I. Sự cần thiết, mục đích ban hành:
Nghị định được ban hành để khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý về Internet, bổ sung quy định quản lý một số vấn đề nóng trong sự phát triển của Internet và thông tin trên mạng gần đây, tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy phát triển Internet, thúc đẩy cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp, phân định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành trong công tác quản lý về Internet, đồng thời tăng cường vai trò, vị trí và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý Internet.
II. Hiệu lực thi hành:
Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013 và thay thế cho Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008, đồng thời bãi bỏ các Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT ngày 14 tháng 7 năm 2005 về quản lý đại lý Internet và số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01 tháng 6 năm 2006 về quản lý trò chơi trực tuyến (online games).
III. Một số nội dung chủ yếu trong Nghị định
Nghị định gồm 6 chương, 46 điều, quy định chi tiết về dịch vụ Internet, tài nguyên Internet, nguyên tắc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng, quản lý việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông, quản lý việc cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin trên mạng, cụ thể như sau:
1. Dịch vụ Internet là một loại hình dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ truy nhập Internet và dịch vụ kết nối Internet. Việc cấp phép và quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tuân thủ theo quy định tại Luật Viễn thông và Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.
2. Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển Internet, trước tình trạng cạn kiệt địa chỉ Internet thế hệ Ipv4, Nghị định đã bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý về giải quyết tranh chấp tên miền và thúc đẩy phát triển công nghệ địa chỉ IPv6 thông qua việc bổ sung các quy định cụ thể, các căn cứ giải quyết tranh chấp tên miền và các biện pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và các tổ chức là người sử dụng đầu cuối chuyển sang sử dụng địa chỉ IPv6.
3. Tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng thông qua các biện pháp cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, thông tin trên mạng và của người sử dụng Internet; đồng thời Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hướng dẫn cụ thể việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài.
4. Phân biệt rõ việc kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử với việc kinh doanh dịch vụ truy nhập Internet nhằm tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các điểm truy nhập Internet công cộng, tăng cường quản lý và gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở với việc quản lý các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
Tăng cường Quản lý trò chơi điện tử trên mạng, đặc biệt là các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng thông qua 4 giải pháp quan trọng bao gồm:
- Quản lý tất cả các loại trò chơi điện tử và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử thông qua các biện pháp cấp phép, phê duyệt nội dung kịch bản đối với trò chơi G1 hoặc đăng ký và thông báo cung cấp trò chơi điện tử (đối với trò chơi G2, G3, G4);
- Phân loại trò chơi điện tử theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ, theo độ tuổi nhằm giúp người chơi chọn lựa trò chơi điện tử phù hợp với lứa tuổi và tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ có thể biết, chọn lựa hoặc giám sát con em mình, bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi những tác động tiêu cực của trò chơi;
- Yêu cầu đăng ký thông tin cá nhân và hạn chế giờ chơi đối với trẻ em và người chơi dưới 18 tuổi trên cơ sở xác thực thông tin cá nhân với cơ sở dữ liệu điện tử của Bộ Công an.
- Quản lý chặt các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên cơ sở quy định cụ thể các điều kiện hoạt động, đồng thời tiến hành kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
5. Tăng cường và nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin, thông qua các biện pháp sau:
- Phân biệt khái niệm về an toàn thông tin và an ninh thông tin, theo đó “an toàn thông tin” là việc quản lý hình thức của thông tin, còn “an ninh thông tin” là việc quản lý nội dung thông tin.
- Quy định cụ thể quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các Bộ ngành khác có liên quan, trong đó có bao gồm cả trách nhiệm hướng dẫn và tạo điều kiện để học sinh, sinh viên sử dụng Internet có ích và triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ trẻ em trên mạng; quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin công cộng trên mạng.
- Quy định cụ thể về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy, dịch vụ bảo đảm an toàn thông tin, tổ chức ứng cứu sự cố mạng, và phân định cấp độ an toàn thông tin.
Trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ khẩn trương xây dựng các Thông tư hướng dẫn nhằm triển khai Nghị định này để Nghị định sớm đi vào cuộc sống. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ có các văn bản đề nghị các Bộ, Ngành liên quan và Sở Thông tin truyền thông chủ động nghiên cứu và xây dựng các văn bản hướng dẫn theo quy định trong Nghị định này.