LAO ĐỘNG-TIỀN LƯƠNG-PHỤ CẤP
Những trường hợp người lao động được khởi kiện tại Tòa án
Theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP ngày 27/02/2018 của Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp… người lao động có quyền khởi kiện vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc thủ tục tố tụng hành chính.
Người lao động có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự trong 03 trường hợp: Có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; Đã hết thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết.
Người lao động có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính trong 02 trường hợp: Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; Đã hết thời hạn mà khiếu nại lần hai không được giải quyết.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.
BẢO HIỂM
Chung cư, khách sạn phải mua bảo hiểm cháy, nổ
Ngày 23/02/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Nghị định này yêu cầu cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ như nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 05 tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ 01 cột bơm trở lên… phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, gồm: Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà,công trình; máy móc, thiết bị; Các loại hàng hóa, vật tư.
Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải bồi thường trong các trường hợp như: Động đất hoặc những biến động khác của thiên nhiên; Thiệt hại do biến cố về chính trị, an ninh và trật tự xã hội gây ra; Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; Thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.
TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG-TÍN DỤNG
Tổ chức tài chính vi mô phải có phương án kinh doanh khả thi trong 3 năm đầu
Đây là yêu cầu tại Thông tư 03/2018/TT-NHNN ngày 23/02/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.
Điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô gồm: Có đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi trong 03 năm đầu hoạt động; Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định; Có người quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát đủ tiêu chuẩn, điều kiện; Có điều lệ phù hợp.
Ngoài ra, tổ chức tài chính vi mô là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải đảm bảo có ít nhất một thành viên sáng lập là tổ chức đã hoặc đang trực tiếp tham gia quản lý hoặc điều hành chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, bền vững trong ít nhất 03 năm liên tiếp trước thời điểm nộp đơn đề nghị cấp Giấy phép.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.
Vàng được coi là một loại ngoại tệ
Nội dung này được thể hiện tại Thông tư 22/2017/TT-NHNN ngày 29/12/017, sửa đổi, bổ sung Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định 479/2004/QĐ-NHNN và Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định 16/2007/QĐ-NHNN.
Cụ thể, vàng được coi là một loại ngoại tệ. Vàng tại tổ chức tín dụng được hạch toán tương tự như ngoại tệ, đơn vị là “chỉ” vàng 99,99% và hạch toán nghiệp vụ mua bán vàng thông qua hai tài khoản 4711 và 4712 để hạch toán tương tự như hạch toán mua bán ngoại tệ.
Tỷ giá sử dụng để hạch toán các nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ hoặc vàng là tỷ giá mua, bán thực tế tại thời điểm nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.
Bên cạnh đó, Thông tư này còn điều chỉnh tên của một số Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng, như: Tài khoản 20 - “Cho vay các tổ chức tín dụng khác” thành “Cấp tín dụng cho các tổ chức tín dụng khác”; Tài khoản 275 - “Cho vay khác” thành “Cấp tín dụng khác”…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/04/2018.
Ngân hàng giải ngân vốn vay bằng tiền mặt trong 2 trường hợp
Ngày 29/12/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 21/2017/TT-NHNN quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Tổ chức tín dụng cho vay được quyết định phương thức giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt trong 02 trường hợp, gồm: Khách hàng thanh toán cho bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán; Khách hàng là bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh được tổ chức tín dụng cho vay…
Cũng theo Thông tư, tổ chức tín dụng được xem xét quyết định giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán đối với: Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán với số tiền vay có giá trị không quá 100 triệu đồng; Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng là tổ chức sử dụng vốn Nhà nước được thanh toán bằng tiền mặt.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 02/04/2018.
XUẤT NHẬP KHẨU
Cho phép mua lại ô tô của cơ quan, viên chức ngoại giao
Ngày 01/03/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 10/2018/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 53/2013/QĐ-TTg về việc tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam.
Theo đó, tại thời điểm chuyển nhượng, nếu năm sản xuất của ô tô quá 5 năm thì cơ quan ngoại giao, viên chức ngoại giao được chuyển nhượng xe cho đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao khác hoặc các đối tượng khác tại Việt Nam với điều kiện xe được cơ quan đăng kiểm xác nhận còn đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để lưu hành.
