I. ĐỐI TƯỢNG DỰ THI VÀ HÌNH THỨC THI
1. Đối tượng dự thi
- Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Báo cáo viên pháp luật cấp huyện tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Tuyên truyền viên pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Hình thức thi
a) Vòng sơ khảo
+ Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh gửi đề cương thi về Ban Tổ chức để chấm điểm.
+ Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, Tuyên truyền viên pháp luật tham gia vòng sơ khảo do cấp huyện tổ chức và Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản cử tham gia vòng chung khảo cấp tỉnh.
b) Vòng chung khảo
- Trường hợp bình thường (tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và cho phép tổ chức hội nghị tập trung đông người. Số lượng người đảm bảo theo quy định cho phép vào thời điểm tổ chức và bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh)
Vòng chung khảo được tổ chức thi trực tiếp theo 03 nhóm: báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; báo cáo viên pháp luật cấp huyện; tuyên truyền viên pháp luật.
- Trường hợp không thể tập trung đông người do tình hình dịch bệnh Covid-19
Vòng chung khảo được chia theo 03 nhóm: báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; báo cáo viên pháp luật cấp huyện; tuyên truyền viên pháp luật.
Các thí sinh gửi video clip có độ dài từ 7-10 phút trình bày những nội dung trọng tâm trong đề cương.
II. NỘI DUNG THI
Nội dung thi thể hiện kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng, các lĩnh vực pháp luật quan trọng khác liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân.
Thí sinh lựa chọn 1 trong những chủ đề được gợi ý sau để xây dựng đề cương và trình bày:
1. Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.
2. Công ước của Liên Hợp quốc về phòng, chống tham nhũng và sự cụ thể hóa trong pháp luật Việt Nam.
3. Một số nội dung cơ bản của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
4. Pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo với công tác phòng, chống tham nhũng.
5. Pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác phòng, chống tham nhũng.
6. Các quy định pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức với công tác phòng, chống tham nhũng.
7. Xử lý vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.
8. Thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong công tác phòng, chống tham nhũng.
9. Quy định pháp luật về tiếp cận thông tin, trưng cầu dân ý với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác phòng, chống tham nhũng.
10. Kỹ năng xây dựng đề cương tuyên truyền pháp luật phòng, chống tham nhũng.
11. Chủ đề khác có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng do thí sinh tự chọn.
III. ĐĂNG KÝ DỰ THI VÀ CÁCH THỨC THI
1. Đăng ký dự thi
a) Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, Tuyên truyền viên pháp luật
Trên cơ sở kết quả vòng thi sơ khảo, Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản gửi Ban Tổ chức Cuộc thi của tỉnh (qua Sở Tư pháp) trước ngày 31/7/2021 để đăng ký 01 Báo cáo viên pháp luật, 01 Tuyên truyền viên pháp luật dự thi vòng chung khảo.
Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật tham gia vòng thi chung khảo do cấp tỉnh tổ chức phải gửi Đề cương chuyên đề pháp luật trình bày trước thời điểm tổ chức thi ít nhất là 10 ngày. Hình thức thi theo quy định tại điểm b khoản 2 mục I Thể lệ này.
b) Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh
Các cơ quan có Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh động viên, khuyến khích Báo cáo viên tham gia Cuộc thi theo phương thức như sau:
+ Báo cáo viên lựa chọn chuyên đề pháp luật tại phần II Thể lệ này để xây dựng đề cương, gửi Ban Tổ chức Cuộc thi của tỉnh (qua Sở Tư pháp) trước ngày 30/6/2021.
+ Ban Giám khảo Cuộc thi chấm điểm dựa trên đề cương của Báo cáo viên, lựa chọn 05 Báo cáo viên cấp tỉnh trình Ban Tổ chức xem xét, quyết định tham gia vòng chung khảo theo hình thức được nêu tại điểm b khoản 2 mục I Thể lệ này.
2. Cách thức thi
a) Đối với xây dựng đề cương chuyên đề pháp luật
- Đề cương bảo đảm các nội dung chính: mở đầu, nội dung, kết luận.
- Về nội dung: nêu đúng nội dung, tinh thần quy định pháp luật; có liên hệ, mở rộng, làm rõ vấn đề.
- Đề cương không giới hạn về mặt dung lượng.
b) Cách thức thi trực tiếp hoặc qua video clip
- Thi trực tiếp: thí sinh trình bày (thực hiện tuyên truyền miệng) 01 chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng từ 07-10 phút.
Sau khi trình bày chuyên đề, thí sinh trả lời 01 câu hỏi có liên quan do Ban Giám khảo nêu ra. Thời gian trả lời câu hỏi (bao gồm cả thời gian chuẩn bị) không quá 5 phút.
- Thi qua video clip: thí sinh tự quay video clip trình bày 01 chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng từ 07-10 phút và gửi video clip về Sở Tư pháp trước ngày 25/7/2021.
