Theo đó, thủ tục đăng ký cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và thiết bị vô tuyến điện sẽ có môt số thay đổi đáng chú ý như sau:
1-Thủ tục đăng ký cấp mới giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho đài tàu cá:
-
Giảm bớt thủ tục đối với đài tàu cá có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình qua vệ tinh:
Để tháo gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC) đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU và uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, Theo Điều 50 Luật Thủy sản 2017, quy định đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên bắt buộc phải có bị thiết bị giám sát hành trình nhằm để truy xuất nguồn gốc thủy hải sản, tránh khai thác bất hợp pháp.
Kể từ khi áp dụng quy định trên, các đài tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải trang bị thêm thiết bị giám sát hành trình tàu cá qua vệ tinh và thực hiện 02 thủ tục hành chính (TTHC) về đăng ký cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (VTĐ) gồm: Đăng ký cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ đặt trên phương tiện nghề cá (áp dụng cho thiết bị liên lạc tầm xa HF như ICOM, VX1700) và đăng ký cấp Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ đối với đài vệ tinh trái đất (áp dụng cho các thiết bị giám sát hành trình qua vệ tinh do Công Ty TNHH MTV Thông Tin Điện Tử Hàng Hải Việt Nam (Vishipel), Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel… cung cấp dịch vụ thông tin vệ tinh lắp đặt).
Nhằm cắt giảm, đơn giản TTHC đối với đài tàu cá lắp đặt giám sát hành trình qua vệ tinh, Thông tư số 04/2021/TT-BTTTT ngày 13/8/2021 đã gộp 02 TTHC nói trên thành 01 TTHC và cấp một giấy phép chung cho cả 02 thiết bị VTĐ (ICOM/VX1700 + giám sát hành trình tàu cá qua vệ tinh) đặt trên tàu cá.
Với hàng chục nghìn tàu cá trên cả nước phải lắp đặt thiết giám sát hành trình qua vệ tinh, thì việc cắt giảm TTHC nêu trên sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho ngư dân và tạo điều kiện, khuyến khích lắp đặt thiết bị giám sát hành trình qua vệ tinh trên tàu cá góp phần sớm khắc phục thẻ vàng về khai thác thủy hải sản của Ủy ban châu Âu.
-
Không tính Phí sử dụng tần số VTĐ, chỉ tính lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ đặt trên phương tiện nghề cá:
Trước đây, theo thông tư 05/2015/TT-BTTTT ngày 23/3/2015 với 02 thủ tục đăng ký cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ cho tàu cá gồm thiết bị HF (ICOM, VX1700), thiết bị giám sát hành trình qua vệ tinh thì phí, lệ phí cấp 02 giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ là 590.000 VNĐ.
Thông tư 04/2021/TT-BTTTT ngày 13/8/2021, với việc gộp 02 TTHC đăng ký cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ và cấp 01 giấy phép chung cho cả 02 thiết bị VTĐ đặt trên tàu cá nên phí, lệ phí đã giảm rất nhiều, tạo sự thuận lợi để bà con ngư dân trong việc chấp hành các quy định về sử dụng tần số và thiết bị VTĐ. Không tính phí sử dụng tần số VTĐ, chỉ tính lệ phí cấp giấy phép là 50.000 VNĐ.
-
Thủ tục đăng ký cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ đặt trên phương tiện nghề cá:
-
Bản khai thông tin chung và bản khai thông số kỹ thuật, khai thác theo mẫu 1C tại Phụ lụcII của Thông tư 04/2021/TT-BTTTT ngày 13/8/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
-
Bản sao có chứng thực Căn cước công dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn thời hạn hoặc Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (đối với cá nhân đề nghị cấp giấy phép); hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (đối với hộ kinh doanh đề nghị cấp giấy phép).
-
Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý Hợp đồng sử dụng dịch vụ thông tin vệ tinh của chủ tàu cá với doanh nghiệp viễn thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép (đối với thiết bị giám sát hành trình tàu cá qua vệ tinh).