Trước đây, các xe này không được chuyển nhượng cho cơ quan, tổ chức, thương nhân, cá nhân tại Việt Nam; chỉ đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam mới được nhận chuyển nhượng; khi đối tượng này không có nhu cầu sử dụng xe hoặc khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam thì phải tái xuất khẩu hoặc tiêu hủy xe.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/04/2018.
XÂY DỰNG
Nhà thầu phải dừng thi công nếu phát hiện nguy cơ ô nhiễm
Ngày 06/02/2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 02/2018/TT-BXD quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành xây dựng.
Theo đó, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công gói thầu; Bố trí nhân sự phụ trách về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch môi trường của dự án.
Bên cạnh đó, nhà thầu phải xây dựng và thực hiện nội quy, quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình; Dừng thi công xây dựng công trình khi phát hiện nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và có biện pháp khắc phục để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi tiếp tục thi công…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/04/2018.
CHỨNG KHOÁN
Công ty chứng khoán phải thuyết minh báo cáo tài chính
Ngày 12/03/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 23/2018/TT-BTC hướng dẫn kế toán chứng quyền có bảo đảm đối với công ty chứng khoán là tổ chức phát hành.
Thông tư này yêu cầu công ty chứng khoán phải thuyết minh về các nội dung: Lãi, lỗ đánh giá lại chứng quyền của tổ chức phát hành; Lãi, lỗ đánh giá lại tài sản cơ sở từ hoạt động phòng ngừa rủi ro của tổ chức phát hành; Tổng số tiền gửi ký quỹ đảm bảo thanh toán tại ngân hàng lưu ký của tổ chức phát hành; Tổng số tiền nộp bổ sung cho mục đích phòng ngừa rủi ro do chênh lệch giữa vị thế phòng ngừa rủi ro lý thuyết và vị thế phòng ngừa rủi ro thực tế; Tổng số chứng khoán dùng cho hoạt động phòng ngừa rủi ro; Tổng số chứng quyền được phép phát hành; Tổng số chứng quyền đang phát hành.
Một số tài khoản hạch toán nghiệp vụ kế toán liên quan đến chứng quyền bao gồm: Tài khoản 329 - Phải trả chứng quyền; Tài khoản 018 - Chứng quyền…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 27/04/2018.
GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO-DẠY NGHỀ
Tuyển sinh 2018: Nhiều ngành trong quân đội được tuyển từ 2 thí sinh nữ
Ngày 10/03/2018, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 24/2018/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số quy định và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong quân đội của Thông tư 17/2016/TT-BQP và Thông tư 42/2017/TT-BQP.
Các ngành: Bác sĩ quân y tại Học viện Quân y và các ngành: Quan hệ quốc tế về quốc phòng, ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự; các ngành: Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử Y sinh, Khí tài quang, Địa tin học tại Học viện Kỹ thuật quân sự được giao chỉ tiêu tuyển thí sinh nữ, mỗi ngành được tuyển ít nhất 02 thí sinh.
Học viện Biên phòng tuyển 45% thay vì 55% như trước đây với chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc (từ tỉnh Quảng Bình trở ra); thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Nam được xác định đến từng quân khu: Quân khu 4 (tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế): 04 %, Quân khu 5: 11%, Quân khu 7: 14%, Quân khu 9: 16%...
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.
Tuyển sinh ĐH 2018: Điểm ưu tiên khu vực giảm một nửa
Quy chế tuyển sinh đại học chính quy đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi ngày 01/03/2018 tại Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT và có hiệu lực từ ngày 16/04/2018.
Quy chế mới quy định về khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực như sau: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 điểm; giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm tương ứng với tổng điểm 03 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10. Trước đây, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm.
Như vậy, điểm cộng ưu tiên khu vực cao nhất năm nay chỉ còn 0,75 điểm, thay vì 1,5 điểm như những năm trước.
Bên cạnh đó, từ kỳ tuyển sinh năm nay, các trường đại học, cao đẳng được tự xác định điểm sàn. Riêng ngành đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Tuyển sinh đại học phải căn cứ vào nhu cầu lao động
Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 28/02/2018.
Theo Thông tư này, có 03 tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh chính quy, gồm: Tiêu chí số sinh viên chính quy tính trên một giảng viên quy đổi theo từng khối ngành của cơ sở giáo dục; Tiêu chí diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo; Tiêu chí nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Các ngành đào tạo đại học chính quy đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đó, nhưng không vượt quá 120% chỉ tiêu đào tạo của năm trước liền kề.
Các trường chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.
Tuyển sinh lớp 6 bằng xét tuyển kết hợp đánh giá năng lực
Ngày 28/02/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT.
Cụ thể, tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Đồng thời, các Sở Giáo dục và Đào tạo được quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên với mức chênh lệch điểm cộng thêm giữa hai nhóm đối tượng được ưu tiên kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10.
Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào trung học phổ thông.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.
Thi THPT quốc gia 2018: Điểm thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân
Tại Thông tư 04/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sửa đổi Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT.
Theo quy định mới, bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 02 chữ số thập phân; trong khi trước đây quy định điểm thi được lấy đến 0,25 và không quy tròn điểm.
Thông tư cũng quy định, thí sinh bị hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nếu vi phạm một trong 05 lỗi: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác dự thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức.
Trước đây, nếu như mắc các lỗi trên, thí sinh sẽ bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.
SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Tin tức thời sự không được bảo hộ quyền tác giả
Ngày 23/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi về quyền tác giả và quyền liên quan, có hiệu lực từ ngày 10/04/2018.
Theo đó, đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả bao gồm: Tin tức thời sự thuần túy và các văn bản hành chính. Trong đó, tin tức thời sự là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo; Văn bản hành chính bao gồm các văn bản của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội… và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
Cũng theo Nghị định này, trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình phải đáp ứng 02 điều kiện: Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình; Phần trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.
THÔNG TIN-TRUYỀN THÔNG
Mạng xã hội phải loại bỏ nội dung vi phạm trong 3 giờ
Ngày 01/03/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Cụ thể, trang thông tin điện tử tổng hợp phải có quy trình để xác định phạm vi nguồn thông tin, kiểm tra thông tin trước và sau khi đăng tải; Có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải phải chính xác theo đúng thông tin nguồn; Có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm chậm nhất sau 03 giờ, từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu.
Đối với mạng xã hội, phải bảo đảm người sử dụng đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội. Tương tự như trang thông tin điện tử, mạng xã hội cũng phải có cơ chế loại bỏ nội dung vi phạm chậm nhất sau 03 giờ, từ khi phát hiện hoặc có yêu cầu.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.
AN NINH QUỐC GIA
Luôn có từ 2 cảnh sát trên xe vận chuyển tiền, vàng, bảo vật
Ngày 23/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 21/2018/NĐ-CP quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ.
Hàng đặc biệt khi vận chuyển phải được đóng gói, niêm phong, đặt trong các container hoặc thùng chứa hàng, khóa, kẹp chì và bảo quản an toàn. Đối với mỗi chuyến vận chuyển hàng đặc biệt trên đường bộ, phải có 02 xe hộ tống bảo vệ.
Đồng thời, bảo đảm ít nhất 02 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát thường xuyên làm nhiệm vụ trên mỗi xe chở hàng, xe hộ tống, toa xe đường sắt hoặc trên mỗi phương tiện vận tải đường thủy nội địa, đường hàng không.
Hàng đặc biệt do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển gồm: Tiền mặt, giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; Tài sản quý trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/04/2018.
Ngoài ra, còn có quy định về Nội quy trại giam trong quân đội; Sửa đổi quy định về thu phí thẩm định cấp giấy phép sản xuất rượu, thuốc lá; Cảnh sát cứu nạn, cứu hộ phải được bồi dưỡng ít nhất 200 giờ/năm; Chế độ, chính sách với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Ban hành 24 biểu mẫu về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 04/2018.