Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam
25/08/2021

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản ấn phẩm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam. Cuốn sách tập hợp, giới thiệu hơn 100 bài viết tham dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề cùng tên, do Ban Bí thư giao Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức. Đây là hội thảo khoa học cấp quốc gia đầu tiên về Đại tướng, là một trong những hoạt động trọng thể kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021).

Cuốn sách Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành tháng 8/2021

Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là trường hợp hiếm có của cả Việt Nam và thế giới, một vị tướng không qua một trường lớp quân sự  nào, nhưng đã chỉ huy quân đội xây dựng từ số 0, ngày càng lớn mạnh, làm nòng cốt cho toàn  dân Việt Nam đánh bại nhiều viên tướng nổi tiếng từng tốt nghiệp các học viện quân sự lừng danh trên thế giới của các quân đội thực dân xâm lược, giành được những thắng lợi vĩ đại làm thay đổi dòng chảy lịch sử dân tộc và nhân loại. Nhân dân Việt Nam và thế giới còn biết đến, quý trọng ông là một vị tướng tài - đức, văn - võ song toàn, một trong những danh nhân ngời sáng của nền văn hóa Việt Nam.

Võ Nguyên Giáp (1911-2013), sinh ra trong gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cả ông nội và ông ngoại của Đại tướng đều tham gia phong trào Cần vương chống Pháp.

Khi còn nhỏ, Võ Nguyên Giáp học ở trường làng, trường huyện rồi ra Đồng Hới học hết bậc tiểu học. Mùa hè 1925, ông vào Huế học tại Trường Quốc học Huế, sau này ra Hà Nội học hết trung học, tốt nghiệp ngành luật của Đại học Đông Dương. Ông đã dấn thân vào con đường cách mạng từ khi tuổi đời còn rất trẻ dưới sự dìu dắt của các bậc đàn anh và những người thầy ở Trường Quốc học Huế, gia nhập các tổ chức yêu nước và cách mạng: Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - Tân Việt Cách mạng Đảng - Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, trở thành Ủy viên Trung ương dự bị, phụ trách tuyên huấn và giao thông liên lạc của Tổng bộ Tân Việt Cách mạng Đảng. Võ Nguyên Giáp đã góp phần to lớn thúc đẩy tổ chức yêu nước này thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn - là một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng  sản Việt Nam. Ông đã bị thực dân Pháp kết án 2 năm tù vì tham gia ủng hộ phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh.

Thời gian học tập ở Huế, Võ Nguyên Giáp đã tích cực hoạt động báo chí, là biên tập viên báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Đặc biệt giữa những năm 1930, khi học tập, rồi dạy học ở Trường tư thục Thăng Long, ông tích cực hoạt động báo chí bên cạnh đồng chí Trường Chinh, cùng Trường Chinh viết và xuất bản cuốn sách Vấn đề dân cày, một tác phẩm nổi tiếng về nông thôn, nông dân Việt Nam đương thời.

Tháng 4/1940 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Võ Nguyên Giáp, ông và đồng chí Phạm Văn Đồng được đồng chí Hoàng Văn Thụ - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp giao nhiệm vụ sang miền Nam Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đầu tháng 6/1940, tại Thúy Hồ - Côn Minh - Vân Nam, hai ông được gặp đồng chí Vương (tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc), và từ đây Võ Nguyên Giáp được gần gũi với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trở thành người học trò xuất sắc của Người.

Nhận thấy ở Võ Nguyên Giáp có tài năng thiên bẩm về quân sự, cho nên sau thời gian thử thách, rèn luyện, tháng 12/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giao cho Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Kể từ đây, Võ Nguyên Giáp giữ vai trò người chỉ huy cao nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cương vị đó, Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo xây dựng quân đội ngày càng lớn mạnh, phát huy vai trò nòng cốt cho cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập, tự do cho dân tộc, làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, đặc biệt là với hai nước bạn Lào và Campuchia, được quân đội và nhân dân ta kính trọng, bạn bè quốc tế ngợi ca, kẻ bại trận khi đối địch với ông phải nể trọng, khâm phục.

Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam từ 34 chiến sĩ đầu tiên trở thành một quân đội cách mạng, “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có công lao to lớn, mang đậm dấu ấn của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam suy tôn ông là người “Anh Cả” của quân đội. Bộ đội do ông lãnh đạo, chỉ huy được nhân dân yêu mến gọi là “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là niềm tự hào, là sự kiêu hãnh mà không phải quân đội nào trên thế giới cũng có được.

Sau thắng lợi của chiến dịch bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc Thu - Đông 1947, tháng 1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ trao cho ông quân hàm Đại tướng như giao phó một trọng trách, một sự tin cậy lớn để ông điều hành, chỉ huy quân đội. Ông đã phấn đấu không mệt mỏi để xứng đáng với trách nhiệm, vinh dự Đảng và Bác Hồ trao.

Các tướng lĩnh của Pháp và Mỹ từng bại trận khi đối đầu với ông và cả các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự hàng đầu thế giới đã đánh giá Võ Nguyên Giáp là vị tướng thiên tài, một trong những nhà cầm quân xuất chúng của mọi thời đại, vị tướng của chiến tranh nhân dân, “đã vạch ra chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự” giúp đất nước “chiến thắng những kẻ thù mạnh nhất”, là “bậc thầy về chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật quân sự”, đã “sáng tạo một kiểu chiến tranh mà cả Pháp lẫn Mỹ không thể đánh thắng”.

*

Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tướng lĩnh quân sự cũng như nhiều người yêu mến, kính trọng, ngưỡng mộ Đại tướng đã dành thời gian dày công nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, luận giải về cuộc đời, sự nghiệp, tài năng, nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những bài viết được tập hợp trong Hội thảo Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam là một số ít trong những bài viết đó. Nội dung các bài viết tương đối đa dạng, bao chứa nhiều nội dung khá phong phú, nhiều chiều cạnh về Đại tướng, bước đầu làm sáng tỏ những đóng góp về nhiều mặt đối với cách mạng Việt Nam của nhà lãnh đạo quân sự thiên tài, vị tướng lĩnh tài năng đức độ Võ Nguyên Giáp. Cuốn sách được sắp xếp thành ba phần:

Phần thứ nhấtNhững vấn đề chung, gồm tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các vị bộ trưởng, các tướng lĩnh lãnh đạo, chỉ huy quân đội... Nội dung các bài viết góp phần khẳng định: Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự văn võ song toàn, người “Anh Cả” của quân đội, là “Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy”, có nhiều đóng góp xuất sắc cho Đảng, cho dân, đặc biệt là trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.

Phần thứ haiTài năng quân sự xuất chúng, cống hiến đặc biệt xuất sắc cho cách mạng Việt Nam, tập hợp các bài viết của các tướng lĩnh, sĩ quan lãnh đạo, chỉ huy các quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn, các tổng cục, các cục,… cùng đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng quân đội. Nội dung chủ đạo của các bài viết ở phần này luận giải, phân tích, đánh giá những đóng góp về nhiều mặt của đồng chí Võ Nguyên Giáp với cách mạng Việt Nam, đặc biệt là quá trình đồng chí được Trung ương Đảng, Bác Hồ giao trọng trách lãnh đạo, chỉ huy quân đội trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phần thứ baSáng ngời tấm gương đạo đức cách mạng, tập trung luận giải Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một tấm gương đạo đức lớn của cách mạng Việt Nam. Ông có may mắn sớm được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rồi trở thành người học trò xuất sắc, gần gũi bên Người. Cả đời ông tuân theo chỉ dạy của Bác Hồ về đạo làm tướng, tận trung với nước, tận hiếu với dân, được cán bộ, chiến sĩ suy tôn là người “Anh Cả” của quân đội, suốt đời thương yêu, quý trọng chiến sĩ; một vị Tổng Tư lệnh hội tụ đủ các phẩm chất trí - dũng - nhân - tín - liêm - trung, luôn “Dĩ công vi thượng”, lúc nào cũng canh cánh bên lòng: “Tôi sống ngày nào cũng vì đất nước ngày đó”. Ông chính là một thiên tài được chắt lọc những giá trị nhân văn - chất nhân văn hiếm có của danh tướng.

theo mic.gov.vn
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.326.132
Hiện tại 2.185 khách