2 -Thủ tục đăng ký cấp mới giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho Đài phát thanh, truyền hình (PT-TH) của Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao cấp huyện và Đài truyền thanh không dây (TTKD) của UBND cấp xã/phường hoạt động trong băng tần (54-68)Mhz, mạng đài thông tin VTĐ nội bộ:
-
Không yêu cầu kê khai về giấy chứng nhận hợp quy khi đăng ký cấp mới giấy phép
Với mục tiêu tăng cường quản lý chất lượng thiết bị vô tuyến điện được sử dụng trong các loại mạng đài có nguy cơ xảy ra can nhiễu, tại Thông tư số 05/2015/TT-BTTTT có Mẫu bản khai 1d dành cho thiết bị PT-TH, Mẫu 1đ dành cho thiết bị đài TTKD, Mẫu 1g dành cho thiết bị thông tin VTĐ nội bộ, cả 03 mẫu bản khai đăng ký cấp mới giấy phép phải kê khai giấy chứng nhận hợp quy (CNHQ) của thiết bị.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực tế đã nảy sinh vướng mắc trong việc giải quyết cấp phép đối với các trường hợp giấy phép sử dụng tần số đã hết thời hạn tối đa (10 năm) hoặc quá thời hạn gia hạn. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 16 và điểm c khoản 1 Điều 22 của Luật Tần số vô tuyến điện tất cả các trường hợp đã được cấp phép với thời hạn tối đa theo quy định hoặc quá thời hạn gia hạn, sẽ không được tiếp tục gia hạn; tổ chức, cá nhân nếu muốn tiếp tục sử dụng thiết bị vô tuyến điện phải làm thủ tục như cấp mới và phải kê khai số giấy CNHQ; cùng với đó, theo quy định hiện hành, giấy CNHQ được cấp cho từng chủng loại sản phẩm/ thiết bị có thời hạn tối đa 03 năm (khoản 2 Điều 12 Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT) và không có quy định về cấp lại CNHQ khi các thiết bị trên hết thời hạn đã cấp.
Để tháo gỡ vướng mắc nói trên, Thông tư số 04/2021/TT-BTTTT đã điều chỉnh biện pháp quản lý chất lượng thiết bị vô tuyến điện từ tiền kiểm (yêu cầu kê khai số giấy CNHQ trong các mẫu bản khai đăng ký cấp phép) sang tăng cường hậu kiểm thông qua các hoạt động kiểm soát tần số, thanh tra, kiểm tra, kiểm định, …. Cụ thể, bản khai đăng ký cấp phép của 03 Mẫu trên tại Thông tư 04/2021/TT-BTTTT không còn yêu cầu kê khai số giấy CNHQ.
-
Sửa đổi các mẫu bản khai đăng ký cấp phép
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép được tổ chức lại, thống nhất sử dụng chung một mẫu bản khai hành chính (thông tin về tổ chức, cá nhân xin cấp phép), mỗi loại mạng đài vô tuyến điện được kê khai theo từng mẫu Bản khai thông số kỹ thuật, khai thác riêng theo đặc thù của mỗi nghiệp vụ tại Phụ Lục II của Thông tư này.
c) Đối với Đài phát thanh của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cấp huyện và Đài truyền thanh không dây của UBND cấp xã/phường yêu cầu phải có xác nhận đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp huyện sở tại cho phép phát sóng các kênh chương trình phát thanh trên hệ thống phát thanh, truyền thanh thông tin cơ sở.
Tại Mục 5,6 Bản kê khai thông số kỹ thuật, khai thác 1d đối với đài phát thanh cấp huyện và tại Mục 3 Bản kê khai thông số kỹ thuật, khai thác 1đ đối với Đài Truyền thanh không dây cấp xã/Phường yêu cầu phải có xác nhận đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp huyện sở tại cho phép phát sóng các kênh chương trình phát thanh, truyền thanh thông tin cơ sở.
3- Phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho các Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực:
Với mục tiêu đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính về cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ, ngoài các thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với đài vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá, đài truyền thanh không dây và trường hợp sử dụng thiết bị vô tuyến điện trong thời gian dưới 15 (mười lăm) ngày tại các lễ hội, sự kiện, triển lãm, hội chợ, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phân cấp cho các Trung tâm Tần số VTĐ khu vực thuộc Cục Tần số VTĐ thực hiện cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với mạng thông tin vô tuyến điện nội bộ.
4- Nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ:
+ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế.
Địa chỉ: Số 36 Phạm Văn Đồng, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Điện thoại: 0234.3882333, fax: 0234.3882444. Di động: 0931901111 (đ/c Chương) để được hướng dẫn làm thủ tục xin cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ.
+ Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III
Địa chỉ: Số 539- Trần Hưng Đạo, phường An Hải Tây, Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, điện thoại: 02363.933545, fax: 0236.3933707, di động: 0916777085 (đ/c Tuấn) để được hướng dẫn làm thủ tục xin cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ.