Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kỷ niệm 106 năm Ngày sinh cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2017): Chặng đường quan trọng đầu tiên của Nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp
28/08/2017
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm cán bộ, chiến sĩ BCH Quân sự TTH, tháng 4/1976.

Huế, Trường Quốc Học, Báo Tiếng Dân trong những năm 20 của thế kỷ 20 là những địa chỉ quan trọng rèn luyện kinh nghiệm và bản lĩnh của Nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp trước khi ông trở thành vị Đại tướng lừng danh trong sử sách cả với dân tộc Việt Nam và thế giới.

1. Mùa hè năm 1925, người học trò nghèo Võ Nguyên Giáp (có khi lấy tên là Võ Giáp) thi đỗ vào Trường Quốc Học Huế. Những năm tháng ở Trường Quốc Học, Võ Nguyên Giáp không chỉ học và học giỏi mà còn sớm quan tâm đến chính trị, xã hội, hay đăm chiêu với tình hình đất nước. Hàng tuần, Võ Nguyên Giáp thường tìm gặp “Ông già Bến Ngự” Phan Bội Châu và được cụ rất yêu quý. Từ sâu thẳm, nhà cách mạng lão thành đã nhận ra và thấy có thể hy vọng về một nhà cách mạng trẻ tuổi với những tố chất “khác người” của cậu học sinh Võ Nguyên Giáp.

Năm 1927, Võ Nguyên Giáp  bị đuổi học, bị coi là “thành phần chống đối” vì những hoạt động bãi khóa. Năm 1928, được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu vào Quan Hải tùng thư, Võ Nguyên Giáp có thêm cơ hội tiếp xúc với nhiều tài liệu mới và bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội như một nhà cách mạng chuyên nghiệp, trong đó những hoạt động báo chí là một mảng quan trọng. Người thanh niên đầy nhiệt huyết Võ Nguyên Giáp tham gia làm báoTiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng là chủ bút. Anh làm biên dịch viên và dần trở thành cây bút được yêu thích trên diễn đàn chính trị - xã hội, triết học, bình luận quốc tế...

Bài báo đầu tiên của Võ Nguyên Giáp là bài Vũ trụ và tấn hóa đăng trên báo Tiếng Dân trong hai số 218 và 222 ngày 28/9 và 5/10/1929 với bút danh Hải Thanh. Điều đáng chú ý là chuyên luận triết học khá sâu này đã được Võ Nguyên Giáp viết khi mới 18 tuổi, sau hai năm tự học từ khi bị đuổi khỏi Trường Quốc Học. Từ khi chưa được gặp và tiếp thu những tư tưởng Mác-xít, Võ Nguyên Giáp đã tiếp cận với chủ nghĩa duy vật biện chứng và quy luật chuyển biến của lịch sử qua các cuộc cách mạng xã hội với cái nhìn không xa với tư tưởng của Các Mác. Đến nay, tìm theo những bút danh trên báo Tiếng Dân, đã thống kê được 27 bài của Võ Nguyên Giáp đăng trên 36 số báo. Với các bài ký tên Vân Đình ở mục Thế giới thời đàm, bạn đọc hứng thú với những nghiên cứu sâu sắc với nhiều ý kiến bình luận sắc sảo về kinh tế chính trị, về tình hình thế giới và các nước của Võ Nguyên Giáp.

 2. Sau khi bị bắt, bị tù hơn một năm (1930 - 1931), bị cấm làm báo ở Huế và bị an trí ở quê, Võ Nguyên Giáp “ngưng bút” trong khoảng gần 6 năm rồi xuất hiện chói sáng trở lại trên mặt trận báo chí cách mạng trong phong trào Mặt trận bình dân sôi nổi những năm 1936 - 1939. Những kinh nghiệm được bồi đắp từ những ngày làm báo ở Huế đã góp phần làm nên bản lĩnh làm báo của Võ Nguyên Giáp trong suốt cả cuộc đời cách mạng về sau.

Trong thời kỳ  Mặt trận dân chủ, thầy giáo môn lịch sử của Trường Thăng Long (Hà Nội) Võ Nguyên Giáp vừa dạy học vừa là linh hồn của tờ Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta). Tờ báo công khai này của Đảng đã tỏ ra đầy dũng khí và khôn khéo khi can đảm đăng tải loạt bài gửi về từ Trung Quốc của tác giả có bút danh P.C. Lin (trong các số ra ngày 9/4, 16/4, 30/4 và 21/5/1939). Ngày nay, nhiều người đã biết P.C. Lin là bí danh của Nguyễn Ái Quốc nhưng thời đó điều này tuyệt đối bí mật.

Trực tiếp được “thụ giáo” nhà báo Nguyễn Ái Quốc sau khi Người về nước trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng, bản lĩnh làm báo của Võ Nguyên Giáp lại được Người “thử thách”. Sau này, Đại tướng kể lại: “Bác bảo: Báo của các chú gửi về nhưng mình không xem hết mà ở đây cũng không thấy ai xem. Báo của các chú văn hay, chữ nhiều, nhưng khó đọc và có đọc cũng không mấy ai hiểu”. Bài báo đầu tiên Võ Nguyên Giáp được Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo viết với yêu cầu ngặt nghèo: “Chú chỉ được viết 100 chữ” là bài Chị em phụ nữ phải đoàn kết lại! (đăng trên báo Việt Nam độc lập số 112, ngày 1/12/1941). Đây quả là một thử thách khó khăn mà Võ Nguyên Giáp đã vượt qua vì (cần nhớ lại rằng) hầu hết các bài báo của ông đều dài, thực sự là những chuyên luận, có bài dài như một cuốn sách.

Học được nhiều điều từ Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều học trò xuất sắc khác của Người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham gia viết báo - làm báo từ rất sớm trên con đường cách mạng. Ông đã sử dụng thành công báo chí như một công cụ hiệu quả trong cuộc đấu tranh, trong tất cả những giai đoạn cách mạng.

Chúng ta đã biết một “Tướng Giáp - Anh Văn” song toàn văn võ. Chúng ta còn được biết một Nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp xuất sắc, có nhiều cống hiến quan trọng với nền báo chí cách mạng Việt Nam trong suốt hơn tám thập kỷ, cho đến cuối cuộc đời.

Trên cả chặng đường dài của Nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp, không thể không nhắc đến chặng đường đầu tiên - mở ra con đường rèn luyện kinh nghiệm, khẳng định dần bản lĩnh. “Nhân tố Huế” đã xuất hiện ngay từ đầu con đường đó, bắt đầu ở Huế, ở Trường Quốc Học, ở Báo Tiếng Dân, góp phần hoàn thiện thêm chân dung của một nhân vật lịch sử xuất chúng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

TS. Ngô Vương Anh

theo baothuathienhue.vn
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.348.543
Hiện tại 3.361 khách