Theo đó, trật tự, an toàn giao thông là một lĩnh vực mang tính xã hội sâu sắc, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và sự phát triển đất nước, nhưng vấn đề này hiện vẫn còn nhiều bất cập. Những năm gần đây, tình hình TTATGT đã có những cải thiện cơ bản. Năm 2018, 2019, Công an tỉnh đã có những giải pháp quyết liệt góp phần bảo đảm TTATGT, kiềm chế TNGT. Công tác chấn chỉnh trật tự đô thị đã được cải thiện rõ nét, nhất là trong phạm vi thành phố Huế, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán tại các tuyến đường, khu vực chợ đã từng bước khắc phục, gọn gàng, thông thoáng hơn, góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị, giao thông thông suốt, an toàn. Bên cạnh những kết quả đạt được, từ thực tiễn công tác và qua Hội thảo đã phân tích, chỉ rõ những vấn đề lý luận cơ bản, làm sáng tỏ khái niệm, mục đích, ý nghĩa, nội dung, những yếu tố tác động đến công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh, qua đó, đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cần quyết liệt, thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác này; Hội thảo cũng đã trao đổi, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác, từ đó, cơ bản đã thống nhất cốt lõi của những tồn tại, hạn chế xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan, nội tại sau:
- Cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội chưa quan tâm đúng mức công tác đảm bảo TTATGT, chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc;
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, chưa tạo ra được phong trào rộng khắp trong xã hội;
- Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông một số mặt đang còn bất cập, nhất là công tác quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông chưa thật sự đáp ứng yêu cầu;
- Các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ; một số hạn chế trong quản lý nhà nước, tổ chức hạ tầng giao thông chậm được khắc phục.
Đối với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, chính quyền các cấp cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng và từng địa bàn, vùng, miền, nhất là thông qua các trang mạng xã hội, ứng dụng HueS nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và vận động người thân, gia đình cùng thực hiện, đặc biệt là việc chấp hành nghiêm các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Thường xuyên xây dựng các chuyên mục, phát sóng các thông điệp về an toàn giao thông, phản ánh những hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra để cán bộ, Nhân dân hiểu và nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Phê phán mạnh mẽ đối với các hành vi vi phạm, để xã hội có thái độ rõ ràng hơn đối với người cố tình vi phạm nhằm góp phần nâng cao văn hóa của người dân khi tham gia giao thông, thay đổi tư duy, nhận thức của từng người dân; phải có giải pháp để từng người dân, từng gia đình chuyển biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành khi tham gia giao thông, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông…