sử dụng chất ma túy, không chở quá số người quy định; không sử dụng điện thoại khi lái xe; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô; dừng xe quan sát an toàn khi qua đường ngang đường sắt; mặc áo phao đúng quy định khi đi đò; vận động người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Nghiêm cấm can thiệp, tiếp nhận can thiệp việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng; gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe và có hình thức xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

2. Công an tỉnh tiếp tục triển khai các kế hoạch cao điểm, tổ chức ra quân tuần tra kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông; tập trung vào các tuyến và địa bàn có số tai nạn và người chết gia tăng (như QL1A đoạn qua Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Lộc), tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới đưa vào khai thác; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt (các đoạn xảy ra tai nạn: Thành phố Huế, Hương Thuỷ, Phú Lộc), đường thủy; chú ý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, như: vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý ((lưu ý các trường hợp vi phạm là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… gửi về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định); vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ; chạy quá tốc độ quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; không đi đúng phần đường, làn đường và không nhường đường cho xe sau xin vượt theo quy định. Tăng cường giám sát, xử lý vi phạm thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thiết bị ghi hình thu được từ camera, do người dân cung cấp, qua Hue-S; tập trung vào nhóm các đối tượng thường xuyên vi phạm, tái phạm (xe ô tô chở khách, xe chở container, tình trạng đua xe trái phép). Tăng cường kiểm tra an toàn giao thông tại bến khách ngang sông, bến thuyền chở khách du lịch, trên các tuyến, luồng đường thủy phức tạp.

3. Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông được xác định; rà soát bổ sung hệ thống vạch sơn, biển báo hiệu giao thông, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông phức tạp, tầm nhìn hạn chế... tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; các đơn vị thi công, bảo trì kết cấu hạ tầng tăng cường hướng dẫn, bảo đảm giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố; vận động các tổ chức đoàn thể tại địa phương tham gia tổ chức hướng dẫn, cảnh giới tại các vị trí đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

- Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn, thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại các đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện gây TNGT, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật liên quan; tăng cường khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để quản lý và kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải vi phạm

- Chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho lực lượng Thanh tra Giao thông phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Công an địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm tại các tuyến đường, hành vi gây tai nạn như: Chở quá tải, dừng đỗ trước quán ăn, rửa xe dọc QL1 (lưu ý 02 địa bàn Hương Trà và Phú Lộc).  

4. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị Y tế địa phương tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nguồn máu để đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông; phối hợp các ngành chức năng và các đơn vị kinh doanh vận tải, cơ sở đào tạo lái xe tổ chức khám sức khỏe và lập sổ theo dõi sức khỏe định kỳ cho người lái xe theo đúng quy định.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế chỉ đạo các Học viện, trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp và các cơ sở giáo dục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng thời lượng giáo dục pháp luật về giao thông trong chính khóa và ngoại khóa, trong thời gian nghỉ hè đảm bảo 100% học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên được tuyên truyền, giáo dục và được trang bị kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, nhất là các quy định của Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, hậu quả của các vụ TNGT và các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông.

6. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn đẩy mạnh và đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền pháp luật về TTATGT đảm bảo hiệu quả, thiết thực; tăng thời lượng tuyên truyền về bảo đảm TTATGT vào các khung giờ cao điểm, giờ “vàng”, đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội; cảnh báo các nguyên nhân chính gây TNGT, hậu quả của TNGT, chế tài xử lý nếu vi phạm để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người dân khi tham gia giao thông.

7. Hiệp hội vận tải ô tô Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tổ chức quán triệt đến đội ngũ lái xe về nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT khi điều khiển phương tiện giao thông, lái xe an toàn, văn minh. Tăng cường tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm cho các đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ về công tác bảo đảm TTATGT; có hình thức khen thưởng tuyên dương đối với những đơn vị chấp hành tốt, phê bình nhắc nhở đối với những đơn vị chấp hành không tốt các quy định về bảo đảm TTATGT.

8. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn, công an cấp huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác xử lý vi phạm lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT để kinh doanh, buôn bán, họp chợ... gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: vi phạm tốc độ; vi phạm nồng độ cồn, ma túy; đi không đúng phần đường, làn đường; đua xe, tổ chức đua xe trái phép; chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm; không có Giấy phép lái xe; dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định; chở quá tải trọng...; tập trung váo các nhóm đối tượng thường gây TNGT như: thanh thiếu niên, lái xe kinh doanh vận tải, xe dù, xe ké, trên tuyến đường giao thông thường xảy ra tai nạn như Quốc lộ, Tỉnh lộ, đường nội thị.

- Xây dựng kế hoach, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể đối với từng lực lượng tham gia lập lại trật tự, hành lang an toàn đường bộ dọc QL và vỉa hè đường trục chính đô thị; tập trung vào các nhà hàng, quán ăn, dịch vụ dọc tuyến QL1, đường trục chính đô thị,...; có cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả, trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, chủ trì thực hiện (Trưởng Công an cấp huyện, Công an và chính quyền cấp xã, Đội quản lý trật tự đô thị,...); báo cáo (kèm kế hoạch phân công nhiệm vụ) gửi về UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh trước ngày 30/7/2022.

- Chỉ đạo chính quyền cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vê TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tuyên truyền sâu rộng tới mọi đối tượng, nhất là thanh, thiếu niên, công nhân, học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, người lao động, lái xe khách và vận tải hàng hóa; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT” thiết thực và hiệu quả.

9. Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình TTATGT, phối hợp giải quyết, khắc phục kịp thời các sự cố, tai nạn giao thông.

- Đề nghị các cơ quan, đơn vị, ban ngành, địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ cấp bách bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh; xác định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động... thuộc quyền quản lý uống rượu, bia tham gia giao thông, gây TNGT; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện của các cá nhân, đơn vị; có báo cáo kết quả thực hiện Công điện trong dịp sơ kết, tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và gửi báo cáo về Ban An toàn giao thông tỉnh để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Giao Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị, ban ngành, địa phương tại Chỉ thị số 6/CT-UBND ngày 26/4/2022 và Công điện này; chủ động làm việc với từng địa phương có số người chết gia tăng trong thời gian qua để có giải pháp kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông; tổng hợp, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 15/9/2022 để tổ chức Sơ kết ATGT 9 tháng năm 2022./.

 

       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.325.859
Hiện tại 1.153 khách