IV. PHƯƠNG PHÁP TÍNH ĐIỂM THI
1. Quy định chung
a) Vòng sơ khảo
- Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, Tuyên truyền viên pháp luật do cấp huyện tổ chức sơ khảo và gửi quyết định cho Ban Tổ chức cấp tỉnh để tổ chức thi chung khảo.
- Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh: Vòng sơ khảo được chấm dựa trên đề cương. Điểm chấm theo quy định tại khoản 2 dưới đây.
b) Vòng chung khảo
- Trong trường hợp tổ chức thi trực tiếp: điểm chấm là điểm tổng hợp của điểm xây dựng đề cương, điểm đối với phần trình bày và điểm đối với trả lời câu hỏi.
- Trường hợp không tổ chức thi trực tiếp: điểm chấm là điểm tổng hợp của điểm xây dựng đề cương, điểm đối với phần trình bày qua video clip.
2. Quy định chấm điểm
a) Đối với đề cương
- Điểm chấm tối đa là 10 điểm. Trong đó:
+ Mở đầu: 2 điểm
+ Kết thúc: 2 điểm
+ Nội dung: 6 điểm: Có căn cứ pháp luật rõ ràng (2 điểm); có mở rộng, liên hệ, phân tích làm rõ chủ đề (4 điểm).
b) Đối với nội dung thuyết trình
Điểm chấm đối với nội dung thuyết trình trên cơ sở điểm của đề cương và kỹ năng thuyết trình (diễn đạt lưu loát, rõ ràng, truyền cảm, có phương pháp tiếp cận vấn đề ấn tượng,...): 10 điểm.
c) Đối với câu hỏi kiểm tra kiến thức
- Điểm chấm tối đa là 5 điểm. Trong đó:
+ Nêu đúng nội dung câu trả lời: 4 điểm.
+ Có căn cứ văn bản áp dụng: 0,5 điểm.
+ Có điều khoản áp dụng: 0,5 điểm.
4. Phương pháp tính điểm
- Điểm chấm là điểm trung bình cộng của các thành viên Ban Giám khảo chấm điểm cho thí sinh.
- Khi kết thúc cuộc thi, Ban Giám khảo thống nhất để lựa chọn xếp hạng, theo tổng số điểm được xếp thứ tự từ cao đến thấp, báo cáo Ban Tổ chức xếp giải.
- Nếu điểm chấm của thành viên Ban Giám khảo cho cùng một thí sinh mà có số điểm chênh lệch nhau giữa người chấm cao nhất và thấp nhất từ 05 điểm trở lên thì Trưởng ban Giám khảo quyết định chấm thẩm định lại.
- Trường hợp thí sinh có số điểm bằng nhau thì căn cứ vào các tiêu chí khác để lựa chọn trao giải, như: đề cương được trình bày công phu, sinh động, liên hệ thực tiễn phù hợp, phương pháp vào đề có sự sáng tạo,...
V. QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI BAN GIÁM KHẢO
Ban Giám khảo có nhiệm vụ chấm thi trung thực, chính xác, công bằng và khách quan; báo cáo kết quả cuộc thi với Ban Tổ chức để phân định giải.
VI. GIẢI THƯỞNG CUỘC THI VÀ THAM DỰ CUỘC THI DO TRUNG ƯƠNG TỔ CHỨC
1. Giải thưởng Cuộc thi do tỉnh tổ chức
Tập thể, cá nhân đạt giải được trao Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức cuộc thi và giải thưởng theo quy định.
a) Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh
01 giải nhất: 3.000.000 đồng
01 giải nhì: 1.500.000 đồng
02 giải ba: 1.000.000 đồng/giải
01 giải khuyến khích: 500.000 đồng/giải
b) Báo cáo viên pháp luật cấp huyện
01 giải nhất: 3.000.000 đồng
01 giải nhì: 1.500.000 đồng
02 giải ba: 1.000.000 đồng/giải
05 giải khuyến khích: 500.000 đồng/giải
c) Tuyên truyền viên pháp luật
01 giải nhất: 3.000.000 đồng
01 giải nhì: 1.500.000 đồng
02 giải ba: 1.000.000 đồng/giải
05 giải khuyến khích: 500.000 đồng/giải
d) Tùy theo điều kiện thực tế, Ban Tổ chức Cuộc thi có thể điều chỉnh cơ cấu giải thưởng và những nội dung khác liên quan đến Cuộc thi.
e) Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích cao của Cuộc thi.
2. Tham dự Cuộc thi do Trung ương tổ chức
Cá nhân đạt giải Nhất Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, giải Nhất Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, giải Nhất tuyên truyền viên pháp luật sẽ đại diện tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự Cuộc thi do Trung ương tổ chức.
Trong quá trình tổ chức Cuộc thi nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị liên hệ Ban Tổ chức Cuộc thi (qua Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp) để được giải đáp, hỗ trợ