Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đại lý Internet phải xin giấy phép cung cấp game online
26/12/2013

 Theo quy định mới trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP, các đại lý Internet công cộng và cung cấp trò chơi điện tử công cộng được quản lý bằng các biện pháp hành chính: Cấp giấy phép, quản lý bằng giờ mờ cửa, bằng diện tích các phòng máy... thay vì các biện pháp quản lý kỹ thuật như trước đây.

 Ngày 24/12/2013, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 23/2013/TT-BTTTT quy định về điểm truy nhập Internet công cộng và trò chơi điện tử công cộng (Thông tư 23/2013). Nội dung chính của Thông tư 23/2013 hướng dẫn khoản 3 điều 35 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quy trình, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và một số nội dung khác có liên quan đến điểm truy nhập Internet và điểm cung cấp trò chơi điện tử.

Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, điểm mới của Nghị định 72/2013/NĐ-CP so với quy định trước đây là các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử công cộng phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung cấp dịch vụ này. Đồng thời, phải kèm theo các điều kiện: Có đăng ký kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, có địa điểm cách trường học từ 200m trở lên, có biển hiệu và đặc biệt là phải đáp ứng về diện tích, đảm bảo các điều kiện khác như ánh sáng, phòng cháy chữa cháy... Đồng thời, các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng không được mở cửa từ 22h đến 8h sáng ngày hôm sau.

Cũng theo Nghị định 72/2013, việc quản lý các điểm truy nhập Internet công cộng được chuyển từ biện pháp quản lý bằng kỹ thuật sang biện pháp quản lý hành chính. Quy định quản lý đại lý Internet trước đây yêu cầu các đại lý phải cài đặt phần mềm quản lý giờ chơi, các nhà cung cấp dịch vụ phải cắt đường truyền nếu đại lý vi phạm... Với quy định mới thì các biện pháp kỹ thuật nêu trên không còn được áp dụng nữa, thay vào đó là quản lý bằng giấy phép, giờ mờ cửa hay quy định diện tích các phòng máy. Chính quyền địa phương các cấp sẽ tham gia sâu hơn vào công tác quản lý các đại lý Internet.

Cũng theo bà Mơ, quan điểm của Chính phủ là thúc đẩy phát triển Internet băng rộng đến các điểm truy cập công cộng, cách phổ cập tốt nhất là đẩy mạnh đưa Internet băng rộng đến các trường học, thư viện, điểm Bưu điện Văn hóa xã và các hộ gia đình. Nhà nước không chủ trương khuyến khích phát triển các đại lý Internet công cộng và điểm cung cấp game online công cộng do đó sẽ siết chặt quản lý những đối tượng này.

"Với việc quản lý bằng quy định diện tích phòng máy và khoảng cách 200m từ các trường học chắc chắn số lượng đại lý Internet sẽ giảm đi nhưng các ISP phải chấp nhận do yêu cầu phải đảm bảo sử dụng Internet một cách an toàn tích cực. Khi Thông tư 23/2013 có hiệu lực, điểm nào mới mở phải đáp ứng ngay các yêu cầu của Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Còn những điểm đang hoạt động sẽ có một khoảng thời gian chuyển tiếp là 12 tháng để chủ các đại lý đầu tư, nâng cấp phòng máy cho đáp ứng điều kiện kinh doanh", bà Mơ phát biểu.

Theo Thông tư 23/2013, Sở TT&TT hoặc UBND cấp quận, huyện được UBND các tỉnh, thành phố giao chủ trì việc cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động các điểm cung cấp trò chơi điện tử công cộng.

 

Điều 35, Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định: Điều kiện hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

1. Tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có đăng ký kinh doanh điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng;

b) Địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cách cổng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông từ 200 m trở lên;

c) Có biển hiệu “Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng” bao gồm tên điểm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số đăng ký kinh doanh;

d) Tổng diện tích các phòng máy của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng tối thiểu 50 m2 tại các khu vực đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, loại II, loại III; tối thiểu 40 m2 tại các đô thị loại IV, loại V; tối thiểu 30 m2 tại các khu vực khác;

đ) Bảo đảm đủ ánh sáng, độ chiếu sáng đồng đều trong phòng máy;

e) Có thiết bị và nội quy phòng cháy, chữa cháy theo quy định về phòng, chống cháy, nổ của Bộ Công an;

g) Nộp lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể quy trình, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tế của địa phương giao Sở Thông tin và Truyền thông hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ trì việc cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng và chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động của các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn.

5. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông quy định lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

Điều 36, Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định: Quyền và nghĩa vụ của chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

Chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng có quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Được thiết lập hệ thống thiết bị để cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tại địa điểm ghi trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đã được cấp;

2. Được cung cấp dịch vụ truy nhập Internet sau khi đã ký hợp đồng đại lý Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet;

3. Có bảng niêm yết công khai nội quy sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử ở nơi mọi người dễ nhận biết, bao gồm các điều cấm quy định tại Điều 5 Nghị định này; quyền và nghĩa vụ của người chơi quy định tại Điều 37 Nghị định này;

4. Có bảng niêm yết danh sách cập nhật các trò chơi G1 đã được phê duyệt nội dung, kịch bản tại điểm cung cấp dịch vụ kèm theo phân loại trò chơi theo độ tuổi (thông tin được cập nhật từ trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông www.mic.gov.vn);

5. Không được tổ chức hoặc cho phép người sử dụng Internet sử dụng các tính năng của máy tính tại địa điểm kinh doanh của mình để thực hiện các hành vi bị cấm quy định tại Điều 5 Nghị định này;

6. Được yêu cầu doanh nghiệp ký hợp đồng đại lý Internet với mình hướng dẫn, cung cấp thông tin về dịch vụ truy nhập Internet và chịu sự kiểm tra, giám sát của doanh nghiệp đó;

7. Tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về Internet, trò chơi điện tử do các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp tổ chức trên địa bàn;

8. Không được hoạt động từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau;

9. Thực hiện quy định về bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin;

10. Chịu sự thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

theo itcnews.vn
       
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.325.859
Hiện tại 619 khách